Thứ Bảy, ngày 27 tháng 7 năm 2024

Kỳ họp thứ 6 của Quốc hội: Khai mạc vào ngày 23/10

Phiên họp chiều 18/9

(Thanhuytphcm.vn) - Tiếp tục phiên họp thứ 26, chiều 18/9, Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) cho ý kiến về việc chuẩn bị kỳ họp thứ 6 của Quốc hội.

Báo cáo một số vấn đề về việc chuẩn bị kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV, Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường cho biết, dự kiến các nội dung Chính phủ đề nghị bổ sung vào chương trình kỳ họp thứ 6 đã nhận được ý kiến của 8/10 cơ quan.

Về dự kiến nội dung, Chính phủ đề nghị bổ sung 12 nội dung trình Quốc hội xem xét, quyết định, gồm: việc áp dụng thí điểm chính sách hỗ trợ đầu tư trong lĩnh vực công nghệ cao; việc áp dụng thuế thu nhập doanh nghiệp bổ sung theo quy định chống xói mòn cơ sở thuế toàn cầu; việc thí điểm một số cơ chế chính sách tháo gỡ vướng mắc tại một số luật liên quan tới đầu tư xây dựng công trình giao thông đường bộ; việc thu phí sử dụng đường bộ cao tốc do nhà nước đầu tư; một luật sửa nhiều luật để tháo gỡ những vướng mắc ở một số luật có liên quan nhằm huy động nguồn lực cho sản xuất kinh doanh, phục vụ tăng trưởng; việc điều chỉnh một số nội dung của Nghị quyết 53/2017/QH14 về Báo cáo nghiên cứu khả thi Dự án thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư Cảng hàng không quốc tế Long Thành; quy hoạch Không gian biển quốc gia; việc thực hiện kế hoạch tài chính năm 2023 và dự kiến kế hoạch năm 2024 của các quỹ tài chính ngoài ngân sách do Trung ương quản lý; một số cơ chế chính sách đặc thù áp dụng cho các dự án đầu tư sử dụng nguồn tăng thu, tiết kiệm chi ngân sách trung ương năm 2022 và việc sử dụng nguồn tăng thu, tiết kiệm chi ngân sách trung ương năm 2021 đã bố trí cho Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội để thực hiện chính sách hỗ trợ tiền thuê nhà cho người lao động còn dư; chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển văn hóa, con người Việt Nam; phê chuẩn Hiệp định phân định vùng đặc quyền kinh tế giữa Việt Nam và Indonesia; phê chuẩn việc Vương quốc Anh gia nhập Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP).

Sau phiên họp tháng 9/2023, phần lớn nội dung kỳ họp thứ 6 của Quốc hội tới đây đã được UBTVQH cho ý kiến, trong đó tiếp tục cho ý kiến lần 2 đối với các dự án Luật Đất đai (sửa đổi) và Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi). Các nội dung liên quan đến kinh tế - xã hội, ngân sách nhà nước, báo cáo về kiến nghị của cử tri và một số vấn đề quan trọng khác sẽ được UBTVQH cho ý kiến tại phiên họp tháng 10/2023.

Do khối lượng nội dung trình Quốc hội tại kỳ họp 6 rất lớn với nhiều nội dung khó, phức tạp, để bảo đảm thời gian cho các đại biểu Quốc hội nghiên cứu kỹ lưỡng tài liệu, Tổng Thư ký đề nghị UBTVQH tiếp tục chỉ đạo các cơ quan hữu quan khẩn trương hoàn thiện các nội dung để gửi các đại biểu Quốc hội đúng thời gian quy định; đồng thời, tiếp tục công khai danh sách các cơ quan hữu quan chậm gửi tài liệu kỳ họp.

Dự kiến tổng thời gian làm việc của Quốc hội là 25 ngày; khai mạc vào ngày 23/10/2023 và dự kiến bế mạc vào sáng ngày 29/11/2023. Quốc hội sẽ họp tập trung tại Nhà Quốc hội, tiến hành theo 2 đợt, cụ thể: đợt 1 là 20,5 ngày (từ ngày 23/10 đến sáng ngày 16/11/2023); đợt 2 là 4,5 ngày (từ ngày 24/11 đến sáng ngày 29/11/2023).

Đáng chú ý, tại kỳ họp này, Quốc hội dự kiến sẽ tiến hành lấy phiếu tín nhiệm đối với các chức danh do Quốc hội bầu và phê chuẩn. Theo dự kiến chương trình kỳ họp 6, việc lấy phiếu tín nhiệm sẽ được tiến hành ngay cuối chiều ngày khai mạc kỳ họp (23/10) và diễn ra trong 3 phiên họp.

Cùng ngày, UBTVQH cho ý kiến về dự án Luật Tổ chức Tòa án nhân dân (sửa đổi). Dự thảo Luật gồm 151 Điều được bố cục thành 9 chương; trong đó, bổ sung 51 điều mới, sửa đổi 93 điều, giữ nguyên 7 điều. So với Luật Tổ chức Tòa án nhân dân năm 2014, Dự thảo luật giảm 2 chương, tăng thêm 54 điều. Báo cáo thẩm tra dự án luật do Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội Lê Thị Nga trình bày nêu rõ, Ủy ban Tư pháp cơ bản tán thành sự cần thiết sửa đổi Luật Tổ chức Tòa án nhân dân năm 2014; hồ sơ dự án Luật cơ bản đã đủ các tài liệu theo quy định tại Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật.

Về điều chỉnh nhiệm vụ, quyền hạn của Tòa án trong việc thu thập tài liệu, chứng cứ, đa số ý kiến tán thành với đề xuất của Tòa án nhân dân tối cao về việc Tòa án không có nghĩa vụ (trách nhiệm) thu thập chứng cứ. Đối với quy định về Tòa án nhân dân sơ thẩm chuyên biệt, Ủy ban Tư pháp cơ bản tán thành dự thảo Luật và cho rằng việc thành lập Tòa án này để giải quyết một số loại vụ việc đặc thù, có tính chuyên môn sâu đáp ứng yêu cầu của thực tiễn. Tuy nhiên, tờ trình và dự thảo luật chưa làm rõ định hướng sẽ thành lập TAND sơ thẩm chuyên biệt tại địa hạt pháp lý nào; số lượng bao nhiêu; cơ cấu tổ chức của Tòa án này như thế nào.

Về Hội đồng tư pháp quốc gia, đa số ý kiến của Ủy ban Tư pháp đề nghị không thành lập Hội đồng tư pháp quốc gia, mà giữ quy định về Hội đồng tuyển chọn, giám sát Thẩm phán quốc gia. Một số ý kiến thống nhất với dự thảo luật về thành lập Hội đồng tư pháp quốc gia trên cơ sở kế thừa về tổ chức và nhiệm vụ hiện nay của Hội đồng tuyển chọn, giám sát Thẩm phán quốc gia và bổ sung một số nhiệm vụ mới để bảo đảm cho Hội đồng hoạt động hiệu quả, trong đó có nhiệm vụ, quyền hạn giám sát việc phân bổ biên chế, kinh phí, nguồn lực cho các Tòa án; bảo vệ Thẩm phán...

Cùng ngày, UBTVQH xem xét, cho ý kiến về dự án Luật Lưu trữ (sửa đổi). Một trong những nhóm chính sách lớn trong dự thảo luật lần này liên quan đến chuyển đổi số, ứng dụng các tài liệu số, tài liệu điện tử để lưu trữ. Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Lê Quang Huy đề nghị cần phải lồng ghép các hoạt động nghiệp vụ lưu trữ, vì góc nhìn chuyển đổi số trong nghiệp vụ lưu trữ còn mờ nhạt. Về xây dựng các cơ sở dữ liệu lưu trữ và tài liệu điện tử, đề nghị quy định cụ thể về nội dung này. Liên quan đến chuyển đổi số, cần rà soát tính đồng bộ với các luật có liên quan, trong đó có Luật Giao dịch điện tử.

Trung Kiên


Ý kiến bạn đọc

refresh
 

Tổng lượt bình luận

Tin khác

Thông báo