Thứ Sáu, ngày 20 tháng 12 năm 2024

Nhiều bị cáo khai làm theo chỉ đạo của ông Đinh La Thăng

Bị cáo Đinh La Thăng và các đồng phạm tại phiên tòa ngày 8/3

(Thanhuytphcm.vn) - Ngày 8/3, Tòa án Nhân dân TP Hà Nội mở lại phiên tòa xét xử sơ thẩm Vụ án “Vi phạm quy định về đầu tư công trình xây dựng gây hậu quả nghiêm trọng” xảy ra tại Dự án Nhà máy nhiên liệu sinh học (Ethanol Phú Thọ) đối với 12 bị cáo, trong đó có ông Đinh La Thăng và Trịnh Xuân Thanh. Phiên tòa có khoảng 30 luật sư tham gia bào chữa. Tòa triệu tập 6 giám định viên và 14 người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan vụ án. Trong khi đó, đại diện Công ty cổ phần hóa dầu và nhiên liệu sinh học dầu khí (PVB) có mặt tại phiên tòa với tư cách là nguyên đơn dân sự.

Chỉ định thầu trái quy định

Sau khi kiểm tra căn cước các bị cáo, một số luật sư tiếp tục đề nghị triệu tập thêm những người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan. Trong khi đó, đại diện Viện Kiểm sát nêu quan điểm, những người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan đều đã được lấy lời khai, do đó không ảnh hưởng tới quá trình xét xử vụ án, và đề nghị tòa tiếp tục phiên làm việc.

Sau ít phút hội ý, Hội đồng xét xử (HĐXX) sau đó đề nghị đại diện Viện Kiểm sát công bố bản cáo trạng đối với các hành vi của 12 bị cáo. Cáo trạng xác định, tháng 7/2007, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) có nghị quyết xây dựng đề án đầu tư Nhà máy sản xuất Ethanol nhiên liệu ở khu vực phía Bắc (tại huyện Tam Nông, tỉnh Phú Thọ). Đến năm 2009, PVB có hồ sơ mời thầu gói thầu TK05. Sau đó Tổng Công ty cổ phần xây lắp dầu khí Việt Nam (PVC) đã thành lập Liên danh PVC/Alfa Laval/Delta-T để nộp hồ sơ dự tuyển gói thầu trên. Mặc dù biết PVC chưa từng thực hiện dự án nào về lĩnh vực Ethanol, nhưng bị cáo Đinh La Thăng và Trần Thị Bình (lần lượt khi đó là Chủ tịch HĐQT và Phó Tổng Giám đốc PVN) đã chủ trì nhiều cuộc họp để định hướng, chỉ đạo PVB, PVC hoàn tất thủ tục chỉ định thầu và ký hợp đồng với Liên danh nhà thầu PVC/Alfa Laval/Delta-T.

Quá trình thực hiện, do Liên danh PVC/Alfa Laval/Delta-T không đủ năng lực nên Dự án Ethanol Phú Thọ liên tục bị chậm tiến độ. PVC sau đó cũng có báo cáo thừa nhận Liên danh PVC/Alfa Laval/Delta-T không đủ năng lực để thực hiện dự án. Hậu quả, từ hành vi làm trái các quy định của các bị cáo trong vụ án đã gây ra thiệt hại cho PVB tổng số tiền hơn 543 tỷ đồng.

Tại phiên tòa, cơ quan tố tụng còn chỉ ra việc lợi dụng chức vụ, quyền hạn là Chủ tịch HĐQT PVC có tỷ lệ góp vốn tại PVC Kinh Bắc, Trịnh Xuân Thanh đã bàn bạc với Đỗ Văn Hồng (cựu Chủ tịch HĐQT, kiêm Tổng Giám đốc PVC Kinh Bắc) về việc đầu tư mua 3.400m2 đất tại Thôn 1, Thị trấn Tam Đảo (huyện Tam Đảo, tỉnh Vĩnh Phúc) của Công ty cổ phần đầu tư và phát triển Công nghệ Mefrimex bằng tiền tạm ứng cho thực hiện dự án của PVC. Bị cáo Trịnh Xuân Thanh chỉ đạo cán bộ dưới quyền tại PVC cho PVC Kinh Bắc tạm ứng trái quy định 25 tỷ đồng. Theo đó, nhằm hợp thức việc cho tạm ứng và sử dụng tiền tạm ứng trái quy định, Trịnh Xuân Thanh và Đỗ Văn Hồng bàn bạc, thống nhất làm các thủ tục để chuyển 21 tỷ đồng tạm ứng thành tiền góp vốn điều lệ của PVC tại PVC Kinh Bắc, trái quy định của Luật Doanh nghiệp năm 2005 và Điều lệ tổ chức hoạt động của PVC, gây thiệt hại cho PVC hơn 13 tỷ đồng.

Với mục đích sở hữu 3.400m2 đất nêu trên, năm 2011, Trịnh Xuân Thanh thành lập Công ty TNHH đầu tư Mai Phương và yêu cầu Đỗ Văn Hồng ký hợp đồng chuyển nhượng khu đất trên cho Công ty Mai Phương với giá 23,8 tỷ đồng, nhưng chỉ thanh toán 20,8 tỷ đồng, hưởng lợi 3 tỷ đồng.

Nhiều bị cáo trả lời “không nhớ”

Đáng chú ý, trong phần xét hỏi các bị cáo về hành vi, động cơ phạm tội, các bị cáo được truy vấn đều khẳng định làm theo bút phê hoặc chỉ đạo của ông Đinh La Thăng (cựu Chủ tịch HĐQT PVN). Mặc dù thừa nhận làm theo chỉ đạo, nhưng phần lớn các bị cáo đều ấp úng trong việc khai nhận hành vi của mình và nói không nhớ rõ từng việc làm dẫn đến sai phạm. Để đảm bảo khách quan, HĐXX đề nghị cách ly bị cáo Đinh La Thăng và Trịnh Xuân Thanh khỏi phòng xử.

Trả lời HĐXX, bị cáo Khương Anh Tuấn, cựu Phó Trưởng phòng thương mại PVB cho hay, bản thân không được tham gia vào tổ giúp việc gói thầu TK05, bị cáo chỉ phụ trách phiên dịch tiếng Anh và tiếng Việt, việc này do công ty giao, nhưng không nhớ ai giao. “Bị cáo không có chút chuyên môn về xây dựng hay đấu thầu, chưa từng học khóa nào về việc này”, bị cáo Tuấn nói và khẳng định thêm, bản thân chỉ là nhân viên kinh doanh, không có chức năng quyền hạn trong việc chỉ định trúng thầu hay chỉ định thầu; việc lựa chọn là lãnh đạo cấp cao.

Khi được yêu cầu trả lời về động cơ, hành vi phạm tội khi biết gói thầu TK05 từ chủ trương đấu thầu rộng rãi lại chuyển sang chỉ định thầu, bị cáo Nguyễn Xuân Thủy, cựu Phó trưởng phòng, Phòng Đầu tư dự án PVB khai, đây là chủ trương cảu tập đoàn PVN. Nhưng chủ trương cụ thể của ai thì Thủy nói tại thời điểm xét xử mình không nhớ. Nhiều câu hỏi của HĐXX sau đó về mốc thời gian mà bị cáo ký các văn bản liên quan tới chỉ định thầu gói TK05, bị cáo khẳng định mình không hề nhớ.

Để làm rõ vấn đề chỉ định thầu, HĐXX tiếp tục yêu cầu cựu Tổng Giám đốc PVB Vũ Thanh Hà khai báo; theo đó, bị cáo nói việc lựa chọn nhà thầu bản thân không chắc chắn HĐQT có thẩm quyền hay không, trong khi bị cáo khẳng định mình vẫn đang là thành viên HĐQT. Tới khi phiên tòa diễn ra, Hà không nhớ rõ mình đã ban hành các văn bản nào. “Do có sự chỉ đạo trực tiếp của ông Đinh La Thăng, nên bị cáo nghĩ việc chỉ định thầu đã được tập đoàn quyết. Vì là Bí thư Chi bộ và Tổng Giám đốc, lúc đó bị cáo nghĩ trách nhiệm là thế, bởi đây là nhiệm vụ chính trị”, bị cáo Hà nói và khẳng định, các văn bản chỉ đạo liên quan bị cáo không thể nhớ được vì thời gian đã lâu.

Khẳng định thêm việc có chỉ đạo của ông Đinh La Thăng trong quá trình lựa chọn nhà thầu, bị cáo Trần Thị Bình cho biết, mặc dù biết tổ hợp PVC/Alfa Laval/Delta-T không đủ năng lực, nhưng theo chỉ đạo của ông Đinh La Thăng cùng với có sự tư vấn của các ban chuyên môn cho biết PVC chuyên xây lắp các công trình về dầu khí nên có khả năng thực hiện dự án nếu quyết tâm và nỗ lực thực hiện. Từ đó, trên cơ sở chỉ đạo của ông Đinh La Thăng, ngày 27/5/2009, bà Trần Thị Bình trực tiếp ký văn bản số 3839 về việc “Yêu cầu PVC có nghị quyết tự nguyện nhận thực hiện gói thầu theo hồ sơ của chủ đầu tư…” có giá trị 51,2 triệu USD.

Ngày 9/3, tòa tiếp tục làm rõ từng hành vi của các bị cáo, trong đó có ông Đinh La Thăng và Trịnh Xuân Thanh.

Như Quỳnh

Ý kiến bạn đọc

refresh
 

Tổng lượt bình luận

Tin khác

Thông báo