Lễ hội đua thuyền truyền thống thu hút được sự quan tâm của đông đảo người dân và du khách. (Ảnh: VGP)
Cứ vào ngày Tết Độc lập 2/9, trên dòng sông Kiến Giang (chạy qua huyện Lệ Thủy, tỉnh Quảng Bình), quê hương Đại tướng Võ Nguyên Giáp lại rộn ràng tổ chức lễ hội đua thuyền thống.
Lễ hội đua thuyền từ lâu đã trở thành một hoạt động mang nét đẹp truyền thống, văn hóa của người dân quê hương Đại tướng Võ Nguyên Giáp trong ngày Quốc khánh.
Cứ vào ngày 2/9 hằng năm, người dân Quảng Bình và du khách lại nô nức đến Lệ Thủy xem lễ hội đua thuyền truyền thống.
Lễ hội đua thuyền truyền thống mừng Tết Độc lập được người dân nơi đây háo hức chuẩn bị trước cả tháng, từ việc chọn thợ giỏi để đóng thuyền, chọn trai bơi, gái đua vừa khỏe lại dẻo dai, đến việc tổ chức luyện tập, kiểm tra sức khỏe trước khi bước vào cuộc tranh tài chính thức.
Năm nay, lễ hội thu hút 24 thuyền bơi nam (đò bơi), 8 thuyền đua nữ (đò đua) với sự góp mặt của hơn 1.000 vận động viên nam, nữ, tranh tài trên đường đua dài 24 km (đối với thuyền đua nam) và 18 km (thuyền đua nữ).
Ban tổ chức cho biết, lễ hội thu hút hàng nghìn người dân, du khách trên mọi miền của Tổ quốc đến thưởng lãm, cổ vũ.
Anh Trần Quốc Dũng, một người con xa quê trở về đúng vào dịp lễ hội cho biết, Lễ hội đua thuyền là món ăn tinh thần không thể thiếu trong cuộc sống người dân nơi đây, in sâu vào tiềm thức, ngấm vào máu thịt, gắn với kỷ niệm tuổi thơ của mỗi người. Vì thế những người công tác ở xa quê, vào dịp tổ chức lễ hội bơi, đua cũng cố gắng về quê để ôn lại kỷ niệm tuổi thơ, sum họp, đoàn tụ gia đình, mừng Tết Độc lập, đón lễ hội bơi, đua truyền thống trên sông Kiến Giang.
Hình ảnh tại lễ trao giải. (Ảnh: VGP) Lễ hội bơi, đua thuyền truyền thống trên sông Kiến Giang được UBND tỉnh công nhận là lễ hội văn hóa-thể thao cấp tỉnh vào năm 2003 và trở thành hoạt động văn hóa thể thao mang đậm nét dân gian, tạo sân chơi lành mạnh cho người dân địa phương trong ngày lễ lớn của dân tộc.
Thông qua lễ hội nhằm tiếp tục thực hiện có hiệu quả Cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư”; mở rộng, nâng cao chất lượng phong trào luyện tập thể dục, thể thao quần chúng, góp phần nâng cao sức khỏe nhân dân trên địa bàn. Đồng thời, đây cũng là cơ hội để quảng bá hình ảnh về mảnh đất, con người Lệ Thủy - quê hương Đại tướng Võ Nguyên Giáp đến với bạn bè trong và ngoài nước.
Ngay trước thềm lễ hội bơi, đua thuyền truyền thống trên sông Kiến Giang, chính quyền và nhân dân Lệ Thủy có thêm một tin vui, đó là Hò khoan Lệ Thủy - một nét văn hóa mang đậm dấu ấn người dân nơi đây - đã được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể cấp Quốc gia.