Các đại biểu tham gia tại talkshow “Làm sao để không rơi vào cạm bẫy tín dụng đen?”. (Thanhuytphcm.vn) - Ngày 7/12, Báo Người Lao Động tổ chức talkshow “Làm sao để không rơi vào cạm bẫy tín dụng đen?”. Chương trình được tổ chức nhằm giúp người dân nhận thức rõ hơn nguy hiểm của tín dụng đen; những tổ chức, đơn vị mà người dân cần liên hệ khi có nhu cầu vay tiền...
Tại chương trình, các ý kiến nhấn mạnh đến việc ngăn chặn và đẩy lùi tín dụng đen là một yêu cầu cấp thiết hiện nay của các cấp, các ngành, nhằm lành mạnh hóa thị trường tín dụng, ổn định cuộc sống của người dân, giữ gìn an ninh, trật tự.
Trưởng Phòng Thực hành quyền công tố, kiểm sát xét xử phúc thẩm hình sự Viện kiểm sát Nhân dân TPHCM Vũ Thị Xuân Nhuệ cho biết, tín dụng đen trong những năm gần đây hoạt động phức tạp trên địa bàn TP. Nhiều trường hợp đòi nợ, tạt sơn, tạt chất bẩn vào nhà con nợ hoặc những người thân của họ... đã xảy ra gây ảnh hưởng đến trật tự xã hội.
Cùng về nội dung này, Phó Chủ tịch Công đoàn các Khu chế xuất – công nghệ TPHCM Lâm Ngọc Mẫn nêu thực trạng, tín dụng đen đã len lỏi vào công nhân lao động tại một số khu công nghiệp, khu chế xuất; tập trung vào những công nhân có khó khăn đột xuất, không chú ý lãi suất của tín dụng đen dẫn đến lãi chồng lãi.
Tiến sĩ Nguyễn Hoàng Vĩnh Lộc, Trưởng Bộ môn nghiệp vụ ngân hàng thương mại, Trường Đại học Ngân hàng đã nhấn mạnh đến một vài biểu hiện có thể nhận dạng tín dụng đen; đồng thời cho biết, hoạt động tín dụng đen đưa ra các quảng cáo cho vay nhanh, không cần nhiều thủ tục, chỉ cần căn cước công dân, giấy tờ xe… và trong thời gian ngắn là giải ngân được dễ dàng. Nếu là tín dụng đen thì sẽ yêu cầu cung cấp thông tin về người thân hoặc cho phép truy cập vào danh bạ điện thoại, hình ảnh để sử dụng trái phép các thông tin nhằm xử lý nợ khi con nợ không trả được về sau này.
Các chuyên gia lưu ý, trong khi các ngân hàng, công ty tài chính được cấp phép thì lãi suất cho vay được niêm yết công khai tại trụ sở, với tín dụng đen, lãi suất thường được thể hiện thông qua mức lãi mà một người phải trả mỗi ngày. Nếu quy đổi thành lãi suất theo năm thì mức lãi suất có thể lên đến vài trăm %/năm.
Luật sư Vũ Phi Long, nguyên Phó Chánh tòa hình sự Tòa án nhân dân TPHCM cho biết Bộ luật Dân sự quy định lãi suất cho vay không được vượt quá 20 %/năm. Thế nhưng hầu hết các giao dịch cho vay liên quan đến tín dụng đen thì mức lãi suất có khi gấp 10 lần.
Đồng chí Vũ Thị Xuân Nhuệ khuyến cáo, để tránh thành nạn nhân của tín dụng đen, trước khi vay, người vay cần tìm hiểu xem pháp nhân đó có được quyền cho vay cũng như tính hợp pháp của việc cho vay.
Các chuyên gia đề xuất, cần tuyên truyền nâng cao ý thức của người dân về tín dụng đen, bẫy tín dụng đen, nhất là hệ lụy của nó gây ra. Đồng thời xử lý nghiêm minh các vụ việc do tín dụng đen gây ra. Các cơ quan chức năng tăng cường công tác quản lý hoạt động của các tổ chức, cá nhân hoạt động tín dụng núp dưới vỏ bọc "công ty, cửa hàng hỗ trợ tài chính" đang mọc ra phổ biến hiện nay.
Để hạn chế tình trạng tín dụng đen, Trưởng phòng quản lý tín dụng tổ chức tài chính vi mô CEP Lương Quốc Cường, đề nghị Ngân hàng nhà nước cần có cơ chế hỗ trợ ngân hàng và tổ chức tài chính khác đơn giản thủ tục cho người lao động, đặc biệt là người thu nhập thấp, giúp họ thuận lợi trong tiếp cận vốn, tránh mắc phải tín dụng đen.
Nhiều đại biểu đề xuất các ngân hàng, tổ chức tín dụng nhân dân cần mở rộng các khoản vay tín dụng tiêu dùng, có thêm nhiều các sản phẩm cho vay nhỏ, ngắn hạn. Cùng với đó là thực hiện tín dụng chính sách gắn với các chương trình xóa đói, giảm nghèo.Về lâu dài, cần sửa đổi, hoàn thiện hệ thống pháp luật liên quan đến hoạt động cho vay theo hướng chặt chẽ hơn; quy định chế tài xử lý về hình sự, hành chính cần nghiêm khắc hơn so với các quy định hiện hành.