Thứ Sáu, ngày 3 tháng 1 năm 2025

Giáo dục lòng biết ơn, truyền thống đại đoàn kết dân tộc trong mỗi cá nhân

Đồng chí Nguyễn Thị Bạch Mai dâng hương tại Nghĩa trang Liệt sĩ Đường 9

(Thanhuytphcm.vn) – Tiếp tục chương trình “Đoàn cán bộ dân vận tiêu biểu TPHCM về nguồn” và Chương trình “Dân vận khéo - Kết nối biên cương” tại Quảng Bình, Quảng Trị và Thừa Thiên - Huế, sáng 13/11, đồng chí Nguyễn Thị Bạch Mai, Thành ủy viên, Phó Trưởng Ban Thường trực Ban Dân vận Thành ủy TPHCM làm trưởng đoàn cùng đại diện lãnh đạo các cơ quan tham mưu, giúp việc Thành ủy, lãnh đạo Ban Dân vận các quận ủy, huyện ủy, Thành ủy Thủ Đức; Ban Dân vận Khối Dân - Chính - Đảng TPHCM và 83 gương điển hình “Dân vận khéo” tiêu biểu cấp Thành phố năm 2024 đến dâng hương tưởng niệm các anh hùng, liệt sĩ tại Nghĩa trang Liệt sĩ Quốc gia Trường Sơn và Nghĩa trang Liệt sĩ Đường 9.

Tưởng nhớ, tri ân những thanh niên anh hùng mãi tuổi đôi mươi

Nghĩa trang liệt sĩ Quốc gia Trường Sơn tọa lạc trên khu đồi Bến Tắt, cạnh đường Quốc lộ 15, thuộc địa phận xã Vĩnh Trường, huyện Gio Linh, tỉnh Quảng Trị. Nghĩa trang được xây dựng từ ngày 24/10/1975 và hoàn thành ngày 10/4/1977, đây là nghĩa trang liệt sĩ có quy mô lớn nhất Việt Nam với diện tích lên đến 140.000 m2.

Đoàn đại biểu dâng hương tưởng nhớ công lao các anh hùng, liệt sĩ tại Nghĩa trang Liệt sĩ Quốc gia Trường Sơn. Đoàn đại biểu dâng hương tưởng nhớ công lao các anh hùng, liệt sĩ tại Nghĩa trang Liệt sĩ Quốc gia Trường Sơn.

Trên dải đất miền Trung đầy nắng gió, giữa những đồi thông xanh rì rào, Nghĩa trang liệt sĩ Quốc gia Trường Sơn như một biểu tượng thiêng liêng, là nơi an nghỉ vĩnh hằng của hơn 10.000 anh hùng, phần lớn là những thanh niên tuổi đôi mươi, đến từ mọi miền đất nước đã hy sinh trên tuyến đường Trường Sơn huyền thoại trong cuộc chiến tranh chống Mỹ cứu nước.

Đồng chí Nguyễn Thụy Trâm thắp hương trên phần mộ anh hùng, liệt sĩ tại Nghĩa trang Liệt sĩ Quốc gia Trường Sơn Đồng chí Nguyễn Thụy Trâm thắp hương trên phần mộ anh hùng, liệt sĩ tại Nghĩa trang Liệt sĩ Quốc gia Trường Sơn

Đồng chí Nguyễn Thụy Trâm, Phó trưởng Ban Dân vận Quận ủy quận Phú Nhuận bồi hồi chia sẻ, lần đầu đến đây tôi là một cán bộ Đoàn, đây lần thứ 2 với vai trò là một cán bộ làm công tác dân vận. Cho dù ở vị trí nào, khi đặt chân tới đây tôi như luôn được hun đúc thêm niềm tự hào, lòng biết ơn những anh hùng liệt sĩ đã chiến đấu anh dũng, hy sinh tính mạng và tuổi xuân góp phần làm nên con đường Hồ Chí Minh trên Trường Sơn, con đường vận chuyển vũ khí, lương thực chi viện cho chiến trường miền Nam; đặt vận mệnh của đất nước lên trên tất cả để giành lại độc lập tự do cho dân tộc. Đó cũng là nguồn cội của sức mạnh để bản thân tôi cần vững vàng trên mọi hành trình công tác.

Các đại biểu thắp hương trên phần mộ các anh hùng, liệt sĩ tại Nghĩa trang Liệt sĩ Đường 9 Các đại biểu thắp hương trên phần mộ các anh hùng, liệt sĩ tại Nghĩa trang Liệt sĩ Đường 9

Nghĩa trang liệt sĩ Đường 9 nằm bên cạnh Quốc lộ 9, Phường 4, Thành phố Đông Hà, tỉnh Quảng Trị, cách trung tâm Thành phố Đông Hà khoảng 6km về phía Tây. Nghĩa trang liệt sĩ Đường 9, tiền thân là Nghĩa trang Liệt sĩ thị xã Đông Hà, xây dựng từ năm 1983-1984.

Nằm trên vùng đồi tĩnh lặng, trong Nghĩa trang Liệt sĩ Đường 9 là nhiều ngôi mộ tập thể và hàng ngàn mộ chiến sĩ chưa xác định danh tính. Đây là nơi yên nghỉ của gần 11.000 anh hùng liệt sĩ bộ đội chủ lực, bộ đội địa phương, dân quân du kích và thanh niên xung phong từ mọi miền đất nước, đã từng chiến đấu, phục vụ chiến đấu trên mặt trận Đường 9 và trên đất Lào trong suốt cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước.

Các đại biểu nghe thuyết minh về khu di tích Thành cổ Quảng Trị Các đại biểu nghe thuyết minh về khu di tích Thành cổ Quảng Trị

Giáo dục lòng biết ơn, bồi đắp tình yêu quê hương, đất nước

Nghĩa trang Liệt sĩ Trường Sơn và Nghĩa trang Liệt sĩ Đường 9 là 2 nghĩa trang lớn nhất trong số hơn 72 nghĩa trang liệt sĩ trên tỉnh Quảng Trị. Không chỉ là nơi an nghỉ của các anh hùng liệt sĩ, các nghĩa trang còn là nơi suy tôn, là biểu tượng sáng ngời của chủ nghĩa anh hùng cách mạng, của tinh thần, ý chí đấu tranh giành độc lập và khát vọng hòa bình của nhân dân ta; là nơi tưởng nhớ những anh hùng liệt sĩ; là lời nhắc nhở thế hệ mai sau về giá trị của hòa bình, độc lập tự do mà chúng ta đang được hưởng thụ; sẽ mãi là những địa chỉ đỏ nơi giáo dục cho thế hệ trẻ về lòng yêu nước, tinh thần dũng cảm và ý chí kiên cường của dân tộc Việt Nam.

Đồng chí Nguyễn Thị Bạch Mai tặng biểu trưng đến lãnh đạo xã Thanh và Đồn Biên phòng 613 Đồng chí Nguyễn Thị Bạch Mai tặng biểu trưng đến lãnh đạo xã Thanh và Đồn Biên phòng 613

Phó Trưởng Ban Thường trực Ban Dân vận Thành ủy TPHCM Nguyễn Thị Bạch Mai cho biết, chuyến về nguồn mang ý nghĩa rất lớn trong công tác tuyên truyền, giáo dục lòng biết ơn, bồi đắp tình yêu quê hương, đất nước trong mỗi cá nhân; giáo dục về truyền thống đại đoàn kết dân tộc, thông qua việc tổ chức các hoạt động chăm lo đời sống vật chất, tinh thần cho đồng bào dân tộc thiểu số, cán bộ, chiến sĩ và Nhân dân có hoàn cảnh khó khăn tại tỉnh Quảng Bình và Quảng Trị; cụ thể hóa phương châm “Đi dân nhớ, ở dân thương, làm dân tin” và phương châm “Trọng dân, gần dân, hiểu dân và có trách nhiệm với dân”, góp phần nâng cao nhận thức trách nhiệm của cán bộ, đảng viên, đoàn viên, hội viên của cả hệ thống chính trị thành phố trong tham gia bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới Quốc gia trong tình hình mới; tri ân, chia sẻ những tình cảm của cán bộ, chiến sĩ lực lượng vũ trang luôn giữ vững tinh thần vượt qua gian khó, vững chắc tay súng bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới Quốc gia.

Đoàn chụp ảnh lưu niệm với người dân và các cán bộ xã Nghĩa trang Liệt sĩ Quốc gia Trường Sơn Đoàn chụp ảnh lưu niệm với người dân và các cán bộ xã Nghĩa trang Liệt sĩ Quốc gia Trường Sơn

Tại Nghĩa trang Liệt sĩ Quốc gia Trường Sơn, đoàn thăm hỏi, trao 150 phần quà (mỗi phần trị giá 1 triệu đồng gồm 500.000 đồng tiền mặt và quà nhu yếu phẩm) và 600 cờ Tổ quốc (thuộc công trình 1.800 lá cờ Tổ quốc từ hợp phần “Cờ Tổ quốc biên cương” thuộc chương trình “Tự hào cờ Tổ quốc” của báo Người Lao động) đến 150 hộ gia đình dân tộc thiểu số có hoàn cảnh khó khăn thuộc xã Linh Trường (huyện Gio Linh) và xã Thanh (huyện Hướng Hóa), tỉnh Quảng Trị.

Các đại biểu chụp ảnh lưu niệm tại Nghĩa trang Liệt sĩ Đường 9 Các đại biểu chụp ảnh lưu niệm tại Nghĩa trang Liệt sĩ Đường 9

Dịp này, đoàn trao tặng Đồn Biên phòng 613 300 lá cờ Tổ quốc và trao tặng kinh phí trang bị cơ sở vật chất và chăm lo cho các chiến sĩ biên phòng đang công tác tại Đồn Biên phòng 613, tổng trị giá 20 triệu đồng. Ngoài ra, đoàn còn tặng 10 phần quà (mỗi phần trị giá 1 triệu đồng) đến các chiến sĩ có hoàn cảnh khó khăn đang công tác tại đồn.

Trong khuôn khổ chương trình, đoàn cũng đến dâng hương tại Thành cổ Quảng Trị, di tích gắn liền với sự kiện 81 ngày đêm hào hùng; nơi được coi là nghĩa trang không nấm mồ cho tất cả những người lính đã hy sinh xương máu của mình vì độc lập tự do của Tổ quốc.

Lâm Thạch Anh


Ý kiến bạn đọc

refresh
 

Tổng lượt bình luận

Tin khác

Thông báo