Cần có văn hóa ứng xử trên mạng xã hội. (Nguồn: Thanhuytphcm.vn) (Thanhuytphcm.vn) - Không ai có thể phủ nhận việc mạng xã hội phát triển đã thực sự trở thành phương tiện, môi trường lý tưởng để người người xích lại gần nhau hơn; tạo ra những cơ hội để gặp gỡ, kết nối và chia sẻ, từ đó làm phong phú thêm các mối quan hệ văn hóa, xã hội. Tuy nhiên, phải thẳng thắn nhìn nhận hiện nay đang tồn tại không ít những biểu hiện của việc lạm dụng mạng xã hội, dẫn đến những hành vi “lạ”, sốc, “khác người”… rồi cứ thế nó làm cho cộng đồng mạng dậy sóng, từ những cuộc tranh luận, cãi vã như thế được hình thành, tiếp diễn, không có điểm kết… đã vô tình gây bất ổn về trật tự xã hội. Vì vậy, trách nhiệm của mỗi cá nhân đối với mạng xã hội là vô cùng quan trọng.
Nguyên nhân sâu xa của vấn đề “đấu tố, cãi vã” này phải đi từ nhiều khía cạnh khác nhau, có thể từ khía cạnh văn hóa, pháp lý cũng như tâm lý xã hội trước sự hấp dẫn của mạng xã hội… Nhưng tựu chung lại, mấu chốt chủ yếu nằm ở cách thức ứng phó và giải quyết của những người trong cuộc khi phát sinh những mâu thuẫn, bất đồng quan điểm, quan niệm, tâm lý bức xúc về một vấn đề, sự kiện, hiện tượng xã hội theo những người trong cuộc tối ưu nhất vẫn là đưa nó lên bề mặt của mạng xã hội để dư luận cùng lên tiếng, phán xử, đặc biệt là những người nổi tiếng, những KOLs. Ở đó họ làm tốt nhất việc quảng bá hình ảnh, tên tuổi của mình mà hơn nữa có thể truyền tải nhanh nhất những quan điểm, suy nghĩ, bức xúc, để những thông điệp có thể lan ra xa hơn, tác động, thẩm thấu hơn.
Trong khi đó, “hội chứng” đám đông trên mạng xã hội được xem là một trong những yếu tố có tính thúc đẩy làm cho tính chất, mức độ trong các cuộc “cãi vã”, “đấu tố” lên đến cao trào. Trong trường hợp, nếu những nội dung, vấn đề người trong cuộc đưa ra liên tiếp nhận được lời ủng hộ, đồng tình, vô hình như tiếp thêm sức mạnh để những cuộc cãi vã, đấu tố, bốc phốt ấy được đẩy lên cao trào, và không sớm thì muộn, đến một lúc nào đó sự hoang tưởng, ngáo quyền lực trên mạng hình thành… Còn khi quan điểm của người trong cuộc vấp phải sự phản đối, thậm chí lên án của cộng đồng mạng thì họ “gân cổ” lên để biện minh, thậm chí sẵn sàng buông những lời cay nghiệt, những ngôn từ chua chát có tính chê bai, thách thức và coi khinh.
Có thể thấy rõ qua tần suất, thời lượng, sức nóng của những màn “drama”, cuộc đấu tố, cãi vã xuất hiện trên không gian mạng thời gian qua, dẫu biết có một vài trong số đó đã phần nào đưa những góc khuất của xã hội ra với ánh sáng của công luận. Tuy nhiên đa phần trong số đó chỉ mang lại những hiệu ứng tiêu cực, càng kéo dài, người trong cuộc như dần mất kiểm soát trong cử chỉ, hành động và phát ngôn của mình, ảo tưởng sức mạnh để rồi buông những cách hành xử, ngôn từ tục tĩu, thiếu văn hóa, thậm chí là lăng mạ, xúc phạm, hơn nữa là đe dọa… đối phương, ảnh hưởng xấu đến môi trường giao tiếp trên không gian mạng, vi phạm quy tắc ứng xử trên không gian mạng, gây dư luận xã hội tiêu cực.
Ở khía cạnh nào đó là những ảnh hưởng ấy đã vô tình góp phần định hướng, hình thành những cách nghĩ, hành vi lệch chuẩn trong cộng đồng mạng về các vấn đề của xã hội. Thậm chí không ít trường hợp người trong cuộc trong quá trình phát ngôn tự cho mình cái quyền đứng trên pháp luật, “vượt mặt” chính quyền đưa ra những nhận định, phán xét ngông cuồng, thách thức dư luận. Có trường hợp nếu xét ngay ra đã và đang xâm phạm nghiêm trọng đến lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của các tổ chức, công dân; kích động gây chia rẽ khối đại đoàn kết dân tộc.
Thực trạng đó nếu không có biện pháp chấn chỉnh, giảm thiểu từ phía cơ quan nhà nước cũng như tổ chức cá nhân liên quan có thể đưa đến những hệ luỵ khó lường trong cộng đồng mạng, làm méo mó môi trường mạng, ảnh hưởng đến việc thực thi đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của các tổ chức và công dân mà trước tiên là những chủ thể tham gia và các màn đấu tố, cãi vã sau đó là dân cư mạng tiếp cận và quan tâm đến nó.
Cán bộ, đảng viên phải luôn gương mẫu trong việc ứng xử trên mạng xã hội. (Nguồn: Thanhuytphcm.vn) Từ thực trạng nêu trên, mọi người cần phải suy ngẫm trong thực hiện quyền, nghĩa vụ, trách nhiệm đối với cá nhân, cộng đồng, xã hội và đất nước trong quá trình tham gia mạng xã hội. Cụ thể, cần lựa chọn cách thức thể hiện bức xúc, giải quyết mâu thuẫn, giải tỏa bất đồng về quan điểm, suy nghĩ về các vấn đề xã hội một cách văn minh trên cơ sở tôn trọng pháp luật Việt Nam, tôn trọng quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân; có hành vi, ứng xử trên mạng xã hội phù hợp với các giá trị đạo đức, văn hóa, truyền thống tốt đẹp của dân tộc Việt Nam.
Phải đấu tranh, vạch trần tiêu cực, bênh vực lẽ phải; bảo vệ công lý chỉ phát huy được tác dụng, đạt được mục đích, mang đến giá trị tích cực với bản thân, cho cộng đồng và đất nước khi nó được thể hiện đúng nơi, đúng lúc, đúng chỗ; cần tỉnh táo trong tiếp cận, kỹ càng trong sàng lọc, thận trọng trong quá trình tham gia vào quá trình truyền thông trên mạng xã hội hiện nay, đây có lẽ là một trong những liều thuốc đề kháng cho cộng đồng mạng trước thực trạng mạng xã hội đang ngày càng được ưu tiên như “địa chỉ đỏ” cho những cuộc đấu tố, cãi vã, bốc phốt…
Luôn thực hành kỹ năng nghe nhiều hơn, nhưng không vội tin, chẳng vội like mà cũng đừng vội bấm chia sẻ, và như thế chúng ta sẽ hạn chế đến mức thấp nhất những khả năng có thể dẫn dắt, lôi kéo vào những “drama” phiền toái, để rồi sau đó bị rơi vào những tình huống phức tạp hơn là liên quan đến pháp lý…
Song song với những giải pháp thông tin, tuyên truyền, cần nâng cao ý thức tự giác, đề cao văn hóa ứng xử trên không gian mạng, để đảm bảo một môi trường mạng xã hội bình đẳng, trong sáng, lành mạnh, công bằng thì những giải pháp về mặt quản lý nhà nước, cũng như sức mạnh của pháp luật và công lý phải được phát huy hơn nữa. Đặc biệt là với những cuộc đấu tố, drama có tính chất nghiêm trọng, kéo dài, không hồi hết, cần phải thẳng thừng lên án, phê phán những hành vi vi phạm thuần phong mỹ tục; gây mất an ninh, trật tự môi trường mạng.
Đối với việc lợi dụng quyền tự do, dân chủ xúc phạm đến lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức; kích động, chia rẽ khối đại đoàn kết dân tộc, cần xử lý nghiêm minh, triệt để những cá nhân, tổ chức có liên quan, góp phần xây dựng môi trường mạng an toàn, xã hội văn minh, góp phần cho đất nước ổn định, phát triển...