Thứ Năm, ngày 5 tháng 12 năm 2024

Hướng tới mục tiêu kiên cố hóa 100% trường học vào năm 2030

Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Thành Long phát biểu chỉ đạo tại hội nghị

(Thanhuytphcm.vn) - Ngày 25/10, tại Hà Nội, Bộ Giáo dục - Đào tạo (GD-ĐT) tổ chức hội nghị tổng kết công tác xã hội hóa về kiên cố hóa trường lớp học và nhà công vụ cho giáo viên giai đoạn 2013 - 2023, nhiệm vụ và giải pháp trong thời gian tới.

Theo báo cáo của Bộ GD-ĐT, trong giai đoạn 10 năm (2013 - 2023), hệ thống cơ sở vật chất trường, lớp học và nhà công vụ cho giáo viên đã có những bước phát triển đáng kể nhờ vào sự quan tâm và đầu tư từ Chính phủ, Bộ GD-ĐT, cùng sự tham gia mạnh mẽ của các địa phương và các bộ, ngành. Việc xã hội hóa trong giáo dục đóng vai trò quan trọng, góp phần không nhỏ vào việc kiên cố hóa trường lớp học và xây dựng nhà công vụ cho giáo viên.

Năm 2013, cả nước chỉ có 65,9% số phòng học kiên cố. Đặc biệt, cấp học mầm non, tỷ lệ kiên cố hóa trung bình cả nước chỉ là 47,7% (vùng Tây Bắc chỉ khoảng 36,5%, Tây Nguyên 35,4%, Bắc Trung bộ chỉ khoảng 32,8%). Cấp tiểu học, tỷ lệ kiên cố hóa trung bình cả nước cũng chỉ là 61,6% (thấp nhất là vùng Tây Bắc chỉ khoảng 43%, Đồng bằng sông Cửu Long 48,4%).

Đến hết năm 2023, đạt tỷ lệ phòng học kiên cố hóa là 86,6%, tăng 20,7% so với năm 2013. Trong đó, cấp học mầm non đạt tỷ lệ kiên cố hóa là 83%, tăng 35,3% so với năm 2013. Mặc dù vậy, các vùng miền núi phía Bắc, Tây Nguyên, ĐBSCL, tỷ lệ kiên cố hóa thấp hơn bình quân của cả nước.

Quang cảnh hội nghị Quang cảnh hội nghị

Về nhà công vụ cho giáo viên, trải qua thời gian, số lượng phòng công vụ giáo viên được xây dựng từ giai đoạn trước một phần đã xuống cấp, hư hỏng nặng không thể sử dụng. Từ 2014 đến nay, do nguồn vốn trung ương hỗ trợ (trái phiếu Chính phủ là nguồn vốn chủ yếu để hỗ trợ các địa phương thực hiện kiên cố hóa và nhà công vụ cho giáo viên) cho lĩnh vực giáo dục hạn chế nên mới chỉ tập trung ưu tiên cho nhu cầu cấp bách là kiên cố hóa các phòng lớp học mà chưa tập trung thực hiện việc đầu tư xây dựng nhà công vụ cho giáo viên. Theo số liệu thống kê hết năm 2023, nhu cầu nhà công vụ của các địa phương vẫn còn 10.794 phòng.

Phát biểu tại hội nghị, Phó Thủ tướng Lê Thành Long đánh giá cao kết quả trong 10 năm qua, công tác xã hội hóa có đóng góp quan trọng trong việc xây dựng cơ sở vật chất trường lớp, đặc biệt ở những vùng khó khăn, vùng sâu, vùng xa. Trên 300 tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân đã tham gia đầu tư, nâng cấp kiên cố hóa được gần 36.000 phòng học, hơn 1.200 phòng công vụ cho giáo viên với tổng kinh phí gần 33.000 tỷ đồng. Tỷ lệ phòng học kiên cố hóa trong cả nước đã tăng từ 65,9% (2013) lên 86,6% (2023).

Thay mặt Thủ tướng Chính phủ, Phó Thủ tướng biểu dương và đánh giá cao Bộ GD-ĐT đã chủ trì, triển khai có trách nhiệm và hiệu quả chương trình này trong suốt 10 năm qua. Phó Thủ tướng cảm ơn chân thành tới các địa phương, doanh nghiệp, tổ chức xã hội và cá nhân đã tích cực tham gia đóng góp cho công cuộc này, thể hiện tinh thần trách nhiệm xã hội vì tương lai của nền giáo dục nước nhà.

Phó Thủ tướng cũng nêu rõ, vẫn còn nhiều thách thức, nhiều khu vực vùng sâu, vùng xa, biên giới hải đảo vẫn còn thiếu hút cơ sở vật chất, điều kiện học tập, làm việc của học sinh, giáo viên chưa bảo đảm đầy đủ. Một số địa phương vẫn còn phòng học nhờ, học mượn, nhiều cơ sở giáo dục thiếu các phòng chức năng, thiết bị dạy học tối thiểu, chưa đáp ứng yêu cầu đổi mới của giáo dục đào tạo. “Chúng ta cùng tiếp tục chung tay, huy động thêm các nguồn lực xã hội hóa để hoàn thành mục tiêu kiên cố hóa toàn bộ hệt thống trường lớp, nhà công vụ cho giáo viên trong thời gian tới” - Phó Thủ tướng nêu.

Bộ trưởng Bộ Giáo dục - Đào tạo Nguyễn Kim Sơn Bộ trưởng Bộ Giáo dục - Đào tạo Nguyễn Kim Sơn

Phó Thủ tướng Lê Thành Long nhấn mạnh, GD-ĐT là quốc sách hàng đầu, là sự nghiệp của Đảng, Nhà nước và của toàn dân. GD-ĐT cần phải được quan tâm đúng mức để tạo động lực thúc đẩy phát triển đất nước nhanh và bền vững. Phó Thủ tướng đề nghị toàn thể các doanh nghiệp, tổ chức và cá nhân cùng chung tay góp sức cho sự nghiệp giáo dục, tạo điều kiện học tập tốt nhất cho con em của chúng ta - những chủ nhân tương lai của đất nước.

Phát biểu kết luận hội nghị, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Kim Sơn nhấn mạnh, tháng 8 vừa qua, Bộ Chính trị đã ban hành Kết luận 91-KL/TW tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 29-NQ/TW, trong đó xác định rõ “phấn đấu đến năm 2030 tỷ lệ phòng học được kiên cố hóa đạt 100%”, tức là đến năm 2030, cả nước sẽ không còn phòng học tạm, phòng học chưa kiên cố. Để thực hiện được mục tiêu lớn này, cần các giải pháp mang tính tổng thể, trong đó Nhà nước vẫn đóng vai trò chủ đạo và việc huy động các nguồn lực xã hội là hết sức quan trọng. “Một đất nước trọng học và hiếu học cần thể hiện ở những ngôi trường khang trang, đủ những thứ tối thiểu cho thầy cô tác nghiệp và học sinh học hành. Đây chưa phải là một ưu ái, ưu tiên ở bất kỳ cấp độ nào, mà là một yêu cầu tối thiểu và đương nhiên để duy trì hoạt động tối thiểu của việc dạy và học” - Bộ trưởng chỉ rõ.

Hiện nay, cả nước tỷ lệ kiên cố hóa bình quân đạt 86%, riêng mầm non và tiểu học đạt 83%, tỷ lệ này đã là rất cao so với 10 năm trước nhưng số chưa kiên cố hóa lại chủ yếu tập trung ở các tỉnh khu vực miền núi, vùng đồng bào dân tộc và vùng khó khăn, (như khu vực Tây Bắc, Tây Nguyên, khu vực Trung bộ và cả Tây Nam bộ), tỷ lệ chưa kiên cố hóa phòng học bậc mầm non và tiểu học nhiều tỉnh còn tới trên 40% (Đak Nông, Kontum, Điện Biên, Cao Bằng, Lai Châu…). Đặc biệt, những trường học tạm này lại nhiều nhất ở bậc học mầm non và tiểu học. Các em nhỏ tuổi nhất trong lứa tuổi đi học cần được ưu ái chăm lo và cần phải được ngồi học trong những ngôi trường chắc chắn, có tiện nghi tối thiểu, do đó, mục tiêu trường ra trường, lớp ra lớp cần thực hiện một cách ráo riết hơn nữa. Theo Bộ trưởng, số trường học trong cả nước rất lớn (trên 53.000 trường học), trong khi đất nước cũng vừa thoát nghèo, nguồn lực còn hạn chế, lại còn rất nhiều việc phải tập trung đầu tư. Vì vậy, việc kiên cố hóa trường học luôn luôn cần sự chung tay của toàn xã hội, của cộng đồng.

Trong thời gian tới, Bộ GD-ĐT sẽ tiếp tục tham mưu Chính phủ trong việc xây dựng chương trình đầu tư công nhằm tới mục tiêu kiên cố hóa 100% trường học vào năm 2030, phát huy nguồn kinh phí từ các chương trình mục tiêu quốc gia, từ các dự án và nhiệm vụ khác. Bộ cũng sẽ rà soát các chính sách để thúc đẩy xã hội hóa giáo dục để thu hút nhiều hơn nguồn lực xã hội cho việc này…

Trung Kiên


Ý kiến bạn đọc

refresh
 

Tổng lượt bình luận

Tin khác

Thông báo