Thứ Năm, ngày 2 tháng 1 năm 2025

Huế sẽ là thành phố trực thuộc Trung ương thứ 6 trong cả nước nếu được Quốc hội thông qua

Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn

(Thanhuytphcm.vn) – Ngày 31/10, Quốc hội thảo luận tại tổ về dự thảo Nghị quyết về tổ chức chính quyền đô thị tại TP Hải Phòng; việc thành lập TP Huế trực thuộc Trung ương.

Trước sự phát triển rất nhanh của TP Hải Phòng trong những năm gần đây, đại biểu (ĐB) Quốc hội Trần Hoàng Ngân (TPHCM) đồng tình việc phải có một mô hình phát huy được hết các tiềm năng của TP này và Nghị quyết về tổ chức chính quyền đô thị tại TP Hải Phòng là phù hợp.

Các ĐB cũng cho rằng, các chính sách về nâng chất đội ngũ cán bộ công chức, tiền lương, phân cấp, phân quyền gắn với trách nhiệm... đã và đang triển khai ở TP Hà Nội, TPHCM, TP Đà Nẵng cần được sơ kết để làm cơ sở cho TP Hải Phòng áp dụng, triển khai nhanh có hiệu quả.

Từ kinh nghiệm thực tế khi TPHCM triển khai mô hình chính quyền đô thị, ĐB Dương Ngọc Hải (TPHCM) cho rằng đã đến lúc cần có mô hình chính quyền đô thị để áp dụng cho một số tỉnh, thành trong cả nước.

ĐB Trần Hoàng Ngân kiến nghị xây dựng Luật Đô thị để các đô thị trực thuộc Trung ương đủ các tiêu kiện của đô thị đặc biệt thì áp dụng luôn luật này, chứ không phải xây dựng Luật Đô thị đặc biệt dành riêng cho TPHCM.

Về thành lập TP Huế trực thuộc Trung ương, ĐB Trần Thị Diệu Thúy (TPHCM) nhấn mạnh, việc thành lập TP Huế trực thuộc Trung ương trong giai đoạn này là rất cần thiết để TP Huế tăng động lực, phát huy nội lực, dẫn dắt phát triển hơn. Đây cũng là ý kiến của các ĐB khác.

Phát biểu tại phiên thảo luận tổ, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn nhấn mạnh ý nghĩa quan trọng của việc việc thành lập TP Huế trực thuộc Trung ương. Với việc thành lập TP Huế trực thuộc Trung ương, Chủ tịch Quốc hội nêu rõ, sau 20 năm, Quốc hội mới xem xét việc thành lập một TP trực thuộc Trung ương. Đây sẽ là TP trực thuộc Trung ương thứ 6 trong cả nước nếu được Quốc hội thông qua.

Tổng Bí thư Tô Lâm phát biểu Tổng Bí thư Tô Lâm phát biểu

Về tổ chức chính quyền đô thị tại TP Hải Phòng, Chủ tịch Quốc hội cho biết, hiện, Quốc hội đã ban hành cơ chế đặc thù cho 10 tỉnh, thành trong cả nước, với mô hình chính quyền đô thị cũng đã ban hành cho 3 TP đó là TPHCM, Hà Nội và TP Đà Nẵng. Chủ tịch Quốc hội cũng yêu cầu Chính phủ khẩn trương nghiên cứu, đánh giá một cách toàn diện, tổng thể kết quả thực hiện tổ chức mô hình chính quyền đô thị tại các địa phương; tiến tới đề xuất việc sửa đổi, bổ sung đối với Luật tổ chức chính quyền địa phương, hoặc ban hành Luật về tổ chức chính quyền đô thị để tạo cơ sở pháp lý đồng bộ cho việc tổ chức mô hình chính quyền đô thị một cách thống nhất trên phạm vi cả nước. Chính phủ cần khẩn trương nghiên cứu, đề xuất việc sửa đổi, bổ sung các chính sách cho phù hợp với yêu cầu quản lý và phát triển TP theo mô hình chính quyền đô thị để trình Quốc hội thông qua tại kỳ họp gần nhất.

Về Đề án thành lập TP Huế trực thuộc Trung ương, Tổng Bí thư Tô Lâm cho biết, nội dung này đã có quá trình chuẩn bị rất lâu. Trung ương đã bàn bạc và thống nhất cho rằng, quan trọng nhất là có đủ các căn cứ và tiêu chí của TP trực thuộc Trung ương. Nhà nước cũng phải tính toán cơ cấu vùng, khu vực để TP Huế trở thành một cực tăng trưởng của khu vực. Hiện nay, chúng ta có 5 TP trực thuộc Trung ương, nếu Quốc hội thông qua Đề án này sẽ có 6 thành phố trực thuộc Trung ương. Các TP này đều đóng vai trò dẫn đầu trong phát triển kinh tế - xã hội. Tổng Bí thư Tô Lâm nhấn mạnh đến tiêu chí rất quan trọng là triển vọng phát triển, khi trở thành TP trực thuộc Trung ương, TP Huế cần có cơ chế đặc thù, đặc biệt để phát triển đi đầu và dẫn đầu trong đổi mới sáng tạo, thu chi ngân sách, phát triển kinh tế - xã hội.

Phát biểu tại thảo luận tổ, cho ý kiến đối với dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về tổ chức chính quyền đô thị tại TP Hải Phòng, Tổng Bí thư Tô Lâm cho biết, có một số ĐB Quốc hội bày tỏ băn khoăn về mô hình chính quyền đô thị, bộ máy quản lý nhà nước làm sao hiệu lực, hiệu quả. Tổng Bí thư khẳng định, đây là vấn đề rất lớn, Trung ương đang tập trung bàn thảo làm sao tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả của bộ máy nhà nước; không hình thức để đảm bảo đúng thực chất, áp dụng không chỉ cho Hải Phòng mà của cả nước.

Đoàn đại biểu Quốc hội TPHCM thảo luận tại tổ Đoàn đại biểu Quốc hội TPHCM thảo luận tại tổ

Tổng Bí thư Tô Lâm cho biết, khoảng 70% ngân sách dùng để chi trả lương, chi thường xuyên, như vậy tỷ lệ ngân sách dành cho chi đầu tư phát triển thấp. Trong khi các quốc gia khác chi trên 40% ngân sách cho trả lương và dành trên 50% ngân sách chi cho quốc phòng – an ninh, giáo dục, y tế, an sinh xã hội… “Vì sao không thể tăng lương được là vì tăng lương ngân sách chi cho trả lương sẽ tăng lên đến 80 – 90%, không còn tiền ngân sách để cho các hoạt động khác” – Tổng Bí thư Tô Lâm nhấn mạnh. Vì vậy, Tổng Bí thư đề nghị, cần phải nhìn vào thực chất để tiếp tục tinh giản bộ máy, tinh giản biên chế, giảm chi thường xuyên để dành nguồn lực cho đầu tư phát triển.

Tổng Bí thư Tô Lâm nêu thực tế, có nhiều bộ ngành bộ máy tổ chức cồng kềnh, không rõ chức năng, nhiệm vụ, không phân cấp cho địa phương, dẫn tới cơ chế xin cho làm mất thời gian của người dân và doanh nghiệp. Do đó, cần phân cấp, phân quyền, địa phương chịu trách nhiệm và những quan điểm này đã được cụ thể hóa thành chính sách, pháp luật, cần triển khai trong thực tiễn cuộc sống. Tổng Bí thư Tô Lâm yêu cầu “rà soát lại tình trạng một việc nhiều người làm, nhưng không ai chịu trách nhiệm chính; cần xác định chính quyền là chính quyền phục vụ”.

Tổng Bí thư cho biết rất bức xúc, một tờ giấy khai sinh thôi, nhưng 5 - 6 cơ quan tham gia và người dân mất cả tuần đến 10 ngày để làm thủ tục (giấy chứng sinh, số định danh, giấy khai sinh, hộ khẩu, bảo hiểm y tế). Tại sao không ở ngay trạm y tế có thể hoàn thành tất cả các thủ tục? Khi đó, cán bộ tư pháp không còn phải làm những việc hành chính đơn thuần, mà thực hiện nhiệm vụ hướng dẫn pháp luật, tư vấn pháp luật cho Nhân dân…

Trung Kiên


Ý kiến bạn đọc

refresh
 

Tổng lượt bình luận

Tin khác

Thông báo