Thứ Năm, ngày 28 tháng 3 năm 2024

Một kỳ liên hoan cải lương dồi dào sức trẻ

Các nghệ sĩ nhận huy chương vàng cá nhân tại Liên hoan Cải lương toàn quốc 2018.

(Thanhuytphcm.vn) - Sau nửa tháng tranh tài sôi nổi, Liên hoan Cải lương toàn quốc 2018 diễn ra tại TP Tân An, tỉnh Long An đã chính thức khép lại vào đêm 19/9 với 6 huy chương vàng được trao cho các vở diễn: Chiếc áo thiên nga (Nhà hát Cải lương Việt Nam), Kiếp tằm (Đoàn Nghệ thuật Quảng Ninh), Tổ quốc nơi cuối con đường (Nhà hát Thế giới trẻ - Đại học Sân khấu Điện ảnh TPHCM), Hiu hiu gió bấc (Nhà hát Cải lương Trần Hữu Trang), Cuộc đời của mẹ (Đoàn Cải lương Long An), Bão táp một vương triều (Nhà hát Nghệ thuật Truyền thống Đồng Nai).

Ở giải cá nhân, có 49 huy chương vàng, trong đó có nhiều tên tuổi nổi bật như: NSND Thanh Hương, NSƯT Kim Tử Long, NSƯT Tấn Giao, NSƯT Phượng Loan, NSƯT Lê Tứ, NSƯT Hoa Phượng, NSƯT Vũ Luân, NSƯT Mỹ Hằng, NSƯT Hồ Ngọc Trinh, NSƯT Nhơn Hậu, NSƯT Mạnh Hùng, NSƯT Trọng Phúc, NSƯT Đào Vũ Thanh, các nghệ sĩ Trinh Trinh, Võ Minh Lâm, Điền Trung, Lê Thanh Thảo, Thy Phương, Hoàng Khanh, Hồng Thủy, Hoàng Thị Thủy…

Ngoài 7 huy chương bạc cho các vở diễn, 66 huy chương bạc cho các nghệ sĩ, Ban Tổ chức còn trao các giải: “Tác giả xuất sắc” - đôi tác giả Hoàng Song Việt và Triệu Trung Kiên với vở Cuộc đời của mẹ (Đoàn Cải lương Long An); “Đạo diễn xuất sắc” - đạo diễn Hoàng Quỳnh Mai với vở Chiếc áo thiên nga (Nhà hát Cải lương Việt Nam); “Nhạc sĩ xuất sắc” - nhạc sĩ Minh Tâm với vở Hiu Hiu gió bấc (Nhà hát Cải lương Trần Hữu Trang); “Họa sĩ xuất sắc” - họa sĩ Trần Hồng Vân với vở Tình yêu thời chiến (Nhà hát Cải lương Trần Hữu Trang).

Diễn ra từ ngày 5 đến 19/9, Liên hoan Cải lương toàn quốc 2018 quy tụ khoảng 1.500 diễn viên từ 25 đơn vị nghệ thuật trên cả nước (8 đơn vị xã hội hóa) với 32 vở diễn đủ đề tài: chiến tranh cách mạng, lịch sử, dân gian, tâm lý xã hội, gia đình, biển đảo và cả xây dựng Đảng, thời kỳ đổi mới, nông thôn mới và chống tham nhũng. Điểm sáng nổi bật của Liên hoan năm nay là sự xuất hiện của các diễn viên trẻ đầy tiềm năng với chất giọng phong phú, sắc vóc sân khấu sáng đẹp. Các đơn vị từ Bắc chí Nam đều có sự đầu tư cho thế hệ kế thừa, nhiều nghệ sĩ gạo cội sẵn sàng lùi lại hỗ trợ các nghệ sĩ trẻ tỏa sáng.

Tiết mục Dạ cổ hoài lang bế mạc Liên hoan Cải lương toàn quốc 2018. Tiết mục Dạ cổ hoài lang bế mạc Liên hoan Cải lương toàn quốc 2018.

Phát biểu tổng kết Liên hoan, NSƯT Lê Chức, Chủ tịch Hội đồng nghệ thuật, khẳng định sự cố gắng lớn lao, đáng trân trọng để có cuộc hội nghề đông đảo, ý nghĩa của 17 đơn vị cải lương công lập và 8 đơn vị xã hội hóa trong năm kỷ niệm 100 năm sân khấu cải lương (1918 - 2018). Bên cạnh sự nghiêm túc, hoành tráng, chuyên nghiệp trong đầu tư, dàn dựng, công tác tổ chức biểu diễn của các tác phẩm dự Liên hoan, vẫn còn đó nhiều băn khoăn, trăn trở. Vẫn chưa có nhiều kịch bản mới sáng tác hoặc viết riêng cho loại hình cải lương, vẫn nhờ vào kịch bản văn học chuyển thể hoặc tác phẩm phục dựng. Những kịch bản lớn xứng tầm tư tưởng thời đại còn thiếu vắng. Các nhân vật chuyển biến tâm lý còn thiếu hợp lý, gượng ép, một số ca từ, lời thoại thiếu nhạy cảm chính trị tạo băn khoăn cho người xem. Đề tài lịch sử chiến tranh cách mạng vẫn cần được trân quý hơn và có cách tiếp cận khoa học hơn để có thể đến gần khán giả nhiều hơn. Đặc biệt, cần nhiều và cấp thiết lực lượng đạo diễn với kiến thức chuyên ngành, có tư duy đổi mới, cách tân…

Dịp này, UBND tỉnh Long An và Hội Nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam tặng Bằng khen cho 25 đơn vị nghệ thuật dự Liên hoan. Đặc biệt, 8 đơn vị xã hội hóa và 4 nghệ sĩ nhí được nhận hỗ trợ kinh phí nâng cao chất lượng vở diễn và vai diễn của Hội Nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam.

Ngọc Tuyết

Ý kiến bạn đọc

refresh
 

Tổng lượt bình luận

Tin khác

Thông báo