Thứ Bảy, ngày 28 tháng 9 năm 2024

Nhớ những lần được nghe chuyện Nhà nghiên cứu Nguyễn Đình Đầu

Ham mê chân lý thì phải vượt lên hết

Nhà nghiên cứu Nguyễn Đình Đầu. (Ảnh Nhà xuất bản Trẻ).

(Thanhuytphcm.vn) - Có chuyện gì khó liên quan sử - địa Việt Nam, các nhà báo - và ngay cả người dân - đều nghĩ ngay đến việc hỏi chuyện Nguyễn Đình Đầu - một nhà nghiên cứu độc lập không ở Vụ - Viện hay cơ quan nào. Người vừa mất ở tuổi 104, có “Cuộc đời lớn hơn trăm năm” (Tít bài rất hay của báo Tuổi trẻ).

Không chỉ trên báo chí mà cả mạng xã hội, nhiều người kể các cuộc gặp - như một nhà văn sống ở nước ngoài nhớ hồi mình còn là sinh viên báo chí - có thắc mắc cũng được “bác Đầu” cho gặp để giải đáp tại nhà.

Tôi được vài lần phỏng vấn ông, ngồi trong ngôi nhà nổi tiếng không chỉ vì địa điểm ngay sau dinh Thống Nhất - nhà số 1 Thủ Khoa Huân, Quận 1 - mà ai cũng biết ở đó có thể ví như “bảo tàng” cá nhân sưu tập cổ vật và bản đồ - dù rằng ông đã hiến tặng bớt đi… hàng tấn.

1. Tôi “chìm đắm” vào người Sài Gòn là nhờ...

Lần đầu gặp khi ông sắp vào tuổi 90. Mục đích tôi được giao việc nghe về bản sắc người Sài Gòn sau bao năm vật đổi sao dời. Như tất cả các nhà báo đi phỏng vấn, đầu tôi tham lam chất chứa cố nghĩ ra bao câu hỏi. “Ai là người Sài Gòn? Vì sao có sự tồn tại trái ngược trong tính cách: Giàu có, giỏi giao thương buôn bán mà lại… thật thà, trọng chữ tình?. Ai đến sống Sài Gòn phải “giống” Sài Gòn? Thôi thì bao nhiêu câu hỏi chất chứa và sau một buổi dài lắng nghe, tôi hiểu ra bao điều về Thành phố mình đang sống.

Ông không xem một tài liệu nào, chỉ ngồi vui cười nói theo trí nhớ - tả lại từ thời “Sài Gòn đông dân nhất cho đến năm 1945 là nhất Đông Dương”. Khi nghiên cứu tỉ mỉ về chỗ ở, nghề nghiệp mới hiểu rõ “trọng nghĩa khinh tài”, những đặc trưng văn hóa gốc gác nghề nghiệp của người Sài Gòn.

Ông nói: “Ông cha ta xưa tìm ra Sài Gòn thật đặc biệt. Vừa cửa sông cửa biển tàu thuyền vào được, khác sông Hồng”.

Và khi tôi hỏi “Có nhận xét: Người Sài Gòn dễ thương trong cái nông cạn?” - ông lại nói về sự hiền hòa trong tính cách người Sài Gòn bằng câu thật ấn tượng: “Hiền hòa nhưng trong tranh đấu lại rất quyết liệt".

Ông sinh ra ở phố Hàng Giấy, Hà Nội nhưng lại là một trí thức Công giáo, nhà Nam bộ học. Con người ông đậm chất Sài Gòn thế nào? Trả lời: “Tôi vẫn nói giọng Bắc chay. Tôi chìm đắm vào người Sài Gòn là nhờ cá tính muốn sống như mọi người, không khác biệt. Nhiều người bảo tôi Nam kỳ… hơn cả Nam kỳ. Tôi ăn gì cũng thấy ngon. Tây cũng được. Tàu, Nhật cũng được, trừ đừng cay quá. Thuốc hút được. Rượu uống được nhưng cả đời không bao giờ say.”

2. Tôi lụi cụi nghiên cứu nhưng… không ở trên mây

Khi tôi hỏi “Sài Gòn có gì…xấu đi?”. Ông dắt tôi ra balcon chỉ tay ra phía sau Dinh: “Chị bước ra đây tôi chỉ cho thấy một chi tiết nhỏ về tổ chức quản lý đô thị. Thấy không? Bên kia là Dinh Tổng thống chứ gì? Tường cột 10 năm không sơn phết. Nhìn búi dây điện kìa. Không thể tưởng”.

Thấy tôi cười bảo “ở đâu không có, đầy ra bác ơi” - ông nghiêm lại: Đừng nhầm. Cái đó làm hại đời sống. Nếu chị nhìn một hàng cây thẳng mà nó lại méo mó nó không có thẩm mỹ đã đành. Nhưng lớn hơn là từ đó nó ảnh hưởng đến CÁI THIỆN nữa. Tôi rất có ý thức chuyện đó nên khó chịu lắm. Đó là chưa kể phong thái đó nó có trong những chuyện lớn như cải cách hành chính, chuyện làm việc. Tôi lụi cụi nghiên cứu nhưng không ở trên mây. Thấy hết cái hay cái đẹp, thấy cả những con người làm trì trệ xã hội. Dân trí, dân đức cùng phải đi lên.

Vào năm ông bước vào tuổi 92 - ai cũng bảo ông ở tuổi cao quá rồi. Tôi lại được đến trò chuyện tiếp. Lúc đó ông đang bận rộn muốn “chốt lại hoàn hảo chuyện Hoàng Sa - Trường Sa”.

Ông giải thích cho tôi: Tôi không giống những người sưu tầm đánh giá cái này quý, cái kia quý. Tôi là nhà nghiên cứu, giải mã đọc được những tài liệu, bản đồ bằng nhiều thứ tiếng, trong nhiều giai đoạn khác nhau để tìm ra nguồn gốc từ đâu mà có những tên gọi đó. Tôi không là nhà sưu tầm đơn thuần, không cần chứa bảo quản, mà là nhà nghiên cứu.

Vậy rõ rồi. Ngày nay người ta gọi ông bằng nhiều tên gọi: Nhà văn hóa - sử học, nhà bác học, nhưng ông nhận mình là nhà nghiên cứu.

Nói về công trình góp vào việc khẳng định “Hoàng Sa - Trường Sa là của Việt Nam”, ông khiêm nhường: Tôi nghĩ mình phải đưa ra ánh sáng những chứng minh khoa học, đó là bổn phận, là vấn đề lớn, là vấn đề khoa học thực sự của nước ta và quốc tế.

Những tác phẩm của Nhà nghiên cứu Nguyễn Đình Đầu. (Ảnh Nhà xuất bản Trẻ). Những tác phẩm của Nhà nghiên cứu Nguyễn Đình Đầu. (Ảnh Nhà xuất bản Trẻ).

Tài liệu nào quý nhất? - “Nhiều tài liệu mà tôi nghĩ các Viện Nghiên cứu chưa chắc có nên Nhà nước và Bộ Ngoại giao, Bộ Công an mới liên hệ với tôi”.

Vừa khó khăn lại tốn kém tiền bạc… đâu là khó lớn nhất với ông” - “Ham mê chân lý phải vượt lên trên hết. Ham mê sự thật, ham mê hiểu biết. Vì ham mê tôi đã đi tìm kiếm khắp trong ngoài nước, kể cả chợ trời. Phải tiết kiệm dành cho nghiên cứu, dần dần thành nhà nghiên cứu lúc nào không biết.”

3. Khuyết điểm của ông

Trong lúc vui tôi hỏi: “Nếu có thể xếp hạng thì ông là nhà nghiên cứu tầm cỡ nào?”

Trả lời: “Không tầm cỡ gì. Nhưng tôi biết mình không mặc cảm khi thảo luận tiếp xúc với giới nghiên cứu các nước. Tôi có dịp làm nhà khoa học nho nhỏ tiếp xúc với các nhà khoa học thế giới như Nhật, Trung Quốc, Mỹ, Pháp, Anh, Úc… để thảo luận các vấn đề. Tôi là nhà nghiên cứu tay ngang vẫn khiêm tốn nhiều điều chưa biết nhưng vẫn trao đổi được với những nhà nghiên cứu chuyên môn trong ngoài nước.”

Tại sao chưa có Hồi ký của ông? Những cuộc đời hay như đời ông không được viết ra mai này đem về với tổ tiên, vậy là có khuyết điểm. Ông có công nhận vậy không?

Nhà nghiên cứu Nguyễn Đình Đầu trả lời: “Tôi mê hội họa và đọc nhiều tự truyện của các vị như Washington, Gandhi, Churchill, cụ Hồ, các nhà văn, chính khách lớn. Từ bé tôi đã nghĩ có hai hướng trong đời một người tích cực: Người chuẩn bị làm lãnh đạo các lĩnh vực, hai là người tích cực ở cơ sở (militant de base). Tôi chọn làm chiến sỹ cơ sở và những việc tôi nghiên cứu là chiến sỹ cơ sở. Có vài nhà văn đề nghị nghe chuyện tôi để viết nhưng tôi xin cảm ơn. Thỉnh thoảng tôi có viết lại một vài điểm mình chứng kiến cho dễ hiểu, cho sáng sủa, không phải tiểu sử mình. Chắc chị có đọc?”

Hôm nay thì nhà nghiên cứu đã ra đi. Công chúng luôn mong đọc chuyện đời ông - người hơn trăm năm - không chỉ là đời sống lâu, làm nhiều việc lớn, mà là hình mẫu con người có thể cho ta thêm tình yêu công việc, yêu đất nước và con người với lòng lạc quan.

Thật vui mừng khi đất nước chúng ta có nhiều người lớn tuổi - trên dưới 100 tuổi - vẫn đang làm việc và để lại những tấm gương đẹp như năm ngoái công chúng còn được chứng kiến “cuộc trò chuyện song đôi giữa hai người trăm năm: Nguyễn Đình Đầu - Nguyễn Đình Tư”. Và mới đây tác giả nữ - nhà văn 95 tuổi - bà Xuân Phượng ra mắt những tập Hồi ký hay và vẫn đang tiếp tục viết.

Nguyễn Thị Ngọc Hải


Ý kiến bạn đọc

refresh
 

Tổng lượt bình luận

Tin khác

Thông báo