Thứ Sáu, ngày 27 tháng 12 năm 2024

Lựa chọn sản phẩm xanh và tiêu dùng xanh chưa phải là ưu tiên hàng đầu của người tiêu dùng hiện nay

Doanh nghiệp khởi nghiệp giới thiệu sản phẩm xanh thân thiện môi trường hướng đến tiêu dùng xanh

(Thanhuytphcm.vn) - Ngày 30/10, Hội Doanh nghiệp hàng Việt Nam chất lượng cao, Dự án Hàng Việt Nam chất lượng cao - Chuẩn hội nhập đã thông tin về Cuộc khảo sát tiêu dùng xanh 2024.

Cuộc khảo sát Tiêu dùng Xanh 2024 được tổ chức trên quy mô rộng, cung cấp cái nhìn toàn diện về nhận thức, hành vi và ưu tiên của người tiêu dùng đối với các sản phẩm và dịch vụ thân thiện với môi trường. Đây là cơ hội quý báu để doanh nghiệp tiếp cận những dữ liệu quan trọng giúp cải tiến sản phẩm, đáp ứng đúng nhu cầu tiêu dùng bền vững, và từ đó, nâng cao uy tín thương hiệu.

Kết quả khảo sát không chỉ thể hiện rõ xu hướng tiêu dùng mà còn nêu bật các động lực và rào cản đối với tiêu dùng xanh, như giá cả, tính tiện lợi, và sự hỗ trợ từ chính sách. Bên cạnh đó, khảo sát cũng cho thấy khả năng tài chính và mức độ sẵn sàng của người tiêu dùng trong việc chi trả cho các sản phẩm xanh. Đây là những thông tin hữu ích giúp doanh nghiệp định hướng chiến lược phát triển sản phẩm phù hợp với thị hiếu mới của thị trường. Đồng thời cùng khám phá các xu hướng tiêu dùng mới, thảo luận về giải pháp và cơ hội trong tương lai. Đây là dịp để doanh nghiệp không chỉ hiểu rõ hơn về nhu cầu của khách hàng mà còn nhận được những kiến nghị thiết thực trong việc phát triển bền vững, đồng thời nâng cao sự gắn kết với cộng đồng và môi trường.

Cuộc khảo sát Tiêu dùng Xanh 2024: Lựa chọn sản phẩm xanh và tiêu dùng xanh chưa phải là ưu tiên hàng đầu của người tiêu dùng (NTD) hiện nay. Bức tranh tiêu dùng xanh trong các cộng đồng dân cư còn khá “tối màu”. Ngay tại TP Hà Nội và TPHCM là hai trung tâm văn hóa, kinh tế lớn nhất cả nước nhưng tỷ lệ NTD tiêu dùng xanh ở mức độ phổ biến cũng chỉ chiếm khoảng 12% - 18%.

NTD biết đến sản phẩm xanh, và tiêu dùng xanh nhiều nhất từ các thông tin trên không gian mạng, các nguồn thông tin (kinh nghiệm bản thân, người thân, người bán,…) được tiếp cận với một tỷ lệ nhất định (dưới 40%). Thông qua việc tiếp cận các kênh thông về tiêu dùng xanh cho thấy, đối với hầu hết NTD vấn đề tiêu dùng xanh vẫn còn là vấn đề khá mới đối với họ, với tâm thức chưa có nhiều trải nghiệm tiêu dùng nên thông tin từ không gian mạng trở thành nguồn thông tin chủ đạo. Có thể nói, truyền thông xã hội là phương tiện thông tin đóng vai trò quan trọng nhất hiện nay trong hoạt động cung cấp thông tin về sản phẩm xanh, tiêu dùng xanh tới NTD.

Tỷ lệ NTD chọn nơi mua sản phẩm xanh tùy thuộc vào đặc trưng tiêu dùng sản phẩm và mức độ cung ứng tại các kênh phân phối. Trên bình diện chung kết quả khảo sát cho thấy các kênh truyền thống và hiện đại chiếm tỷ lệ khá tương đồng trong hoạt động cung ứng các loại sản phẩm xanh (67% và 66%). Đặc biệt, các kênh online (mới nổi những năm gần đây) nhưng cũng chiếm một tỷ lệ đáng ngạc nhiên với khoảng 45%. Sàn thương mại điện tử hiện là kênh chiếm tỷ lệ chủ đạo trong các kênh online.

Đối tượng khách hàng chính yếu của các sản phẩm xanh hiện nay là NTD trong độ tuổi từ 31 tuổi đến 45 tuổi, trình độ đại học, có nghề nghiệp ổn định và mức thu nhập từ 15 triệu đến 30 triệu. Tùy thuộc đặc trưng tiêu dùng của sản phẩm xanh mỗi ngành hàng mà đối tượng khách hàng chính yếu của từng loại sản phẩm ngành hàng có sự chuyển dịch nhất định.

Rào cản lớn nhất đối NTD hiện nay trong việc tiêu dùng xanh là sản phẩm xanh có giá cao (78%), kế đến là sự sẵn có (độ phủ) sản phẩm xanh còn hạn chế, thiếu thông tin định hướng, cũng như chưa có chính sách khuyến khích tiêu dùng xanh. Ngoài ra, sự phàn nàn của NTD đối với chất lượng hàng hóa không đúng như cam kết của nhà sản xuất cũng là trở ngại làm giảm lòng tin với đối với sản phẩm xanh lưu thông trên thị trường (18% NTD cho rằng sản phẩm xanh chưa đáp ứng được kỳ vọng của họ). Rào cản cuối cùng phải kể đến là nhận thức của một bộ phận NTD còn hạn chế, đặc biệt NTD ở khu vực nông thôn vẫn chưa có đầy đủ nhận thức về vấn đề bảo vệ môi trường khi tiêu dùng và mức độ hiểu biết của họ về tiêu dùng xanh còn khá hạn chế (với 7% NTD cho biết họ cảm thấy chưa cần thiết phải tiêu dùng xanh)

Bên cạnh đó, NTD cũng cho biết họ sẵn sàng chi trả tăng thêm để có thể sử dụng sản phẩm xanh ở những mức độ khác nhau, trong đó mức độ chi trả tăng thêm được NTD hưởng ứng nhiều nhất là chi tăng thêm từ 5% đến 10% so với sản phẩm thông thường để tiêu dùng sản phẩm xanh, đặc biệt có khoảng 20% NTD chấp nhận chi trả tăng thêm trên 10%.

M.Hiệp


Ý kiến bạn đọc

refresh
 

Tổng lượt bình luận

Tin khác

Thông báo