Thứ Ba, ngày 17 tháng 12 năm 2024

Kỷ niệm 110 năm ngày sinh nhà cách mạng Huỳnh Tấn Phát (15/2/1913 – 15/2/2023)

Huỳnh Tấn Phát với tuần báo Thanh niên

Kiến trúc sư Huỳnh Tấn Phát (1913 - 1989). (Ảnh tư liệu)

(Thanhuytphcm.vn) - Huỳnh Tấn Phát vốn là một kiến trúc sư tài năng, bắt đầu hành nghề từ năm 1938 (khi mới 25 tuổi), tại Sài Gòn. Văn phòng của ông nhanh chóng nổi tiếng không chỉ bởi các thành tích cá nhân của ông[1] mà còn vì luôn cạnh tranh sòng phẳng với các văn phòng kiến trúc sư của người Pháp về chất lượng, uy tín, giá cả. Từ nghề nghiệp này, ông trở nên khá giả, tiếp xúc nhiều người thuộc giới tinh hoa của xã hội thời bấy giờ và được nhiều người biết đến.

Nhưng ông không an phận với danh vị và thành công của một kiến trúc sư. Vốn giàu lòng yêu nước, được những nhà cách mạng tên tuổi giác ngộ, Huỳnh Tấn Phát dần trở thành một nhà cách mạng. Sau nhiều lần trao đổi với những người cùng chí hướng, ông đóng cửa văn phòng kiến trúc sư, gom hết tiền dành dụm, năm 1943, ông đã mua lại manchette tờ báo công khai Thanh niên (ra đời từ tháng 9/1941, đã qua hai đời chủ nhiệm[2]). Số đầu tiên của tuần báo Thanh niên do Huỳnh Tấn Phát đứng tên chủ nhiệm, phát hành ngày 7/8/1943, lập tức tạo tiếng vang lớn trong giới trí thức. Báo có 12 trang, ra ngày thứ bảy, tòa soạn đặt ở số 70 đường Meyer, Sài Gòn (nay là đường Võ Thị Sáu).

Chủ trương của tờ Thanh niên rất rõ ràng: đoàn kết người Việt khắp 3 miền chống lại óc địa phương tai hại, chống lại sự chia rẽ của ngoại bang, kêu gọi thanh niên người Việt chung tay gánh vác trách nhiệm giải phóng dân tộc, nhắc nhớ những trang sử hào hùng chống ngoại xâm và khuyến khích xu hướng nghệ thuật phụng sự cộng đồng…

Ở số 1 bộ mới, Thanh niên nêu rõ: “Nước nhà còn mất, kẻ thất phu cũng có trách nhiệm. (…) Thanh niên, phần tử tráng kiện của dân tộc, cố nhiên phải lãnh trách nhiệm nặng nề hơn hết. Nhưng thiết tưởng không người thanh niên nào, đáng gọi thanh niên, mà lại thối thoát phận sự. Chúng tôi biết nhiều lòng thành thật nhiệt thành, có nhiều sự cố gắng đáng cảm phục. Nhưng… chỉ vì rời rạc nên vô công hiệu. Lẻ lo là yếu ớt. (…) Chúng tôi chủ trương báo Thanh niên vì phận sự, vì anh em, cũng vì lòng mình thiết tha mong mỏi được một nơi gặp gỡ với anh em. (…) Nơi đây, chỗ chúng ta bắt tay nhau, những lòng thành đoàn tụ, những sự cố gắng chung cùng sẽ góp sức xây dựng một cơ sở cho tình chúng ta có thể nương tựa. Trước hết, chúng tôi mong sẽ cùng tất cả anh em kết chặt một dây đoàn thể. Ta sẽ làm cho tính đồng đội của chúng ta mở mang lan rộng mãi, cho lòng ta phấn khởi, bước ta vững vàng, cho những hồn cao khiết bực nào cũng không trơ vơ lạnh lẽo và những trí yếu ớt đến đâu cũng thấy mình cũng giúp ích được vào công việc chung”…

Ở số này, Thanh niên có bài viết “Sự hợp nhất tiếng nói ba kỳ”, đã khẳng định: “Tiếng nói là tinh thần của dân tộc. Tiếng nói có thống nhất thì dân tộc mới giữ được tinh thần đoàn kết. Có đoàn kết thì mới mạnh, có mạnh thì mới sống. Muốn hợp nhất chỉ có một cách là ai cũng như ai, coi tiếng nói Trung – Nam – Bắc đều là tiếng Việt”.

Thanh niên số 15, ra ngày 11/12/1943 đưa ra châm ngôn: “Quay về dĩ vãng để vững lòng xây đắp tương lai”; “Tương lai chúng ta chỉ ở trong tay chúng ta”; “Dân tộc Việt Nam một dân tộc cùng một gốc, một huyết thống từ những núi cao miền thượng du Bắc kỳ cho đến giáp giới Cao Mên”.

Ở số 34, ra ngày 7/5/1944, Thanh niên nêu khẩu hiệu: “Gây tình đoàn kết giữa người Việt ba kỳ”; “Khuyến khích hoạt động để chứng tỏ sức sống của người Việt”; “Phụng sự nghệ thuật nước nhà trên con đường mới”.

Với tinh thần giáo dục truyền thống yêu nước, Thanh niên có chuyên mục “Trương quốc sử” đã đăng nhiều bài nghiên cứu về Lý Thường Kiệt, Nguyễn Trãi, các đóng góp của Trưng vương (trong cuộc khởi nghĩa chống nhà Hán của Hai Bà), của nhà Hậu Trần (trong cuộc chiến chống quân Minh xâm lược)…

Lúc đầu, báo có sự cộng tác của nhóm Tô Văn Của, Huỳnh Văn Nghệ, Bằng Giang…, sau có thêm Huỳnh Văn Tiểng, Lưu Hữu Phước, Nguyễn Văn Nguyễn... Đặc biệt, báo có sự cộng tác của các nhà cách mạng chuyên nghiệp như Trần Văn Giàu, Hà Huy Giáp, Phạm Ngọc Thạch… với những bài viết chính luận sắc sảo.

Với uy tín và tấm lòng của Huỳnh Tấn Phát, nhiều cây bút tên tuổi bấy giờ đã gửi bài cộng tác đến Thanh niên, như Xuân Diệu, Mạnh Phú Tư, Huy Cận, Chế Lan Viên, Vũ Đình Liên, Nguyên Hồng, Khuông Việt, Dương Tử Giang, Nguyễn Hải Trừng, Nghiêm Xuân Việt, Bình Nguyên Lộc… Và chính tuần báo Thanh niên của Huỳnh Tấn Phát đã cho in những tác phẩm đấu tranh trực diện với chính quyền thực dân như ca khúc “Lên đàng” của Lưu Hữu Phước, vở kịch “Hội nghị Diên Hồng” của Mai Văn Bộ - Huỳnh Văn Tiểng…

Tuần báo Thanh niên do Huỳnh Tấn Phát làm chủ nhiệm. (Ảnh tư liệu) Tuần báo Thanh niên do Huỳnh Tấn Phát làm chủ nhiệm. (Ảnh tư liệu)

Ngày 26/9/1944, tòa soạn báo Thanh niên (đặt tại nhà ông Võ Văn Khoa - đốc công ga Sài Gòn), bị mật thám bao vây, một số anh em bị bắt giam ở bót Catinat. Chủ nhiệm Huỳnh Tấn Phát trốn thoát và vẫn ra tiếp số 40 vào ngày 30/9/1944 với lời tạm biệt: “Các bạn hãy yên lòng: tạm biệt chớ không vĩnh biệt”.

Nhà nghiên cứu Bằng Giang, người từng tham gia hoạt động với tờ Thanh niên, sau này trong tác phẩm “Đường dây không dứt”, ra đời năm 1993 đã nhận định về tờ báo rất cô đọng “mệnh ấy yểu mà danh ấy thọ”. Ông viết: “Thanh niên là một tuần báo có giá trị thật đặc biệt. Nó ít nói chính trị mà bài vở của nó ở các mục khác nhau hợp lại như một bản hòa tấu rất có chính trị. Nó vạch ra một hướng đi đúng theo dòng tiến hóa của lịch sử. Đối diện với hiện tại đen tối mà nó đã lên án gắt gao trong “một bản cáo trạng” sôi bỏng, nó phóng mắt về tương lai với một niềm tin sắt đá. Nó có ý thức đứng lên làm lịch sử và thiết tha mời gọi đồng bào các giới đoàn kết cùng đứng lên, can đảm chấp nhận hy sinh để nối con đường lịch sử duy nhất đã bị gián đoạn”.

Tác giả Bằng Giang nhấn mạnh: “Bài xích óc địa phương, cực lực chống lại sự chia rẽ, khinh miệt cái xấu xa như đợ rẻ ngòi bút, luôn luôn hướng về sự hợp nhứt của dân tộc để xây dựng, đấu tranh, nó gieo ý thức phản đế. Xây dựng con người hướng thượng, vươn lên chỗ cao đẹp trong nghệ thuật cũng như trong đời sống. Với Thanh niên, viết và sống chỉ là một. Đọc Thanh niên một cách liên tục, người ta có cảm giác như hơ tay trên lửa đỏ, người ta khó có thể nguội lạnh dửng dưng được. Chính ở điểm đó, Thanh niên kín đáo lên tiếng gọi đàn, chuẩn bị một ngày trọng đại”.

Bằng Giang kết luận: “Từ 9/1941 đến 9/1944, tờ Thanh niên đã trải qua ba đời chủ nhiệm, nhưng về sau, có nhắc đến nó người ta chỉ còn nhớ giai đoạn tờ báo ở trong tay người chủ nhiệm sau cùng: Huỳnh Tấn Phát. Làm báo công khai ở Sài Gòn thời thuộc địa, có một lần, trong vỏn vẹn có một năm vẫn đủ để đời, tưởng chỉ có một Huỳnh Tấn Phát. Đến các tay làm báo chuyên nghiệp cũng chỉ thấy trong mơ”.

Không phải là nhà báo chuyên nghiệp nhưng Huỳnh Tấn Phát đã mạnh dạn đứng ra làm Chủ nhiệm tuần báo Thanh niên với khuynh hướng kháng Pháp, chống Nhật. Ở Thanh niên, ông cùng các đồng chí của mình đã phát triển mạnh phong trào truyền bá chữ Quốc ngữ, phong trào cứu tế nạn đói Bắc kỳ và đặc biệt là bước đầu xây dựng phong trào Thanh niên Tiền phong, rồi sau đó trực tiếp tổ chức phong trào này với vai trò Trưởng ban Cổ động để trở thành lực lượng cách mạng quan trọng trong Cách mạng tháng Tám chỉ non một năm sau đó.

Nguyễn Minh Hải

________________

[1] Một trong những thành tích tiêu biểu của ông là giải nhất cuộc thi thiết kế khu Trung tâm Hội chợ triển lãm Đông Dương vào năm 1941, do Toàn quyền Đông Dương Decoux tổ chức.

[2] Nguyên Tuần báo Thanh niên do ông Hoàng Tâm chủ trương, ông Ernest Louis Phan Văn Huờn làm quản lý, ra số đầu tiên vào ngày 28/9/1941. Báo xuất bản vào thứ bảy hằng tuần, có 16 trang. Đến tháng 10/1942, Thanh niên chuyển sang ông Tạ Đình Bính làm Giám đốc, dày 22 trang.


Ý kiến bạn đọc

refresh
 

Tổng lượt bình luận

Tin khác

Thông báo