Luật quy định, mức đóng BHYT được xác định theo tỷ lệ phần trăm của tiền lương làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc theo quy định của Luật Bảo hiểm xã hội, tiền lương hưu, tiền trợ cấp hoặc mức tham chiếu. Cơ quan bảo hiểm xã hội có chức năng thực hiện chế độ, chính sách, pháp luật về BHYT, quản lý và sử dụng quỹ bảo hiểm y tế.
Theo luật, thẻ BHYT có mã số BHYT được cấp cho người tham gia BHYT và làm căn cứ để được hưởng các quyền lợi về BHYT theo quy định của Luật này. Thẻ BHYT được cấp bằng bản điện tử, bản giấy và có giá trị pháp lý như nhau. Luật giảm thời gian cấp thẻ BHYT từ 10 ngày xuống 5 ngày làm việc; thời gian thông báo thẻ BHYT từ 5 ngày xuống 3 ngày làm việc.
Người tham gia BHYT được quỹ BHYT thanh toán các chi phí sau đây: khám bệnh, chữa bệnh, bao gồm cả khám bệnh, chữa bệnh từ xa, hỗ trợ khám bệnh, chữa bệnh từ xa, khám bệnh, chữa bệnh y học gia đình, khám bệnh, chữa bệnh tại nhà, phục hồi chức năng, khám thai định kỳ, sinh con; vận chuyển người bệnh đối với đối tượng quy định trong trường hợp cấp cứu hoặc khi đang điều trị nội trú phải chuyển cơ sở khám bệnh, chữa bệnh theo quy định; chi phí cho sử dụng dịch vụ kỹ thuật y tế, thuốc, thiết bị y tế, máu, chế phẩm máu, khí y tế, vật tư, dụng cụ, công cụ, hóa chất sử dụng trong khám bệnh, chữa bệnh thuộc phạm vi thanh toán của quỹ BHYT.
Về đối tượng tham gia BHYT, mức đóng và trách nhiệm đóng BHYT, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật theo hướng giữ nguyên các đối tượng được quy định tại Luật hiện hành; bổ sung các đối tượng đã được Luật khác quy định, bổ sung đối tượng nhân viên y tế thôn bản, cô đỡ thôn bản để động viên, khích lệ và có chính sách thoả đáng với đối tượng chăm sóc sức khỏe nhân dân ở vùng sâu, vùng xa và công bằng với đối tượng khác ở tổ dân phố; giao Chính phủ quy định các đối tượng phát sinh khác sau khi báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội để khi thực hiện ổn định và có đánh giá toàn diện sẽ nghiên cứu bổ sung khi sửa đổi toàn diện Luật.
Đối tượng học sinh, sinh viên tiếp tục tham gia theo nhóm đối tượng được ngân sách nhà nước hỗ trợ để đảm bảo tính ổn định khi tham gia BHYT của nhóm đối tượng này. Chính phủ và chính quyền địa phương sớm nghiên cứu tăng mức hỗ trợ cho đối tượng học sinh, sinh viên; các cơ quan chức năng khắc phục các bất cập hiện nay trong công tác tổ chức triển khai thực hiện thu BHYT học sinh, sinh viên.
Một trong những nhóm điểm mới cơ bản của Luật là quy định mức hưởng BHYT khi thực hiện thông cấp khám bệnh, chữa bệnh BHYT theo hướng không phân biệt địa giới hành chính, giữ ổn định tỷ lệ mức hưởng BHYT theo quy định của Luật hiện hành và mở rộng với một số trường hợp; trong đó, có một số trường hợp bệnh hiếm, bệnh hiểm nghèo... được lên thẳng cơ sở khám bệnh, chữa bệnh cấp chuyên sâu; mở rộng một số phạm vi quyền lợi cho người có thẻ BHYT, trong đó có điều trị lác, tật khúc xạ của mắt cho người dưới 18 tuổi; quy định trường hợp mắc bệnh mãn tính chuyển về y tế cơ sở để quản lý trong một số trường hợp để phát huy vai trò của y tế cơ sở.
Cũng trong chiều 27/11, Quốc hội đã biểu quyết thông qua Nghị quyết về chủ trương đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia phòng, chống ma túy đến năm 2030. Theo đó, Quốc hội quyết nghị, phê duyệt chủ trương đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia phòng, chống ma túy đến năm 2030. Phạm vi thực hiện Chương trình là trên phạm vi cả nước. Thời gian thực hiện Chương trình từ năm 2025 đến hết năm 2030.
Tổng vốn thực hiện Chương trình tối thiểu là 22.450,194 tỷ đồng. Trong đó, vốn ngân sách trung ương tối thiểu 17.725,657 tỷ đồng; vốn ngân sách địa phương 4.674,537 tỷ; vốn huy động hợp pháp khác tối thiểu 50 tỷ đồng.
Quốc hội chiều 27/11 Quốc hội đề ra chỉ tiêu hàng năm, giảm số người nghiện ma túy, người sử dụng trái phép chất ma túy; phấn đấu đến năm 2030 đạt ít nhất 50% số xã, phường, thị trấn trên toàn quốc không ma túy. Phấn đấu 100% các điểm, tụ điểm phức tạp về ma túy, điểm nguy cơ, đối tượng bán lẻ về ma túy và 100% diện tích trồng trái phép cây có chứa chất ma túy được phát hiện và triệt phá. Trên 80% các đơn vị và cán bộ, chiến sĩ lực lượng chuyên trách phòng, chống tội phạm về ma túy thuộc Bộ đội biên phòng và Cảnh sát biển được trang bị vũ khí, công cụ hỗ trợ, phương tiện kỹ thuật nghiệp vụ hiện đại, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ phòng, chống tội phạm ma túy.
Hàng năm, số vụ phạm tội về ma túy được phát hiện, bắt giữ tại khu vực biên giới đường bộ, tuyến đường biển, đường hàng không, chuyển phát nhanh tăng trên 3%; số vụ phạm tội về ma túy có tổ chức xuyên quốc gia được phát hiện, bắt giữ tăng trên 3%; số vụ phạm tội lợi dụng không gian mạng được phát hiện, triệt phá tăng trên 5%.
Trên 80% số trạm y tế cấp xã trên toàn quốc và 100% cơ sở thực hiện cai nghiện ma túy công lập đủ điều kiện xác định tình trạng nghiện. Phấn đấu trợ giúp pháp lý cho 100% số người vi phạm pháp luật liên quan đến ma túy, người sử dụng trái phép chất ma túy, người nghiện ma túy và người sau cai nghiện ma túy thuộc diện trợ giúp pháp lý khi có yêu cầu.
Bảo đảm cơ sở vật chất và duy trì điều trị cho ít nhất 50.000 người nghiện các chất dạng thuốc phiện; trên 90% người nghiện ma túy, người sử dụng trái phép chất ma túy, người cai nghiện ma túy, người tham gia điều trị nghiện ma túy, người sau cai nghiện ma túy được tư vấn, hỗ trợ và can thiệp về y tế, tâm lý.
Quốc hội giao Chính phủ báo cáo Quốc hội kết quả thực hiện Chương trình hai năm một lần.