"Sấm vang dòng Như Nguyệt" thực sự mang đến làn gió tươi mới cho sân khấu cải lương tuồng cổ TPHCM trong năm 2024 (Thanhuytphcm.vn) - Mới đây, Sân khấu Chí Linh - Vân Hà đã ra mắt Sấm vang dòng Như Nguyệt - vở cải lương tuồng cổ đề tài lịch sử hiếm hoi trong những năm qua - và được khán giả đón nhận nồng nhiệt.
Một thời gian dài, sân khấu cải lương TPHCM, đặc biệt là cải lương tuồng cổ, bị phản ánh là quá nhiều vở diễn từ tích truyện nước ngoài, thiếu hẳn tác phẩm đề tài lịch sử nước nhà. Năm 2024, tình hình đã chuyển biến khi hàng loạt vở cải lương cách mạng - lịch sử đã trở lại sàn diễn, như: Khúc tráng ca thành Gia Định (Nhà hát Cải lương Trần Hữu Trang), Người ven đô (Sân khấu Đại Việt), Lá cờ thêu 6 chữ vàng (Sân khấu Sen Việt)…
Và mới nhất là Sấm vang dòng Như Nguyệt của Sân khấu Chí Linh - Vân Hà. Vở diễn càng đặc biệt hơn khi đây là lần đầu Sân khấu Chí Linh - Vân Hà – một sân khấu xã hội hóa chuyên về tuồng cổ, thế mạnh là Hồ Quảng (tuồng Tàu) – thử sức ở đề tài lịch sử. Cũng rất lâu rồi, sân khấu cải lương tuồng cổ mới lại có một tác phẩm đề tài lịch sử hoàn toàn mới và hấp dẫn như Sấm vang dòng Như Nguyệt.
Sấm vang dòng Như Nguyệt kể về giai đoạn cuối trong cuộc chiến tranh Tống - Việt (1075 – 1077) khi quân Đại Việt dưới sự chỉ huy của Thái úy Lý Thường Kiệt lui về lập phòng tuyến cố thủ trên sông Như Nguyệt (sông Cầu). Chiến trận vô cùng căng thẳng khi 2 bên đều có những mưu tính riêng với những gián điệp được cài cắm trong nội bộ đối phương. Trước tình hình “dầu sôi lửa bỏng”, nội bộ quân Việt bỗng “có biến” khi hoàng tử Chiêu Văn – một vị tướng trẻ tuổi, tài năng, xuất thân hoàng tộc nhà Lý – vì bất mãn lệnh “án binh bất động” của Lý Thường Kiệt mà có hành động không ngờ, ảnh hưởng đến cục diện cuộc chiến…
Kịch tính, bất ngờ và tươi mới là những cảm nhận đầu tiên khi xem Sấm vang dòng Như Nguyệt. Câu chuyện hoàn toàn mới mẻ khi nhân vật chính không phải là Lý Thường Kiệt vốn đã rất quen thuộc với mỗi người Việt Nam mà là những danh tướng góp công lớn cho trận Như Nguyệt nhưng chỉ còn lại vài dòng trong sử sách như 2 vị hoàng tử Chiêu Văn và Hoằng Chân. Bên cạnh đó, Sấm vang dòng Như Nguyệt cũng thể hiện đầy đủ sức hấp dẫn của nghệ thuật cải lương tuồng cổ, nhất là phần âm nhạc tươi mới và đậm đà bản sắc cùng phần vũ đạo sân khấu kết hợp võ thuật đẹp mắt.
Càng đáng ghi nhận hơn khi Sấm vang dòng Như Nguyệt cũng là kịch bản lịch sử đầu tiên của một tác giả còn rất mới là Yến Ngân (sinh năm 1988) mà việc tập tành viết tuồng hoàn toàn là từ đam mê dành cho nghệ thuật cải lương nói chung, cải lương tuồng cổ nói riêng. Và với tư duy của một người trẻ cũng là một khán giả, Yến Ngân đã thể hiện trong kịch bản những điều mà người xem cải lương yêu thích. Đó là có kịch tính chồng chéo, có cảnh đánh trận với những mưu tính quân sự, có sự đấu trí giữa 2 bên Tống - Việt, có cảnh trữ tình lãng mạn của đào - kép chính…
Góp công lớn cho sự thành công của Sấm vang dòng Như Nguyệt cũng phải kể đến dàn diễn viên trẻ đang sung sức. Trong đó, ngoài NSƯT Tú Sương và NSƯT Võ Minh Lâm thể hiện vững vàng bản lĩnh ngôi sao thì Hoàng Hải, Lâm Minh Nghiêm… cũng ngày càng được chú ý. Còn lại NSƯT Chí Linh và NSƯT Vân Hà vẫn là những bệ đỡ đáng tin cậy cho các diễn viên trẻ học hỏi và tỏa sáng.
Với sự đón nhận của khán giả dành cho Sấm vang dòng Như Nguyệt, cũng như nhìn lại những vở cải lương lịch sử rất thành công trước đây, như: Câu thơ yên ngựa, Bão táp Nguyên Phong, Bức ngôn đồ Đại Việt, Mặt trời đêm thế kỷ, Anh hùng bán than, Chiếc áo thiên nga, Trung thần…, có thể khẳng định rằng, đề tài lịch sử luôn đầy sức hút đối với khán giả mộ điệu khi và chỉ khi tác phẩm được thực hiện với tất cả sự tôn trọng và cái tâm của người làm sân khấu đối với lịch sử nước nhà.
Đáng mừng hơn nữa là, sau Sấm vang dòng Như Nguyệt thì chuỗi cải lương đề tài lịch sử trong năm 2024 vẫn sẽ tiếp tục với Đêm trước ngày hoàng đạo (Sân khấu Đại Việt) trong tháng 7, Truyền tích điểu tiên (Sân khấu Lê Nguyễn Trường Giang) trong tháng 10 và hứa hẹn nhiều tác phẩm mới khi các đơn vị dự Liên hoan sân khấu Cải lương toàn quốc 2024.