Chủ tịch Hiệp hội BĐS TPHCM Lê Hoàng Châu phát biểu tại tọa đàm (Thanhuytphcm.vn) - “Thị trường Bất động sản (BĐS) trong 9 tháng đầu năm 2024 đã có nhiều chuyển biến tích cực”… Đây là nhận định của các chuyên gia tại chương trình tọa đàm “Nhận diện thị trường BĐS cuối năm 2024 và đầu năm 2025” do Báo Người Lao động tổ chức vào sáng 10/10.
Đón nhận tín hiệu tích cực
Nhận định về thị trường BĐS, Chủ tịch Hiệp hội BĐS TPHCM Lê Hoàng Châu cho rằng, vừa qua, thị trường BĐS tại TPHCM đón nhận một số tín hiệu tích cực khi Cục Thuế TPHCM đã giải quyết xong 15.800 hồ sơ tồn đọng của các cá nhân và hộ gia đình. Bên cạnh đó, Cục Thuế cũng đang nỗ lực xử lý các hồ sơ phát sinh mới.
Cùng với đó, Chính phủ đã ký ban hành Nghị định 115/2024/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Đấu thầu về lựa chọn nhà đầu tư thực hiện dự án đầu tư có sử dụng đất. Trong đó, một điểm mới quan trọng là việc sửa đổi quy định về chấp thuận chủ trương đầu tư không còn bắt buộc phải quy hoạch theo tỷ lệ 1/500. Hiện nay, khoản 3 Điều 68 của Nghị định đã giải quyết vấn đề này.
Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng đã đưa vào dự thảo sửa đổi 4 luật nằm trong phạm vi quản lý, bao gồm Luật Quy hoạch, Luật Đầu tư, Luật Đấu thầu và Luật Đối tác công tư (PPP). Nghị định 115 cũng bổ sung sửa đổi điểm a, khoản 3, Điều 33 của Luật Đầu tư 2020 nhằm đảm bảo tính đồng bộ trong hệ thống pháp luật.
Tính đến nay, lượng các dự án gặp vướng mắc tại TPHCM ban đầu là hơn 148 dự án nhưng đến nay thành phố đã giải quyết được khoảng một phần ba số lượng dự án này ở các cấp độ khác nhau. Chẳng hạn, đã có những dự án được phép huy động vốn lên đến 50%. Mặc dù đây chưa phải là giải pháp triệt để, nhưng đã hỗ trợ rất nhiều cho các doanh nghiệp trong bối cảnh hiện nay.
Theo ông Võ Hồng Thắng, Phó Tổng Giám đốc Công ty DKRA Vietnam, thời gian gần đây, thị trường BĐS khu vực phía Nam đã có sự hồi phục nhất định. Trong quý III/2024, sản lượng tiêu thụ cũng tăng đáng kể ở phân khúc nhà ở vừa túi tiền, nhất là tại các tỉnh lân cận TPHCM như Bình Dương, mức giá dao động trên dưới 30 triệu đồng/m² chiếm tỉ lệ lớn trong tổng giao dịch. Thị trường căn hộ thứ cấp cũng sôi động với các dự án chung cư đã bàn giao, giá giao dịch tăng từ 5-9% so với cùng kỳ năm trước. Ông Thắng dự báo trong thời gian tới, với điều kiện kinh tế vĩ mô tích cực hơn, lãi suất cho vay hấp dẫn (chỉ 6-6,5%/năm), thị trường BĐS dự kiến sẽ tiếp tục đà hồi phục, đặc biệt là ở phân khúc căn hộ và nhà ở vừa túi tiền. Các sản phẩm như BĐS khu công nghiệp, đất nền tại các khu vực có đầy đủ tiện ích, pháp lý rõ ràng và đất thổ cư sẽ là điểm sáng tích cực thúc đẩy sự hồi phục của thị trường.
Ông Phạm Lâm, Phó Chủ tịch Hội Môi giới BĐS Việt Nam nhận định, có nhiều động lực quan trọng đang thúc đẩy thị trường BĐS trong thời gian tới. Về mặt chính sách, các bộ, ngành và địa phương đã triển khai nhiều quy định pháp luật một cách rõ ràng và minh bạch hơn. Tuy nhiên, để những quy định này thực sự đi vào thực tiễn, cần thêm thời gian. Còn về động lực về cơ sở hạ tầng, Chính phủ đang rất quyết liệt trong việc triển khai các dự án hạ tầng nhằm tạo động lực cho sự phát triển của cả nước. Sự phát triển hạ tầng đã hỗ trợ rất tốt cho thị trường BĐS nhà ở và BĐS khu công nghiệp. Cạnh đó là động lực về nguồn vốn, trong giai đoạn gần đây, đã có nhiều doanh nghiệp mới tham gia vào thị trường BĐS. Từ năm 2023 đến 2024, nguồn vốn mới đã đổ vào thị trường. Nhiều nhà đầu tư nước ngoài đã tham gia đầu tư vào các dự án lớn tại TPHCM và Bình Dương, thúc đẩy sự phát triển của cả thị trường. Một động lực quan trọng thúc đẩy sự hồi phục của thị trường BĐS đó là chính sách tín dụng. Nhiều ngân hàng có lãi suất cho vay hấp dẫn cho người mua nhà.
Tiến sĩ Tô Đình Tuân, Tổng Biên tập Báo Người Lao Động phát biểu tại tọa đàm Bảng giá đất mới được cân nhắc kỹ lưỡng
Ông Đào Quang Dương, Phó Phòng Kinh tế đất Sở Tài nguyên và Môi trường (TN-MT) TPHCM cho biết, hiện TPHCM đang hoàn thiện bảng giá đất. Sở TN-MT đã tổ chức cuộc họp với các sở, ngành và TP Thủ Đức để đánh giá toàn diện về bảng giá đất, tình hình kinh tế - xã hội, và các ngành nghề nhằm phân tích từng lĩnh vực cụ thể. Việc áp dụng bảng giá đất mới đang được cân nhắc kỹ lưỡng để đảm bảo mức thu hợp lý và phù hợp với từng lĩnh vực. Mục tiêu là khi bảng giá đất mới được ban hành sẽ giúp duy trì sự ổn định của nền kinh tế TPHCM và thúc đẩy sự phát triển bền vững của TP. Bảng giá đất hiện đang được hoàn thiện và sẽ tiếp tục trình Hội đồng trong thời gian tới.
Để bảo đảm bảng giá đất mới phù hợp với tình hình thực tế tại địa phương và triển khai hiệu quả hơn, Sở TN-MT đã phân tích, đánh giá từ năm 2011 đến giai đoạn Covid-19, và so sánh với hiện tại để xây dựng bảng giá đất phù hợp. Về thời hạn ban hành bảng giá đất mới trước ngày 15/10, các sở, ngành đang khẩn trương hoàn thiện và trình lại bảng giá đất điều chỉnh này.
Kết luận tọa đàm, Tiến sĩ Tô Đình Tuân, Tổng Biên tập Báo Người Lao Động cho biết, tọa đàm nhằm nhận diện thị trường BĐS cuối năm 2024 và đầu năm 2025, nhằm đóng góp tích cực vào quá trình khôi phục thị trường BĐS của TPHCM nói riêng và cả nước nói chung. Qua buổi tọa đàm, các ý kiến của đại biểu đều thống nhất rằng thị trường BĐS đã trải qua giai đoạn khó khăn chưa từng có, nhưng đã chạm đáy và đang dần phục hồi. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều thách thức đang đan xen.
Hiện tại, thị trường BĐS ở TPHCM và một số đô thị lớn trên cả nước đã có những dấu hiệu tích cực. Tuy nhiên, để phát triển mạnh mẽ hơn, cần thêm các yếu tố khác như ổn định kinh tế vĩ mô, tình hình xung đột địa chính trị khu vực Trung Đông lắng dịu và sự phục hồi lòng tin của khách hàng - yếu tố đã bị tổn thương nặng nề, cũng có ảnh hưởng nhất định đến tâm lý nhà đầu tư. Chủ trương chung của TPHCM và cả nước là từng bước tháo gỡ khó khăn cho thị trường BĐS, vì BĐS không chỉ là một ngành kinh tế quan trọng mà còn có tác động đến nhiều ngành nghề khác. Có hơn 20-30 ngành liên quan, từ xây dựng, vật liệu xây dựng, thiết kế, đến thi công... đều ảnh hưởng đến đời sống và việc làm của người lao động.