Thứ Bảy, ngày 27 tháng 7 năm 2024

Lần đầu tiên thực hiện cơ chế thử nghiệm có kiểm soát

Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng

(Thanhuytphcm.vn) - Chiều 11/6, Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) đã cho ý kiến về dự án Luật Thủ đô (sửa đổi).

Trình bày một số vấn đề lớn trong giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi), Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Hoàng Thanh Tùng báo cáo UBTVQH 5 nội dung lớn trong giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi). Trong đó có việc quản lý, sử dụng tài sản công và khai thác công trình hạ tầng; về cơ chế thử nghiệm có kiểm soát; về thực hiện hợp đồng xây dựng - chuyển giao…

Đáng chú ý, đối với cơ chế thử nghiệm có kiểm soát, trong quá trình thảo luận, có ý kiến đề nghị cân nhắc kỹ việc giao HĐND Thành phố Hà Nội được quyền quyết định cho miễn áp dụng quy định của pháp luật; làm rõ việc được miễn trách nhiệm của các bên liên quan và quy định cụ thể trong Luật này.

Thường trực Ủy ban Pháp luật và các cơ quan thấy rằng, thử nghiệm có kiểm soát là việc cho phép thực hiện các công nghệ, sản phẩm, dịch vụ hoặc mô hình kinh doanh mới chưa được pháp luật quy định hoặc có quy định của pháp luật nhưng không còn phù hợp nên nếu phải áp dụng toàn bộ các quy định hiện hành của pháp luật thì sẽ không thể thực hiện được. Để quy định về cơ chế thử nghiệm có kiểm soát có thể phát huy được hiệu quả trên thực tế, bảo đảm tính khả thi, tạo sự chủ động cho thành phố thì cần cho phép HĐND Thành phố, trên cơ sở đánh giá về mức độ rủi ro và khả năng kiểm soát, có quyền cho miễn áp dụng một số quy định của pháp luật trong phạm vi giới hạn thử nghiệm như tại dự thảo Luật.

Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật cũng cho biết, do đây là các nội dung mới, chưa có tiền lệ, lần đầu được triển khai nên mức độ rủi ro thường khá cao, nhiều vấn đề chưa có thực tiễn, chưa thể lường hết được. Nếu không có các quy định về loại trừ, miễn trách nhiệm theo quy định của pháp luật có liên quan thì không thể khuyến khích các tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân tích cực tham gia đổi mới sáng tạo. Đối với các cơ quan nhà nước, cán bộ, công chức trực tiếp làm nhiệm vụ tham mưu, hướng dẫn, kiểm soát việc thực hiện các nội dung được thử nghiệm thì cũng cần được áp dụng các quy định về khuyến khích, bảo vệ người dám nghĩ, dám làm vì lợi ích chung và cần có hành lang pháp lý phù hợp để họ yên tâm, chủ động, sáng tạo trong việc đề xuất các cơ chế quản lý có tính chất đổi mới, tạo môi trường, điều kiện thuận lợi cho các ý tưởng đổi mới, sáng tạo của tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp được phát triển, hiện thực hóa, mang lại nhiều lợi ích, hiệu quả cho xã hội.

Do đó, trên cơ sở tham khảo, nâng cấp các quy định của Nghị định số 73/2023/NĐ-CP của Chính phủ quy định về khuyến khích, bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung, dự thảo luật đã được chỉnh lý lại theo hướng quy định về việc loại trừ trách nhiệm hoặc không xử lý trách nhiệm với cơ quan, cán bộ, công chức trực tiếp hướng dẫn, kiểm soát quá trình thử nghiệm trong trường hợp đã thực hiện đúng các quy định về trình tự, thủ tục, cơ chế hướng dẫn, kiểm soát, giám sát, có động cơ trong sáng, vì lợi ích chung.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về việc giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi). Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về việc giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi).

Về đề nghị trao thẩm quyền cho Hà Nội xử lý cắt điện, nước đối với công trình vi phạm trong trường hợp các biện pháp khác không hiệu quả, báo cáo tại phiên họp, Chủ tịch UBND Thành phố Hà Nội Trần Sỹ Thanh nêu thực tế, vừa qua có trường hợp, một số công trình như xây dựng khách sạn mini quá tầng, không đúng quy định phòng cháy chữa cháy, lúc này người dân cũng chưa vào ở, thì trước mắt phải áp dụng biện pháp cắt điện, nước, buộc dừng thi công. Đây chính là áp dụng biện pháp hành chính. Vì vậy, với tinh thần là không có gì cao hơn mạng sống con người, Chủ tịch UBND Thành phố Hà Nội mong được giao thêm quyền này và chỉ có Chủ tịch UBND xã, Chủ tịch UBND huyện, Chủ tịch UBND Thành phố mới được áp dụng, chứ không phải ai cũng quyết định được.

Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương thống nhất với đề xuất của Hà Nội và cho rằng, nên cho phép Hà Nội trong điều kiện bất khả kháng được áp dụng biện pháp hành chính để thực hiện đúng quy hoạch phát triển Thủ đô. Theo Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định, vấn đề này đang vướng mắc ở tên gọi, đây là biện pháp hành chính hay là biện pháp xử phạt vi phạm hành chính, hay là biện pháp ngăn chặn để xử phạt vi phạm hành chính?

Kết luận nội dung phiên thảo luận, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định đề nghị, Bộ Tư pháp, Ủy ban Pháp luật, UBND Thành phố Hà Nội tiếp thu ý kiến của UBTVQH, hoàn chỉnh về mặt kỹ thuật, hoàn chỉnh Báo cáo tiếp thu giải trình chỉnh lý dự thảo luật.

Chiều cùng ngày, UBTVQH đã cho ý kiến về vị trí việc làm các cơ quan thuộc thẩm quyền quản lý của UBTVQH; cho ý kiến về Quy hoạch Thủ đô Hà Nội thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 và Đồ án điều chỉnh Quy hoạch chung Thủ đô Hà Nội đến năm 2045, tầm nhìn đến năm 2065.

Trung Kiên


Ý kiến bạn đọc

refresh
 

Tổng lượt bình luận

Tin khác

Thông báo