Thứ Sáu, ngày 29 tháng 3 năm 2024

Một câu chuyện ý nhị về cách ứng xử với công việc

Bác Hồ đến thăm một trại nhi đồng ở chiến khu Việt Bắc (năm 1950). (Ảnh minh họa)

(Stxdd.thanhuytphcm.vn) - Lúc còn ở Việt Bắc, có lần, đội liên lạc đặc biệt Trung ương cử một chiến sĩ chạy công văn “Hỏa tốc” đưa đến tận tay Bác. Bác đọc xong mỉm cười bảo đồng chí liên lạc: “Chú xuống trạm nghỉ, sáng mai Bác trả lời”. Đồng chí ấy thưa: “Thưa Bác, đại đội trưởng dặn là cháu phải đi cùng với Bác về ngay ạ”. Bác ôn tồn bảo: “Được, cháu cứ đi nghỉ”. Sáng hôm sau, cơm nước xong, Bác cho gọi đồng chí ấy: “Cháu mang thư này về cho đại đội. Bác cảm ơn đại đội đã mời Bác ăn liên hoan. Cháu cứ đi bình thường, không phải “hỏa tốc” đâu”. Về đến đơn vị, đại đội trưởng thấy trên bì thư Bác ghi chữ “Thủy tốc”. Anh em nhìn nhau, biết là Bác dặn những công văn mời liên hoan không nên chạy “hỏa tốc”!

Một câu chuyện nhỏ, thực ra gần như chỉ nằm ở chữ “Hỏa tốc” và “Thủy tốc”, nhưng rất ý nhị, sâu sắc và là một bài học lớn của Bác Hồ dạy cho cán bộ, đảng viên về cách ứng xử với công việc.

Một trong những điều rất đáng chú ý là cách dùng từ, diễn đạt. Trên thực tế, có nhiều cán bộ, đảng viên trong công tác đã làm được nhiều việc hay, sáng tạo, có ích nhưng khi cần báo cáo thành tích để cấp trên biểu dương hoặc trả lời phỏng vấn của báo chí thì rất “kiệm lời” hoặc không diễn đạt cho rõ những điều mình đã làm được. Như trong chống dịch hiện nay, nhiều cán bộ ở cơ sở ngày đêm lăn xả với các công việc, miễn sao có ích cho người dân là được. Nhưng khi cần báo cáo để giới thiệu là gương điển hình nhằm lan tỏa tinh thần đó thì rất vất vả mới kể ra được những việc mình đã làm, số lượng, khối lượng cụ thể ra sao… Vì nhiều người làm là vì dân không phải vì mình, không phải để phô trương hay báo cáo!

Nhưng cũng có một số người hay dùng những từ rất “kêu”, “chữ nghĩa rổn rảng”, rất sách vở để nói về những công việc cần cụ thể, sát thực tiễn. Như mấy ngày qua, clip Thủ tướng Chính phủ phê bình lãnh đạo một số địa phương không nắm chắc tình hình dịch trên địa bàn và chỉ nói trong văn bản, chủ trương là một trong những thí dụ về điều này. Hay trường hợp cán bộ viết báo cáo thì chữ nghĩa rất nhiều, toàn “đại ngôn” nhưng đọng lại điều đã làm và làm được thế nào thì không đáng kể. Cũng có khi cán bộ trên bục phát biểu thì rất hay nhưng thực tế ở địa phương, đơn vị thì không phải như vậy. Trong bài viết “Nâng cao đạo đức cách mạng, quét sạch chủ nghĩa cá nhân” (tháng 2/1969), Bác Hồ đã nhấn mạnh đến 4 chữ: “Nói thì phải làm”. Trong chừng mực nào đó, có lẽ cũng cần nhắc các cán bộ, đảng viên “chỉ nói những điều đã thực sự làm”. Tức là trong “nói đi đôi với làm” phải được nâng lên một tầm mới là có làm thì mới nói, chứ không phải trích dẫn, sao chép rồi thành báo cáo.

Trong ứng xử với công việc, không phải mọi việc đều xử lý như nhau. Có những việc rất khẩn trương thì phải giải quyết nhanh chóng, kịp thời; có những việc cần có chiều sâu, không bị áp lực về thời gian thì có thể thư thả để nghiên cứu thấu đáo. Các công việc như đánh giặc, phòng chống lụt bão, phòng chống dịch, cứu hộ cứu nạn, cấp cứu người bệnh… thì phải thật khẩn trương, chậm một vài phút có thể đã có hậu quả khó lường. Nên chỉ là việc dự liên hoan mà đề công văn “Hỏa tốc”, Bác Hồ tuy không phê bình nhưng chỉ hai chữ “Thủy tốc” cũng đủ làm cán bộ cấp dưới thấm thía.

Thời gian qua, trong công tác phòng chống dịch Covid-19, hầu hết các địa phương đã thể hiện tinh thần khẩn trương, quyết liệt. Phương châm “Chống dịch như chống giặc” đối với nhiều cán bộ các cấp có thể không phải một khẩu hiệu mà là một định hướng hành động cụ thể với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị. Đông đảo cán bộ tuyến đầu đã nhiều tháng không về nhà; nhiều cán bộ lãnh đạo ở cơ sở lấy trụ sở cơ quan làm nhà, xem người dân là thân nhân, lấy việc chăm lo cho dân là bổn phận trên hết…; các chiến sĩ lực lượng vũ trang gần như “cấm trại”, các liên lạc với người thân gần như chỉ còn qua điện thoại… Trong những nhiệm vụ của các lực lượng này, có khi phải tranh thủ từng giây phút và không kịp suy tính hơn thiệt cho bản thân nữa.

Công an Quận 8 tặng quà đến người dân trên địa bàn. (Ảnh: Congan.com.vn) Công an Quận 8 tặng quà đến người dân trên địa bàn. (Ảnh: Congan.com.vn)

Tuy nhiên, đây đó, vẫn có những cán bộ, kể cả cán bộ lãnh đạo, còn chưa xem trọng đúng mức tính chất “chống dịch như chống giặc” trong cuộc chiến chống Covid-19. Đó là các biểu hiện còn chủ quan với diễn biến của dịch bệnh, nắm chưa chắc tình hình dịch trên địa bàn, không có những kế hoạch ứng phó hợp lý đối với từng trường hợp cụ thể, không kịp thời chấn chỉnh các chậm trễ, thiếu sót của cán bộ cấp dưới trong công tác phòng chống dịch… Đó là không nắm chắc các quy định của Chính phủ, của Bộ Y tế, của cấp trên về phòng chống dịch và các công việc có liên quan, hoặc vận dụng thiếu linh hoạt, phụ hợp theo đặc thù, điều kiện của địa phương, đơn vị. Đó còn là việc chưa quan tâm đầy đủ đến việc chăm lo cho người dân, nhất là những người bị nhiễm bệnh, những người đang ở khu vực cách ly, phong tỏa, người yếu thế bị tác động bởi dịch… Đã có một số trường hợp bị Thủ tướng Chính phủ phê bình trong các cuộc họp, một số trường hợp khác đã được thuyển chuyển công tác hoặc phải kiểm điểm, giải trình do những thiếu sót do trong thực hiện công tác này…

Suy cho cùng, trong ứng xử với công việc, khi cán bộ, đảng viên, nhất là lãnh đạo các cấp, luôn đặt mục tiêu giải quyết công việc vì lợi ích của nhân dân lên trên hết thì tự khắc sẽ có cách ứng xử phù hợp. Trái lại, khi ứng xử với công việc chỉ vì để vừa lòng cấp trên, vì thành tích của bản thân, vì để đối phó với truyền thông, vì để tạo ấn tượng với nhân dân (một cách nhất thời, giả tạo)… thì có thể sẽ có nhiều cách ngụy tạo, bằng cách cố tạo ra những mô hình mang tính bề nổi, có những phát biểu gây chú ý, “sáng tạo” những báo cáo “đẹp”…

Do đó, để giải quyết những công việc mang tính khẩn trương thì nhất định phải có tinh thần “hỏa tốc”, chứ không thể đem thái độ “thủy tốc” ứng phó với những việc “nước đã đến chân”!

Vân Tâm


Ý kiến bạn đọc

refresh
 

Tổng lượt bình luận

Tin khác

Thông báo