Cử tri TPHCM tham gia chương trình (Thanhuytphcm.vn) - Sáng 6/10, HĐND TPHCM phối hợp Đài Truyền hình TPHCM, Sở Thông tin và Truyền thông TPHCM tổ chức chương trình “Dân hỏi – Chính quyền trả lời” số tháng 10 với chủ đề “An toàn thực phẩm (ATTP) – Sức khỏe cộng đồng”.
Trao đổi về thực phẩm bẩn, Phó Giám đốc Sở Công thương TP Lê Huỳnh Minh Tú cho rằng, ngay khi phát hiện thực phẩm bẩn, dù là sản phẩm gia đình mua hoặc hàng xóm, láng giềng mình mua, hoặc sản phẩm đang bày bán, đang đóng gói…; việc đầu tiên và quan trọng nhất là rất mong cử tri phản ánh ngay cho cơ quan chức năng gần nhất; có thể UBND phường, hay Công an khu vực, tổ trưởng dân phố… hoặc cử tri có thể gọi đường dây nóng 18006838, hoặc phản ánh ngay trên ứng dụng VNeID.
Theo đồng chí Lê Huỳnh Minh Tú, việc phản ánh kịp thời, không chỉ là bảo vệ quyền lợi cho mình và gia đình mà còn giúp cơ quan chức năng kịp thời kiểm tra, xử lý, ngăn chặn sản phẩm bẩn lưu hành trên thị trường. Song song đó, cử tri có quyền trực tiếp yêu cầu doanh nghiệp sản xuất, người kinh doanh phải có nghĩa vụ bảo vệ quyền lợi theo quy định của pháp luật.
Một cách thức khác, cử tri có thể yêu cầu tổ chức bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng thay mặt mình đứng ra bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp theo quy định của pháp luật; có thể khiếu nại, tố cáo hoặc khởi kiện theo quy định của pháp luật.
Quang cảnh chương trình “Dân hỏi – Chính quyền trả lời” số tháng 10 với chủ đề “An toàn thực phẩm – Sức khỏe cộng đồng”. “Tùy theo tính chất, mức độ vi phạm, những cá nhân, doanh nghiệp vi phạm pháp luật về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng có thể bị xử phạt vi phạm hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự hoặc nếu gây thiệt hại, phải bồi thường theo quy định của pháp luật.”- đồng chí Lê Huỳnh Minh Tú nhấn mạnh.
Trả lời về ngộ độc thực phẩm là do ăn, uống phải thức ăn, nước uống bị nhiễm khuẩn, nhiễm độc, Phó Trưởng phòng Nghiệp vụ - Sở Y tế Vũ Quỳnh Hoa cho rằng, triệu chứng thường gặp là đau bụng, nôn ói, tiêu chảy, có thể bị sốt… Nghi ngờ bị ngộ độc thực phẩm… cần phải đến bệnh viện ngay để được điều trị và theo dõi. Lưu ý, không tự ý sử dụng thuốc cầm tiêu chảy, thuốc chống nôn, thuốc kháng sinh khi chưa có chỉ định của bác sĩ, mà phải chủ động bù nước và điện giải. Bệnh có thể gây nguy hại đến sức khỏe, có thể tính mạng con người nếu không được điều trị đúng và kịp thời.
Để chủ động phát hiện, xử lý kịp thời các trường hợp ngộ độc thực phẩm trên địa bàn TP, đồng chí Vũ Quỳnh Hoa cho biết, Sở Y tế đã xây dựng quy trình giám sát và xử lý các trường hợp ngộ độc thực phẩm trên địa bàn TP và triển khai đến các đơn vị liên quan, cụ thể như sau: Đối với các bệnh viện, khi phát hiện ca bệnh nghi ngờ ngộ độc thực phẩm, bệnh viện sẽ đánh giá nhanh tình hình và khả năng đáp ứng điều trị của đơn vị, huy động nhân sự tại chỗ tham gia công tác tiếp nhận, cấp cứu và điều trị. Thực hiện hội chẩn chuyên gia của các bệnh viện tuyến cuối để chẩn đoán và điều trị cho người bệnh, chuyển viện an toàn đối với các trường hợp vượt quá khả năng điều trị. Báo cáo Sở Y tế hoặc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP (HCDC). Đồng thời, thực hiện lấy mẫu bệnh phẩm để gửi đi xét nghiệm xác định nguyên nhân gây bệnh.
Phó Giám đốc Sở Công thương TP Lê Huỳnh Minh Tú (bên phải) trao đổi tại chương trình Đối với HCDC, tiếp nhận báo cáo các trường hợp nghi ngờ ngộ độc thực phẩm của các bệnh viện. Phối hợp cùng Trung tâm Y tế, Trạm Y tế xác minh thông tin, điều tra dịch tễ theo quy định của Bộ Y tế. Báo cáo nhanh kết quả điều tra, xác minh về Sở Y tế và Sở ATTP để triển khai quy trình điều tra vụ ngộ độc thực phẩm theo quy định trong 24 giờ.
Đối với Trung tâm Y tế quận, huyện và TP Thủ Đức, khi phát hiện ca nghi ngờ ngộ độc thực phẩm trên địa bàn, phải báo ngay cho HCDC để tổ chức điều tra theo quy định Bộ Y tế. Cùng phối hợp xác minh thông tin và điều tra dịch tễ tại cộng đồng theo quy định Bộ Y tế. Giám sát xử lý, theo dõi diễn tiến vụ ngộ độc thực phẩm tại cộng đồng.