Thứ Năm, ngày 17 tháng 4 năm 2025

Lập Ban chỉ đạo về giải quyết các vấn đề khó khăn, vướng mắc các dự án tồn đọng

* Phê duyệt định hướng lập pháp nhiệm kỳ Quốc hội khóa XVI của Chính phủ

(Thanhuytphcm.vn) - Ngày 11/4, Thủ tướng Phạm Minh Chính ký quyết định thành lập Ban chỉ đạo về giải quyết các vấn đề khó khăn, vướng mắc các dự án tồn đọng (BCĐ).

Theo quyết định, Trưởng BCĐ là Phó Thủ tướng Thường trực Nguyễn Hòa Bình; Phó Trưởng BCĐ là Bộ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Văn Thắng.

Các thành viên BCĐ là lãnh đạo các bộ, ngành. Trưởng BCĐ được mời thêm lãnh đạo của một số bộ, ngành, cơ quan tham gia làm thành viên BCĐ hoặc yêu cầu lãnh đạo bộ, cơ quan trung ương và địa phương thực hiện, báo cáo những vấn đề cần thiết và dự họp.

BCĐ có chức năng giúp Thủ tướng Chính phủ nghiên cứu, tư vấn, khuyến nghị, đề xuất phương hướng, giải pháp để giải quyết những vấn đề quan trọng, liên ngành để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc liên quan đến các dự án tồn đọng, bao gồm các dự án sử dụng nguồn vốn đầu tư công, nguồn vốn đầu tư tư nhân trong nước, nguồn vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài và các nguồn vốn khác (nếu có).

Cùng với đó, giúp Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo, phối hợp giữa các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ và các cơ quan, tổ chức có liên quan trong việc giải quyết những vấn đề quan trọng, liên ngành để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc liên quan đến các dự án tồn đọng, bao gồm các dự án sử dụng nguồn vốn đầu tư công, nguồn vốn đầu tư tư nhân trong nước, nguồn vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài và các nguồn vốn khác (nếu có)…

BCĐ cũng chỉ đạo, đôn đốc, kiểm tra, tổng hợp việc giải quyết, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc liên quan đối với dự án thuộc thẩm quyền của các bộ, cơ quan trung ương và địa phương; báo cáo Thủ tướng những vấn đề mới phát sinh (nếu có)… Bộ Tài chính là cơ quan thường trực BCĐ.

Phó Thủ tướng Lê Thành Long ký quyết định số 745/QĐ-TTg phê duyệt Đề án “định hướng lập pháp nhiệm kỳ Quốc hội khóa XVI của Chính phủ”. Một trong nhiệm vụ của đề án là nhằm tạo đột phá về thể chế, đổi mới mạnh mẽ tư duy xây dựng pháp luật từ quản lý sang kiến tạo phát triển bền vững; xuất phát từ yêu cầu thực tiễn; cải cách, đơn giản hóa thủ tục hành chính; lấy người dân, doanh nghiệp làm trung tâm; kịp thời giải quyết những vấn đề thực tiễn đang đặt ra; bảo đảm sự bao phủ của pháp luật đối với mọi lĩnh vực của đời sống kinh tế - xã hội; chủ động, tích cực tham gia cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư và thúc đẩy quá trình chuyển đổi số quốc gia.

Đề án được thực hiện từ năm 2025 đến năm 2031 với 3 nhiệm vụ trọng tâm gồm: đánh giá, tổng kết việc thực hiện Kết luận số 19-KL/TW ngày 14-10-2021 của Bộ Chính trị về Định hướng xây dựng pháp luật nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV; rà soát, nghiên cứu, đề xuất Định hướng lập pháp nhiệm kỳ của Quốc hội khóa XVI; xây dựng kế hoạch thực hiện Định hướng lập pháp nhiệm kỳ của Quốc hội khóa XVI; nghiên cứu, rà soát, kiến nghị sửa đổi, bổ sung hoặc nghiên cứu, đề xuất xây dựng mới các văn bản luật, pháp lệnh, nghị quyết đã được xác định trong định hướng lập pháp nhiệm kỳ của Quốc hội khóa XVI…

Trung Kiên


Ý kiến bạn đọc

refresh
 

Tổng lượt bình luận

Tin khác

Thông báo