Thứ Hai, ngày 1 tháng 7 năm 2024

Mỗi cơ sở giáo dục là một không gian văn hóa Hồ Chí Minh

Đồng chí Nguyễn Hồ Hải phát biểu kết luận tại buổi làm việc

(Thanhuytphcm.vn) - Chiều 28/6, đoàn công tác Thành ủy TPHCM do Phó Bí thư Thường trực Thành ủy TPHCM Nguyễn Hồ Hải làm trưởng đoàn đã có buổi khảo sát các thiết chế văn hóa cơ sở gắn với việc xây dựng không gian văn hóa Hồ Chí Minh tại quận Bình Tân. Cùng tham dự có đồng chí Nguyễn Thọ Truyền, Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Thành ủy TPHCM.

Tiếp đoàn có Thành ủy viên, Bí thư Quận ủy quận Bình Tân Huỳnh Khắc Điệp; Phó Bí thư Thường trực Quận ủy Nguyễn Việt Quế Sơn.

Vận động các nguồn lực xã hội tham gia xây dựng thêm các thiết chế văn hóa

Trước buổi làm việc, các tổ của đoàn công tác đã có khảo sát thực tế các mô hình thiết chế không gian văn hóa Hồ Chí Minh trên địa bàn phường An Lạc A và phường Bình Hưng Hòa A, quận Bình Tân. Ngoài ra, các tổ chức, cá nhân đã đầu tư, phát triển các thiết chế văn hóa, thể thao ngoài công lập.

Báo cáo với đoàn công tác, Bí thư Đảng ủy phường An Lạc A Huỳnh Thị Thanh Diệu cho biết, trong thời gian qua, các phong trào văn hóa, văn nghệ, thể dục thể thao trên địa bàn phường An Lạc A vẫn được duy trì thường xuyên và ngày càng phát triển.

Riêng không gian văn hóa Hồ Chí Minh tại các cơ quan, đơn vị là nơi để tổ chức các hoạt động giáo dục có ý nghĩa như: sinh hoạt của chi bộ, chi đoàn, liên đội, tổ chức kết nạp Đảng, kết nạp Đoàn, tổ chức các hội thi tìm hiểu về chân dung, cuộc đời, sự nghiệp vĩ đại của Bác, tuyên dương gương điển hình giáo viên, học sinh trong học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh giúp cho đoàn viên thanh niên có môi trường thuận lợi để học tập, rèn luyện, xây đắp những ước mơ, hoài bão và lí tưởng sống cao đẹp. Tại các trường học tổ chức được các buổi sinh hoạt chuyên đề, định hướng cho học sinh, góp phần lan tỏa trong học sinh và phụ huynh về truyền thống cách mạng, truyền thống uống nước nhớ nguồn, tinh thần đoàn kết, sẻ chia trong cộng đồng. Qua đó, góp phần đa dạng hóa phong trào văn hóa, văn nghệ, hội thi, hoạt động sinh hoạt, văn hóa học đường gắn với chuyên mục học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh.

Để xây dựng và phát triển thành không gian văn hóa Hồ Chí Minh rộng khắp trên địa bàn phường, đồng chí Huỳnh Thị Thanh Diệu cho rằng, cần tiếp tục thực hiện tốt công tác bảo tồn, phát huy các di tích, các loại hình văn hóa truyền thống, đẩy mạnh các phong trào văn nghệ quần chúng nhằm tạo sự lan tỏa, thu hút sự tham gia của đông đảo người dân. Đồng thời, cần tiếp tục phát huy vai trò gương mẫu của đảng viên, đoàn viên, hội viên, người lao động và học sinh trong tham gia xây dựng Không gian văn hóa Hồ Chí Minh làm cho không gian văn hóa Hồ Chí Minh thực sự trở thành tài sản tinh thần, trở thành sức mạnh nội sinh thúc đẩy sự phát triển của địa phương.

Chia sẻ những mô hình, cách làm hay trong học tập và làm theo Bác

Đối với phường Bình Hưng Hòa A, đồng chí Nguyễn Quang Hưng, Ủy viên Ban Thường vụ Quận ủy, Bí thư Đảng ủy phường cho biết, hiện nay, trên địa bàn phường có 36 đơn vị, chi bộ trực thuộc xây dựng xong Không gian văn hóa Hồ Chí Minh tại các trụ sở văn phòng khu phố, trường học, trong đó có 1 cơ sở thờ tự, 1 hộ gia đình, 1 khu công nhân nhà trọ, 1 cơ sở kinh doanh với nhiều hình thức như: bàn thờ chân dung Bác, kệ sách Hồ Chí Minh, phòng trưng bày về cuộc đời, sự nghiệp và các tác phẩm nghệ thuật về Chủ tịch Hồ Chí Minh. Qua đó, đã tác động trực quan đến tâm tư, tình cảm, suy nghĩ, nhận thức của cán bộ, đảng viên, đoàn viên, hội viên và Nhân dân…

Các đại biểu tham quan không gian văn hóa Hồ Chí Minh tại UBND phường An Lạc A Các đại biểu tham quan không gian văn hóa Hồ Chí Minh tại UBND phường An Lạc A

Theo đồng chí Nguyễn Quang Hưng, các khu phố đã chọn một khoảng không gian phù hợp tại Văn phòng khu phố để hình thành không gian văn hóa Hồ Chí Minh tại 24 trụ sở, trưng bày hình ảnh, tư liệu về Bác, các video clip giới thiệu các tác phẩm nghệ thuật về Bác (có mã QR Code), xây dựng kệ sách Hồ Chí Minh, thu hút 2.837 lượt đảng viên, đoàn viên, hội viên và Nhân dân đến sinh hoạt, nghiên cứu, học tập, tìm hiểu về cuộc đời và sự nghiệp của Bác.  Bên cạnh đó, có 5/5 trường công lập trên địa bàn phường xây dựng Không gian văn hóa Hồ Chí Minh tại các phòng truyền thống, thư viện, khuôn viên nhà trường với nhiều hình ảnh, đầu sách và một số tác phẩm nghệ thuật về Bác… tạo điều kiện thuận lợi cho cán bộ, giáo viên và học sinh đến tham quan, nghiên cứu học tập, sinh hoạt chuyên đề, đọc sách... Ngoài ra, các trường phát huy không gian văn hóa Hồ Chí Minh thành khu vực tổ chức sinh hoạt truyền thống cho học sinh như: thi thiết kế báo tường, thi vẽ tranh về Đảng và Bác Hồ.

Để phát huy hiệu quả các thiết chế văn hóa trong thời gian tới, đồng chí Nguyễn Quang Hưng cho biết, phường tiếp tục quan tâm tạo điều kiện kêu gọi các đơn vị tư nhân xã hội hóa đầu tư gắn với việc thể hiện tình cảm, lòng tôn kính đối với Bác để hình thành thêm các không gian văn hóa Hồ Chí Minh tại các thiết chế văn hóa do tư nhân đầu tư. Đồng thời, phường tiếp tục phối hợp, liên kết với các cơ quan, đơn vị sưu tầm, giới thiệu, tuyên truyền các tác phẩm nghệ thuật về Bác; sưu tầm hoặc tái hiện lại các vật dụng đơn sơ mà Bác sử dụng hằng ngày...

Ngoài ra, phường đầu tư xây dựng chuyên mục "Không gian văn hóa Hồ Chí Minh" trên trang thông tin điện tử, trang mạng xã hội, website của phường; thường xuyên đăng tải các bài viết, đoạn phim ngắn giới thiệu, chia sẻ những mô hình, cách làm hay trong học tập và làm theo Bác; những lời Bác dạy; các giải pháp, hiến kế việc xây dựng "Không gian văn hóa Hồ Chí Minh" của các cơ quan, đơn vị. Tập trung xây dựng không gian văn hóa hướng đến lan tỏa trong cộng đồng dân cư, lan tỏa việc học tập và làm theo Bác, từng bước hình thành không gian văn hóa phi vật thể trong từng người dân.

Xây dựng không gian văn hóa Hồ Chí Minh cần phải gắn chặt những thiết chế văn hóa cơ sở

Báo cáo thêm với đoàn công tác, Thành ủy viên, Bí thư Quận ủy quận Bình Tân Huỳnh Khắc Điệp cho biết, việc xây dựng không gian văn hóa Hồ Chí Minh phải gắn chặt những thiết chế văn hóa cơ sở đặc biệt là các nhà truyền thống, các cơ sở văn hóa lịch sử. Bên cạnh đó, xây dựng thiết chế văn hóa cơ sở và không gian văn hóa Hồ Chí Minh phải gắn với các phong trào hành động cách mạng của cơ sở đặc biệt là phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”. Đồng thời, tiếp tục rà soát, điều chỉnh, bổ sung quy hoạch xây dựng các thiết chế văn hóa trên địa bàn đảm bảo tính khả thi đáp ứng với yêu cầu phát triển văn hóa trong thời gian tới…

Đồng chí Huỳnh Khắc Điệp báo cáo với đoàn công tác Đồng chí Huỳnh Khắc Điệp báo cáo với đoàn công tác

Phát biểu tại buổi giám sát, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy TPHCM Nguyễn Hồ Hải ghi nhận các cách làm hay, sáng tạo của quận Bình Tân trong triển khai các thiết chế văn hóa trên địa bàn. Để phát triển các thiết chế văn hóa, đồng chí Nguyễn Hồ Hải cho rằng, trong quy hoạch của quận Bình Tân cần nghiên cứu, ưu tiên quy hoạch các thiết chế văn hóa, xây dựng thêm các điểm sinh hoạt văn hóa cho người dân.

Theo đồng chí Nguyễn Hồ Hải, hiện nay, không nhất thiết phải xây dựng các điểm quá lớn, nhưng cần phong phú các hoạt động, tổ chức nhiều câu lạc bộ. Trong đó, phải xây dựng lực lượng nòng cốt tham gia dẫn dắt các câu lạc bộ để có các hình thức sinh hoạt văn hóa phù hợp. Nhận xét hiện còn tình trạng nhiều nơi xây dựng môi trường văn hóa ở cơ sở, tại các khu dân cư còn thiên về hình thức, phong trào, đồng chí Nguyễn Hồ Hải cho rằng, có nơi ở trên treo biển khu phố văn hóa nhưng ở dưới thì môi trường nhếch nhác. Do vậy, đồng chí Nguyễn Hồ Hải yêu cầu địa phương phải xem lại để xây dựng đời sống văn hóa khu dân cư thiết thực, hiệu quả hơn. Bên cạnh đó, cần thường xuyên kiểm tra, ghi nhận các cá nhân có nhiều đóng góp trong bảo vệ vệ sinh môi trường trong khu dân cư để khen thưởng, lan toả hành động tốt đẹp ấy.

Đối với xây dựng Không gian văn hoá Hồ Chí Minh, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy TPHCM Nguyễn Hồ Hải đề nghị quận Bình Tân phối hợp Sở Giáo dục và Đào tạo TP phát triển mạnh mẽ hơn nữa không gian này, mục tiêu đặt ra là mỗi cơ sở giáo dục là một không gian văn hóa Hồ Chí Minh. Ở đó, việc xây dựng không gian văn hóa Hồ Chí Minh không chỉ là thiết kế một phòng có hình ảnh, sách, tư liệu về Bác, còn là nơi thể hiện rõ nét việc thẩm thấu tư tưởng, đạo đức, phong cách của Bác trong việc dạy và học, cách cư xử giữa giáo viên với nhau, giáo viên với học trò và ngược lại luôn thể hiện sự văn minh, từ đó là tấm gương để các em học sinh cảm nhận và noi theo. Bên cạnh đó, ký kết với Thành đoàn TPHCM để có giải pháp nâng cao văn hóa đọc trong học sinh, thanh thiếu niên.

Đồng chí Nguyễn Hồ Hải cũng yêu cầu quận Bình Tân cần chú trọng xây dựng không gian văn hóa trên không gian mạng, đưa tư tưởng, văn hóa, đạo đức của Bác lan tỏa trên các nền tảng mạng xã hội nhằm tiếp cận được với nhiều tầng lớp người dân, nhiều độ tuổi khác nhau.

Long Hồ


Ý kiến bạn đọc

refresh
 

Tổng lượt bình luận

Tin khác

Thông báo