Nữ tài xế GrabBike phục vụ khách tại TPHCM . (Ảnh do nhân vật cung cấp) (Thanhuytphcm.vn) - “Tài xế thì đàn ông mới làm được, phụ nữ “nắng không ưa mưa không chịu” thì làm sao làm được”, đó là nhận định của ông P.B.N., 65 tuổi, hiện sinh sống tại quận Bình Tân, TPHCM. Tuy nhiên, gần đây nghề tài xế xe ôm công nghệ ra đời đã gần như bác bỏ ý kiến trên. Nghề này mang lại thu nhập đáng kể, không bị áp lực về thời gian, tuy nhiên bên cạnh đó vẫn có nhiều bất tiện xung quanh những tài xế nữ.
Một nghề thú vị…
Xe ôm công nghệ như GrabBike hay Uber ra đời đã tạo thêm công ăn việc làm cho rất nhiều người. Đó có thể là việc làm kiếm thêm thu nhập, cũng có thể là công việc chính thức của họ. Đặc thù của công việc này là rong ruỗi khắp các con đường xa gần để chở khách hoặc vận chuyển hàng hóa bất kể trời nắng hay mưa, sớm hay tối. Ngoài ra, đối tượng khách hàng của họ rất đa dạng, thuộc nhiều thành phần trong xã hội. Công việc đôi lúc còn có những mâu thuẫn, ẩu đả do tranh giành khách… thành ra dường như chỉ thích hợp cho nam giới.
Thực tế hiện nay đa số những tài xế GrabBike và Uber đều là nam giới. Mặc dù vậy, vẫn có những “bóng hồng” theo đuổi công việc thú vị này. Chị Lê Thị Thu Nga, một tài xế chạy GrabBike, hiện sinh sống tại quận Tân Bình, TPHCM chia sẻ: “Tôi chạy Grab đã được nửa năm rồi. Công việc này tuy có vất vả và hầu như chỉ hợp với đàn ông nhưng tôi thấy thu nhập khá và thú vị nên gắn bó. Khách hàng của tôi rất nhiều, có người rất vui tính, nhờ họ tôi học hỏi thêm nhiều điều. Hơn nữa, nghề đã dạy tôi rất nhiều kỹ năng bổ ích như kỹ năng lái xe an toàn, kỹ năng xử lý tình huống, kỹ năng ứng xử-giao tiếp…”.
Một ngày làm việc của chị Nga bắt đầu từ 6 giờ sáng và kết thúc tận 22 giờ khuya. Với thời gian làm việc dài như thế, trung bình chị kiếm được 350.000 – 400.000 đồng/ngày. Chị kể thêm: “Do mình là phụ nữ nên nhiều khi khách hàng nam thấy ngồi sau xe thì kỳ quá nên giành chở, đến nơi vẫn trả tiền và bo thêm nữa!”.
Còn đối với chị Hồ Bích Ngọc, 27 tuổi, tài xế Uber, hiện sinh sống tại Quận 10, TPHCM bày tỏ: “Đây là nghề tay trái của tôi, tôi làm công chức và khi làm xong tôi chạy thêm để kiếm thu nhập. Đúng là nghề này khó khăn lắm, hầu như toàn nam giới làm, hiếm khi có phụ nữ chạy lắm, nhưng nghề nào cũng có cái hay của nó. Làm riết rồi yêu nghề luôn. Tôi có được những người bạn mới cũng nhờ làm nghề này”. Chị vừa lấy khăn giấy lau mồ hôi vừa khẳng định: “Phải nói công việc nắng mưa đội đầu này phù hợp với nam giới hơn, nhưng nam giới làm được mình cũng phải làm được. Biết chịu khó thì làm được hết”.
Quả thực, nhiều người có chung nhận định, đây là nghề thích hợp cho “cánh mày râu”, thế nhưng phụ nữ vẫn có thể làm được, bởi họ luôn khéo léo trong cách ứng xử, tỉ mỉ và cẩn thận trên suốt chặng đường dù xa hay gần.
Còn lắm rủi ro
Chị T.B.H., 25 tuổi, tài xế GrabBike tại TPHCM kể: “Tôi chạy Grab được gần một năm rồi, nghề kiếm ra tiền nhưng phụ nữ nên mối nguy hiểm luôn rình rập. Có lần trời mưa, lúc đó tầm 21 giờ rồi, tôi định về nhà nhưng có khách đặt nên ráng chạy chuyến cuối. Khách nam đó ngồi sau xe và liên tục sờ soạn người tôi. Tôi phản ứng thì người này dọa giết. Cuối cùng tôi phải chạy thẳng vào nhà dân cầu cứu mới thoát khỏi vị khách này”. Cũng theo chị, sau lần đó chị có ý định bỏ nghề nhưng vì cần tiền trang trải cuộc sống nên vẫn theo nghề.
Ngoài chuyện bị quấy rối, dọa đánh vì nghi ngờ tranh giành khách, phụ nữ làm công việc này còn phải đối mặt với nạn cướp giật hay khách hàng quỵt tiền. Chị Đinh Hương, 31 tuổi, hiện đang làm tài xế cho Uber kể lại: “Nhớ có lần tôi chở khách từ Bến xe miền Tây đến một chung cư ở Quận 4, đến nơi đã là 20 giờ, khách không trả tiền mà còn giật điện thoại của tôi và chạy mất. Lúc đó tôi chỉ biết khóc và ngậm ngùi chạy về phòng trọ”.
Hơn nữa, “tay yếu chân mềm” nên những ngày mưa đường trơn việc “đo đường” (té ngã) là chuyện thường tình của những “bóng hồng”. Chị Phan Thị Xuân Thơ, 41 tuổi, tài xế Uber tại TPHCM “khoe” cái tay với những vết trầy còn mới rồi cười nói: “Nè, hôm bữa tôi chạy chở khách từ Quận 3 qua Quận 12, đến đoạn Nguyễn Văn Quá đường trơn vì mưa nên té. Lúc đó tôi chỉ nghĩ đến khách hàng của mình thôi, tay đau mà tôi cũng mặc kệ, may mà khách không sao”.
Là một nghề nhiều rủi ro, nguy hiểm nên việc trang bị những kỹ năng tự bảo vệ mình thật sự cần thiết cho những tài xế nữ. Đáp ứng yêu cầu đó, ngày 25/6 vừa qua hãng Grab đã tổ chức hội nghị ra mắt Hội phụ nữ GrabBike tại TPHCM. Hội là nơi tài xế nữ gặp gỡ, chia sẻ, học hỏi kỹ năng sơ cấp cứu, kỹ năng lái xe, phòng vệ, kỹ năng ngoại ngữ… Những khóa học này hoàn toàn miễn phí dành cho hội viên. Bên cạnh việc trang bị cho các nữ xe ôm kỹ năng tự vệ, các khóa học còn giúp họ tự tin giúp đỡ người khác. Song song đó, việc đọc hiểu ngoại ngữ tốt cũng là công cụ hỗ trợ đắt lực trong công việc đặc thù của các chị em phụ nữ.
“Thực sự đây là mô hình hữu ích cho chị em chúng tôi. Là phụ nữ khi làm nghề có tính chất nguy hiểm, chúng tôi cần được bảo vệ. Hội đã kết nối chúng tôi lại với nhau và cùng nhau làm việc hiệu quả hơn” - chị Thu Hoa, 43 tuổi, một tài xế của GrabBike bày tỏ.
Quả thực, với những ngành nghề có tính chất nguy hiểm và nhiều rủi ro, đặc biệt đối với phụ nữ thì việc các cơ quan, công ty, doanh nghiệp cần phải có biện pháp hỗ trợ trực tiếp dành cho nhân viên của mình. Cụ thể, họ cần được đảm bảo về tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm và quyền được tham gia các hoạt động sinh hoạt tập thể, tập huấn nâng cao kỹ năng và kiến thức phục vụ cho công việc.