Thứ Bảy, ngày 27 tháng 7 năm 2024

Nghề đan giỏ trạc ở xã Xuân Thới Sơn, huyện Hóc Môn

Bà Huỳnh Thị Tám - Chủ cơ sở sản xuất giỏ trạc ở Ấp 6, xã Xuân Thới Sơn, huyện Hóc Môn

(Thanhuytphcm.vn) - Cùng với làng nghề làm nhang (huyện Bình Chánh), làng bánh tráng Phú Hòa Đông (Củ Chi), làng lồng đèn Phú Bình (Quận 11)... thì làng nghề đan giỏ trạc ở xã Xuân Thới Sơn, huyện Hóc Môn là một trong những ngành nghề truyền thống nổi bật của TPHCM. Mặc dù hiện nay, nghề đan giỏ trạc đã giảm quy mô, không còn phát triển như trước đây, song, đến với xã Xuân Thới Sơn vào những ngày cận Tết Quý Mão 2023, chúng tôi cảm nhận không khí tất bật của làng nghề truyền thống nơi đây.

Theo lời ông Phùng Văn Ngọc, gần 70 tuổi, nghề này đã có từ lâu đời, gắn liền với lịch sử, văn hóa và quá trình định cư của người dân nơi đây. Trước đây, ở xã hầu như ai cũng biết đan giỏ trạc. Việc đan giỏ trạc đến với họ một cách tự nhiên, gần gũi như hoạt động trong đời sống sinh hoạt hằng ngày. Đặc điểm của nghề này là “cha truyền con nối”, nhưng không theo một nguyên tắc hay một quy định cụ thể nào. Họ có thể học từ những người thân trong gia đình, cũng có thể học từ bà con chòm xóm, rồi làm nhiều thành quen tay và cứ thế trở thành một người thợ đan lát. Bản thân ông Ngọc cũng đã làm nghề này khoảng 40 năm, từ đời cha của ông.

Những người lớn tuổi nơi đây cho biết, trước đây, bên cạnh nghề làm lúa nước thì nghề đan giỏ trạc cũng được xem là một nghề chính vì mang lại thu nhập chính. Ban đầu, người dân chỉ đan những sản phẩm đơn giản để đựng rau, củ, trái cây, cá, trứng... Về sau, do nhu cầu ngày một tăng cao, nên nhiều hộ đã nghiên cứu để sản xuất thêm các mặt hàng khác từ tre, trúc để làm ra giỏ hoa, đồ mỹ nghệ, các sản phẩm trang trí nội thất... mang tính thẩm mỹ. Nhưng sản phẩm đặc trưng, gắn bó lâu đời nhất với người dân vẫn là những loại giỏ trạc. Nhìn chiếc giỏ đơn giản là vậy, nhưng cũng phải trải qua rất nhiều công đoạn và nếu chưa tận mắt chứng kiến đôi bàn tay khéo léo của người thợ đan lát, thì khó mà hình dung được. Các công đoạn ấy bao gồm: Chẻ nang - Lách nang - Gày - Khoanh lên - Đương - Vô vành - Xỏ miệng.

Ông Phùng Văn Ngọc đã có khoảng 40 năm làm nghề đan giỏ trạc Ông Phùng Văn Ngọc đã có khoảng 40 năm làm nghề đan giỏ trạc

Như vậy, từ những nguyên liệu rất mộc mạc, đơn sơ, qua bàn tay khéo léo của nghệ nhân, đã biến thành những sản phẩm rất hữu ích cho cuộc sống của con người, trở thành một nét văn hóa, một ngành nghề đặc trưng, tiêu biểu mang lại thu nhập cao cho người dân ở xã Xuân Thới Sơn ít nhất cho đến đầu những năm 2000.

Theo những thông tin mà chúng tôi ghi nhận được, trước năm 1975, đa phần các hộ trong xã làm nghề này, sau đó lan ra một số hộ ở các xã lân cận. Cư dân ở đây vừa sản xuất nông nghiệp vừa đan giỏ trạc để tăng thêm thu nhập. Đến những năm sau 1975, các hộ sản xuất tập trung làm trong các hợp tác xã do nhà nước quản lý và gặp rất nhiều thuận lợi bởi thị trường tiêu thụ lúc này rộng lớn, có thể xuất khẩu sang các nước như Úc, Đài Loan (Trung Quốc). Thời đó, người dân không phải lo đến đầu vào và đầu ra cho sản phẩm nên các hộ đều yên tâm sản xuất.

Chẻ nang là công đoạn đầu tiên trong quy trình đan giỏ trạc Chẻ nang là công đoạn đầu tiên trong quy trình đan giỏ trạc

Từ những năm 1986-1995, sau khi hợp tác xã bị giải thể, các cơ sở tư nhân được thành lập đã đứng ra kinh doanh, tạo công ăn việc làm cho bà con trong xã. Tuy nhiên, sản lượng tiêu thụ đã không còn như trước do sự cạnh tranh của thị trường ngày càng lớn, các cơ sở này dần giải thể do chi phí mua nguyên vật liệu, thuê nhân công tăng nhưng giá bán sản phẩm thay đổi không đáng kể. Đặc biệt là từ khi ngành công nghiệp sản xuất bao bì nhựa phát triển, nhu cầu của người dân đối với những chiếc giỏ trạc đã không còn như trước bởi mẫu mã, giá cả, sự tiện lợi… khó cạnh tranh, vì thế mà ngành nghề này bắt đầu gặp khó khăn, thu hẹp và dần dần bị mai một. Hiện nay, những hộ còn theo nghề này rất ít, chủ yếu là những người tuổi trung niên trở lên, phụ nữ nội trợ, lao động nghèo, người thất nghiệp... họ tận dụng thời gian nhàn rỗi để kiếm thêm thu nhập.

Theo lời bà Huỳnh Thị Tám - Chủ cơ sở sản xuất giỏ trạc ở Ấp 6, sau 2 năm tạm dừng vì dịch bệnh Covid-19, đến nay, hoạt động giao thương đã buôn bán trở lại nhưng lượng tiêu thụ giỏ vẫn chưa thể phục hồi. Những người đan giỏ trạc vẫn đang cố bám trụ, níu giữ làng nghề, nhưng khó mà kéo dài được lâu. Mặc dù địa phương cũng giành nhiều quan tâm, hỗ trợ về vay vốn, máy móc và địa điểm đan lát, thế nhưng đến nay vẫn chưa có một định hướng kế hoạch cụ thể để làng nghề tiếp tục duy trì và phát triển.

Hiện nay, TPHCM có 19 làng nghề truyền thống. Dưới sự tác động của quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa nhanh chóng, nhiều làng nghề truyền thống của thành phố đang có nguy cơ mai một, cần được bảo tồn và phát triển. Xác định rõ vai trò, giá trị của những làng nghề này, từ ngày 17/7/2013, UBND TPHCM đã ban hành Quyết định số 3891/QĐ-UBND phê duyệt Đề án bảo tồn và phát triển làng nghề tại thành phố Hồ Chí Minh giai đoạn 2013-2015, định hướng đến năm 2020, trong đó giao UBND huyện Hóc Môn xây dựng và triển khai dự án bảo tồn và phát triển làng nghề đan giỏ trạc tại xã Xuân Thới Sơn, với mong muốn đây sẽ là cơ sở tạo đà phát triển cho ngành nghề này, góp phần bảo tồn giá trị văn hóa truyền thống của nghề đan giỏ trạc.

Và mới đây, ngày 26/10/2022, UBND TPHCM đã ban hành Công văn số 3939/UBND-KT, tiếp tục chỉ đạo triển khai thực hiện Chương trình bảo tồn và phát triển làng nghề Việt Nam giai đoạn 2021-2030 theo Quyết định số 801/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, nhằm bảo tồn và phát triển nghề, làng nghề góp phần gìn giữ và phát huy các giá trị, bản sắc văn hóa truyền thống của làng nghề, thúc đẩy phát triển sản xuất, nâng cao năng lực cạnh tranh, giá trị gia tăng cho các sản phẩm làng nghề; tạo việc làm, tăng thu nhập cho người dân; bảo vệ cảnh quan, không gian và môi trường, xây dựng các khu dân cư, làng văn hóa, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội nông thôn bền vững trên địa bàn Thành phố…

TPHCM là đô thị hiện đại với bề dày hơn 300 tuổi. Trong hơn ba thế kỷ hình thành và phát triển ấy, có sự góp phần không nhỏ của những làng nghề truyền thống, nơi mang đầy ắp những giá trị bản sắc văn hóa… Trong những ngày cuối năm Tết đến, ở khu vực các ấp 1, 3, 6 của xã Xuân Thới Sơn, huyện Hóc Môn, chúng tôi chứng kiến sự tất bật của những người thợ lớn tuổi nhưng vẫn thoăn thoắt đôi tay, cặm cụi chẻ nang, đan giỏ cho kịp những buổi chợ Tết cuối năm. Những đôi tay trần làm lụng lâu ngày cũng trở nên sần sùi, chai sạm nhưng dường như họ không muốn ngơi nghỉ, chỉ với mong muốn được góp thêm chút phong vị cho ngày Tết được nhộn nhịp, ấm áp hơn bởi những sản phẩm văn hóa truyền thống của làng nghề mình.

Anh Huy - Thái Hòa


Ý kiến bạn đọc

refresh
 

Tổng lượt bình luận

Tin khác

Thông báo