Thứ Tư, ngày 15 tháng 1 năm 2025

Kết nối giao thương giữa doanh nghiệp Bangladesh và doanh nghiệp Việt Nam

Các doanh nghiệp Việt Nam và Bangladesh kết nối giao thương

(Thanhuytphcm.vn) – Chiều 7/8, Trung tâm Xúc tiến Thương mại và Đầu tư TPHCM (ITPC) phối hợp với Vụ Thị trường châu Á - châu Phi (Bộ Công thương) tổ chức Hội nghị kết nối giao thương giữa doanh nghiệp Bangladesh và doanh nghiệp Việt Nam.

Phát biểu tại hội nghị, Giám đốc ITPC Trần Phú Lữ cho biết, Bangladesh hiện là đối tác thương mại lớn thứ hai của Việt Nam tại khu vực Nam Á, chiếm 9,3% tổng xuất khẩu của Việt Nam đến Nam Á và chiếm 2% tổng nhập khẩu của Việt Nam từ Nam Á trong năm 2023. Ở cấp độ địa phương, quan hệ thương mại giữa TPHCM và Bangladesh đã có những bước phát triển đáng khích lệ. Tính đến tháng 06 năm 2024, Bangladesh có 13 dự án đầu tư vào TPHCM còn hiệu lực với tổng vốn đầu tư gần 650 triệu USD xếp 61/113 quốc gia và vũng lãnh thổ đầu tư vào TPHCM. Riêng 6 tháng đầu năm 2024, Bangladesh có 1 dự án mới đầu tư vào TPHCM với tổng số vốn 39.000 USD.

Về thương mại, kim ngạch xuất khẩu TPHCM sang Bangladesh trong 7 tháng đầu năm 2024 ước đạt 36,57 triệu USD, tăng 43% so với cùng kỳ năm 2023. Trong đó kim ngạch xuất khẩu của TPHCM sang Bangladesh ước đạt 28,47 triệu USD. Các mặt hàng TPHCM xuất khẩu sang Bangladesh bao gồm: hạt tiêu (5 triệu USD), rau củ quả (1,8 triệu USD), máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện (4,3 triệu USD), vải các loại (3,3 triệu USD)…

Bangladesh luôn là đối tác quan trọng về thương mại của Việt Nam và hai bên còn rất nhiều tiềm năng để khai thác. Cho đến nay, Việt Nam và Bangladesh đã có nhiều hợp tác song phương trong nhiều lĩnh vực như công nghệ thông tin, dệt may, thương mại sản phẩm Halal, dịch vụ phần mềm, xúc tiến thương mại đay và hàng đay, hợp tác lĩnh vực ngân hàng và du lịch… Cả hai đều có nhu cầu tìm kiếm đối tác và thị trường mới, đây là thời điểm rất tốt để thúc đẩy hợp tác theo hướng hiệu quả hơn. 

Với mục tiêu thúc đẩy thương mại song phương giữa Bangladesh và Việt Nam, Hội nghị kết nối giao thương giữa doanh nghiệp Bangladesh và doanh nghiệp Việt Nam được tổ chức lần này tập trung kết nối giao thương các ngành hàng bao gồm: ngành dệt may, ngành điện, điện tử và năng lượng, ngành cơ khí, ngành du lịch và logistic, ngành y tế, ngành nguyên liệu thô (nhựa, giấy, hóa chất)...

Các đại biểu tham dự hội nghị Các đại biểu tham dự hội nghị

Qua hội nghị, các doanh nghiệp hai bên có cơ hội tìm kiếm được nhiều đối tác tiềm năng tương xứng và các cơ hội hợp tác kinh doanh – xuất nhập khẩu mới tại thị trường hai nước, góp phần thúc đẩy hơn nữa mối quan hệ hữu nghị giữa hai quốc gia nói chung cũng như mối quan hệ hợp tác tốt đẹp giữa Bangladesh và TPHCM nói riêng.

Ông Md. Ashraf Ahmed, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Dhaka (DCCI) thông tin, đoàn doanh nghiệp của DCCI đến từ Bangladesh gồm nhiều nhà xuất khẩu, nhập khẩu, sản xuất và doanh nhân, bao gồm các lĩnh vực sản xuất và dịch vụ đa dạng, đặc biệt tập trung vào chế biến nông sản và thực phẩm, y tế, vật liệu xây dựng, điện tử, hàng may mặc, công nghệ thông tin và dịch vụ hỗ trợ, polymer và hóa chất, dược phẩm, các mặt hàng tiêu dùng nhanh, hậu cần và du lịch.

Ông Md. Ashraf Ahmed kêu gọi các nhà đầu tư Việt Nam đầu tư vào Bangladesh vì đây là quốc gia có cơ chế đầu tư ấn tượng và cạnh tranh nhất ở Nam Á với các lợi ích tài chính và phi tài chính đa dạng cũng như môi trường pháp lý thuận lợi cho đầu tư nước ngoài. Trong số các ưu đãi, có thể kể đến chính sách miễn thuế 100%, sở hữu nước ngoài, kho ngoại quan, bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ là rất đáng chú ý. Bangladesh đã thiết lập các Hiệp định Đầu tư song phương (BIT) và Hiệp định tránh đánh thuế hai lần (DTT) với hơn 35 quốc gia, trong đó có Việt Nam. Ông Md. Ashraf Ahmed tin rằng các công ty Việt Nam sẽ coi Bangladesh là điểm đến đầu tư và kinh doanh hiệu quả. 

M.Hiệp


Ý kiến bạn đọc

refresh
 

Tổng lượt bình luận

Tin khác

Thông báo