Chủ Nhật, ngày 8 tháng 9 năm 2024

Làm rõ những vấn đề nổi bật trong nghiên cứu, vận dụng tư tưởng Hồ Chí Minh về xây dựng nền kinh tế độc lập tự chủ

Đại biểu chia sẻ nhiều kết quả nghiên cứu trong vận dụng và phát triển tư tưởng Hồ Chí Minh về xây dựng nền kinh tế độc lập tự chủ và hội nhập kinh tế quốc tế.

(Thanhuytphcm.vn) - Ngày 24/7, tại TPHCM, Viện Khoa học xã hội (KHXH) Vùng Nam Bộ và Ban Chủ nhiệm đề tài phối hợp tổ chức Hội thảo khoa học “Tư tưởng Hồ Chí Minh về xây dựng nền kinh tế độc lập tự chủ và hội nhập kinh tế quốc tế”.

Đến tham dự Hội thảo có TS. Huỳnh Thành Lập, nguyên Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, nguyên Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội TPHCM, Phó Chủ tịch Hội Người cao tuổi Việt Nam; PGS.TS. Nguyễn Văn Cường, Phó Cục trưởng Cục Hành chính Quản trị 2, Văn phòng Chính phủ cùng các đại biểu là chuyên gia, nhà khoa học, nhà quản lý, đại biểu đến từ các cơ quan Đảng, Chính phủ, các bộ ngành, các viện nghiên cứu, trường đại học, doanh nghiệp.

Hội thảo nằm trong khuôn khổ đề tài cấp quốc gia: “Nghiên cứu, vận dụng và phát triển sáng tạo tư tưởng Hồ Chí Minh trong xây dựng nền kinh tế độc lập tự chủ và hội nhập kinh tế quốc tế thời kỳ đổi mới” do TS. Đặng Xuân Thanh làm Chủ nhiệm; thuộc Chương trình Khoa học và công nghệ đặc biệt cấp Quốc gia giai đoạn 2021-2025: “Nghiên cứu, vận dụng và phát triển sáng tạo tư tưởng Hồ Chí Minh trong công cuộc xây dựng đất nước và bảo vệ Tổ quốc thời kỳ đổi mới (giai đoạn từ năm 1986 đến nay, định hướng đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2045)” do Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh chủ trì.

Theo Ban Tổ chức, Hội thảo nhằm làm rõ những vấn đề nổi bật trong việc nghiên cứu, vận dụng và phát triển sáng tạo tư tưởng Hồ Chí Minh nhằm xây dựng nền kinh tế độc lập tự chủ trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế. Từ đó có những đề xuất quan điểm, định hướng, giải pháp nhằm tiếp tục nghiên cứu, vận dụng và phát triển sáng tạo hơn, phù hợp hơn, đạt hiệu quả cao hơn tư tưởng Hồ Chí Minh trong xây dựng nền kinh tế độc lập tự chủ cho giai đoạn phát triển mới.

Phát biểu khai mạc Hội thảo, PGS.TS. Vũ Tuấn Hưng, Bí thư Đảng ủy, Phó Viện trưởng Phụ trách Viện KHXH Vùng Nam Bộ bày tỏ, qua gần 40 năm tiến hành công cuộc đổi mới do Đảng Cộng sản Việt Nam khởi xướng từ năm 1986 đến nay đã thu được những thắng lợi, thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử, đưa đất nước ta từ một nước nghèo trên thế giới trở thành nước đang phát triển, có thu nhập trung bình. Vị thế của đất nước trên trường quốc tế ngày càng được nâng cao.

Có được những thành tựu to lớn, đáng tự hào đó, là do nhiều nguyên nhân, nhưng một trong những nguyên nhân quan trọng là do Đảng ta đã kiên định vận dụng sáng tạo lý luận của Chủ nghĩa Mác - Lê-nin, Tư tưởng Hồ Chí Minh vào thực tiễn xây dựng CNXH ở Việt Nam; thường xuyên tổng kết thực tiễn, phát triển lý luận về CNXH và con đường đi lên CNXH ở Việt Nam cho phù hợp với thực tiễn phát triển của từng thời kỳ, dẫn dắt dân tộc ta vững vàng vượt qua mọi khó khăn, thách thức, không ngừng đẩy mạnh toàn diện, đồng bộ công cuộc đổi mới, khơi dậy mạnh mẽ tinh thần yêu nước, khát vọng phát triển đất nước hùng cường, phồn vinh, hạnh phúc.

“Trong bối cảnh mới, với nhiều thay đổi biến chuyển của tình hình quốc tế và sự phát triển nội lực của Việt Nam ở trên tầm cao mới đòi hỏi cần có sự vận dụng tốt hơn, mạnh mẽ hơn các giá trị của chủ nghĩa Mác Lên nin, tư tưởng Hồ Chí Minh vào thực tiễn xây dựng, phát triển đất nước, từ đó tổng kết thực tiễn, để đúc kết và đưa ra các bài học kinh nghiệm, giải pháp phù hợp cho sự phát triển kinh tế độc lập, tự chủ, tự cường trong hội nhập quốc tế ngày nay của Việt Nam” - PGS.TS. Vũ Tuấn Hưng cho biết.

TS. Đặng Xuân Thanh, Chủ nhiệm đề tài, phát biểu tại Hội thảo. TS. Đặng Xuân Thanh, Chủ nhiệm đề tài, phát biểu tại Hội thảo.

Theo TS. Đặng Xuân Thanh, Ủy viên Ban Thường vụ, Trưởng ban Tổ chức Đảng ủy, nguyên Phó Chủ tịch, Chủ tịch Hội đồng Tư vấn chính sách kinh tế-xã hội Viện Hàn lâm KHXH Việt Nam - Chủ nhiệm đề tài, bối cảnh trong nước và quốc tế hiện nay được đánh giá là đang trải qua những biến động lớn, chưa từng có như sự xuất hiện của đại dịch Covid-19, Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư, xung đột địa chính trị giữa các nước, cường quốc lớn trên thế giới... đòi hỏi phải có những kiến giải mới về quá trình xây dựng nền kinh tế độc lập tự chủ và hội nhập kinh tế quốc tế.

Tư tưởng đối ngoại của Hồ Chí Minh có tầm quan trọng vô cùng to lớn đối với lịch sử đấu tranh giành độc lập, thống nhất và phát triển của đất nước trong gần một thế kỷ qua, đặc biệt trong việc nghiên cứu, vận dụng sáng tạo để xây dựng nền kinh tế độc lập tự chủ trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế… Do đó, Hội thảo với chủ đề: “Tư tưởng Hồ Chí Minh về xây dựng nền kinh tế độc lập tự chủ và hội nhập kinh tế quốc tế” được tổ chức là vô cùng cần thiết và có ý nghĩa đối với đất nước trong giai đoạn phát triển hiện nay.

TS. Nguyễn Hữu Nguyên, Hội Quy hoạch phát triển đô thị TPHCM chia sẻ, đất nước ta đang tích cực, chủ động hội nhập quốc tế sâu, rộng. Trong bối cảnh toàn cầu hóa và nền kinh tế tri thức, cách mạng công nghiệp 4.0 đang phát triển nhanh chóng, cạnh tranh diễn ra trên quy mô toàn cầu ngày càng gay gắt thì tư tưởng của Hồ Chí Minh nói chung, tư tưởng kinh tế nói riêng đã, đang và sẽ tiếp tục là kim chỉ nam soi sáng con đường đi tới thắng lợi ngày càng to lớn hơn của cách mạng nước ta.

PGS.TS. Nguyễn Minh Trí, Trường ĐH Công nghệ TPHCM, cho rằng trong thời đại cách mạng công nghệ 4.0 và hội nhập quốc tế, thì việc nhận diện vị trí, vai trò của các động lực ở TPHCM như: kinh tế tư nhân là một động lực của sự phát triển kinh tế-xã hội; phát huy sức mạnh vật chất, văn hóa cho sự phát triển kinh tế-xã hội và nhận diện, khắc phục các trở lực trong quá trình phát triển là vấn đề có ý nghĩa chiến lược. Qua đó, thấy rõ được tiềm năng, lợi thế cũng như hạn chế, khó khăn mà Thành phố đang gặp phải; để từ đó tìm ra những biện pháp phù hợp nhằm đáp ứng yêu cầu CNH-HĐH và phát triển toàn diện thành phố…

Theo các chuyên gia, thực tiễn cũng cho thấy tư tưởng Hồ Chí Minh về độc lập dân tộc và hợp tác quốc tế luôn chính xác về mặt khoa học khi áp dụng vào việc xây dựng nền kinh tế độc lập tự chủ và hội nhập kinh tế quốc tế thời kỳ đổi mới ở nước ta. Các quan điểm như “thêm bạn, bớt thù”, “dĩ bất biến ứng vạn biến” hay “ngoại giao tâm công” của Chủ tịch Hồ Chí Minh đã được vận dụng sáng tạo, linh hoạt và đem lại nhiều thành quả trong quá trình gần 40 năm Đổi mới của kinh tế Việt Nam.

Anh Huy


Ý kiến bạn đọc

refresh
 

Tổng lượt bình luận

Tin khác

Thông báo