Thứ Tư, ngày 13 tháng 11 năm 2024

Nâng mức hỗ trợ xóa nhà tạm, nhà dột nát từ 50 triệu đồng lên 60 triệu đồng/căn

Thủ tướng Phạm Minh Chính, Trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương chủ trì cuộc họp triển khai xóa nhà tạm, nhà dột nát trên phạm vi cả nước

(Thanhuytphcm.vn) – Ngày 10/11, Thủ tướng Phạm Minh Chính, Trưởng Ban chỉ đạo Trung ương triển khai xóa nhà tạm, nhà dột nát trên phạm vi cả nước (BCĐ) chủ trì phiên họp thứ nhất của BCĐ.

Với sự quan tâm đặc biệt của Đảng, Nhà nước và sự vào cuộc của các bộ, ngành, các địa phương, sự tham gia tích cực của các tổ chức, cộng đồng dân cư, doanh nghiệp và nhân dân, trong thời gian qua, chúng ta đã giúp cho khoảng 340.000 hộ người có công với cách mạng và trên 800.000 hộ nghèo, hộ cận nghèo khó khăn về nhà ở có chỗ ở ổn định, an toàn, vươn lên thoát nghèo bền vững.

Tuy nhiên, đến nay cả nước còn khoảng trên 315.000 hộ có khó khăn về nhà ở (khoảng 106.000 hộ người có công, 46.000 hộ thuộc chương trình mục tiêu quốc gia và 153.000 hộ nghèo, hộ cận nghèo khác) cần được hỗ trợ để cải thiện ngôi nhà bảo đảm an toàn, ổn định để "an cư, lạc nghiệp", góp phần thực hiện chính sách ưu đãi đối với người có công, hoàn thành mục tiêu giảm nghèo bền vững, bảo đảm an sinh xã hội.

Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội cho biết, cả nước còn khoảng 106.000 hộ người có công khó khăn về nhà ở. Tổng kinh phí dự kiến khoảng trên 4.000 tỷ đồng (mức hỗ trợ xây mới là 60 triệu đồng, mức hỗ trợ sửa chữa là 30 triệu đồng). Thường trực Chính phủ đã họp về chính sách hỗ trợ xây dựng mới hoặc cải tạo, sửa chữa nhà ở đối với người có công với cách mạng, thân nhân liệt sĩ và tỉ lệ phân bổ vốn hỗ trợ từ ngân sách Trung ương, tỷ lệ đối ứng vốn hỗ trợ từ ngân sách địa phương. Bộ Xây dựng đang hoàn thiện hồ sơ trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt theo quy định.

Về hỗ trợ nhà ở từ 2 chương trình mục tiêu quốc gia, ước đến hết năm 2024, tổng số hộ được hỗ trợ nhà ở từ Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững là 60.040 hộ (ngân sách Trung ương đã bố trí hơn 2.300 tỷ đồng).

Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội đề xuất bố trí kinh phí năm 2025 nguồn ngân sách Trung ương là hơn 1.266 tỷ đồng để xây mới và sửa chữa khoảng gần 40.000 căn còn lại…

Tại cuộc họp, Thủ tướng Phạm Minh Chính nêu rõ, để thiết thực chào mừng kỷ niệm 95 năm ngày thành lập Đảng, 80 năm ngày thành lập nước, 50 năm Ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, 135 năm ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh kính yêu và chào mừng Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIV, chúng ta quyết tâm phấn đấu thực hiện bằng được mục tiêu: hoàn thành xóa nhà tạm, nhà dột nát trên phạm vi cả nước trong năm 2025, sớm hơn 5 năm so với mục tiêu ban đầu đề ra.

Theo Thủ tướng, đây là công việc chung của cả hệ thống chính trị, cần phát huy sức mạnh của nhân dân, với cách tiếp cận toàn dân, toàn diện. Do đó, cần thành lập BCĐ xuyên suốt từ Trung ương đến cấp xã, bám dân, bám cơ sở, Trung ương không làm thay tỉnh, tỉnh không làm thay huyện, huyện không làm thay xã; phát huy trách nhiệm của các bộ, ngành, địa phương, MTTQ Việt Nam, các cấp, các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân, hộ gia đình được hỗ trợ, tất cả phải chủ động, tích cực, không trông chờ, ỷ lại.

Đồng thời, cộng đồng, dòng họ, người thân… phải giúp đỡ, phát huy tinh thần "tương thân, tương ái", "tình đồng chí, nghĩa đồng bào", "lá lành đùm lá rách", "lá rách ít đùm lá rách nhiều", "ai có gì giúp nấy, ai có công góp công, ai có của góp của, ai có nhiều góp nhiều, ai có ít góp ít".

Thủ tướng nêu rõ, chính sách của Đảng, Nhà nước là chú trọng công tác bảo đảm an sinh xã hội, không hy sinh tiến bộ và công bằng xã hội, môi trường để chạy theo tăng trưởng kinh tế đơn thuần. Mục tiêu cao nhất của Đảng là độc lập dân tộc, chủ quyền đất nước, cuộc sống ấm no, hạnh phúc cho nhân dân. Do đó, việc xóa nhà tạm, nhà dột nát là việc làm mang tính nhân văn cao cả, là trách nhiệm của cấp ủy, chính quyền các cấp, đòi hỏi trách nhiệm, tâm huyết của cán bộ, đảng viên.

Thủ tướng yêu cầu thành lập ban chỉ đạo tới cấp xã do bí thư cấp ủy đứng đầu, hoàn thành trước 30/11, họp ban chỉ đạo hàng tháng để rà soát, kiểm tra, đôn đốc công việc.

Về phương châm, trách nhiệm của địa phương trong việc huy động hỗ trợ, giải quyết số hộ phát sinh, Thủ tướng chỉ rõ đây là trách nhiệm của địa phương, cần đề cao tinh thần tự lực, tự cường, chủ động, sáng tạo, nỗ lực vận động nguồn lực thực hiện, không ỷ lại vào Trung ương.

Về một số vấn đề cụ thể liên quan tới đất đai, kinh phí, nhân công, nguyên vật liệu, Thủ tướng nêu rõ nguyên tắc lãnh đạo, chỉ đạo xuyên suốt, đầy đủ từ Trung ương đến địa phương, địa phương tổ chức thực hiện sáng tạo, vận dụng linh hoạt các quy định, đặc biệt là cấp xã; bám dân, bám cơ sở, Trung ương không làm thay tỉnh, tỉnh không làm thay huyện, huyện không làm thay xã.

Về đất đai, nguyên tắc là không có tranh chấp và công việc thuộc thẩm quyền của cấp nào thì cấp đó giải quyết; đa dạng hóa nguồn lực, nhân công (gồm cả lực lượng quân đội, công an), kêu gọi sự hỗ trợ của cộng đồng, dòng họ… và sử dụng hiệu quả nhất.

Thủ tướng thống nhất từ ngày 10/11/2024, nâng mức hỗ trợ xóa nhà tạm, nhà dột nát lên 60 triệu đồng/căn nhà xây mới (hiện là 50 triệu đồng) và 30 triệu đồng/căn nhà sửa chữa (hiện là 25 triệu đồng); cùng với ngân sách nhà nước thì cần khuyến khích các hình thức xã hội hoá.

Thủ tướng giao Bộ Tài chính chủ trì đề xuất, bố trí, hướng dẫn về ngân sách nhà nước; yêu cầu việc sử dụng kinh phí từ nguồn tiết kiệm 5% chi ngân sách nhà nước, kinh phí hỗ trợ nhà ở từ 2 chương trình mục tiêu quốc gia phải bảo đảm thuận lợi, nhanh chóng, xóa cơ chế "xin-cho", chống thất thoát, lãng phí, tiêu cực.

Trung Kiên


Ý kiến bạn đọc

refresh
 

Tổng lượt bình luận

Tin khác

Thông báo