Đồng chí Nguyễn Trọng Nghĩa cùng các đại biểu tham quan tại Trung tâm Đào tạo điện tử quốc tế - IETC (thuộc Công ty Sun Electronics) (Thanhuytphcm.vn) - Chiều 11/5, Đoàn công tác Ban Tuyên giáo Trung ương do đồng chí Nguyễn Trọng Nghĩa, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương làm trưởng đoàn, đã có buổi làm việc với Ban Quản lý Khu Công nghệ cao TPHCM (SHTP) về việc thực hiện Nghị quyết số 27-NQ/TW, ngày 6/8/2008 của Ban chấp hành Trung ương về xây dựng đội ngũ trí thức trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và Nghị quyết số 36-NQ/TW của Bộ Chính trị ngày 26/3/2004 về công tác đối với người Việt Nam ở nước ngoài.
Tham gia cùng đoàn có các đồng chí: Lại Xuân Môn, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Trưởng Ban Thường trực Ban Tuyên giáo Trung ương; Lê Quốc Minh, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương, Tổng Biên Tập Báo Nhân Dân, Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam;…
Về phía lãnh đạo TPHCM có Thành ủy viên, Phó Chủ tịch UBND TPHCM Dương Anh Đức; Phó Trưởng ban Tuyên giáo Thành ủy TPHCM Nguyễn Thọ Truyền.
Báo cáo tại buổi làm việc, PGS.TS. Nguyễn Anh Thi, Trưởng Ban SHTP cho biết, qua hơn 20 năm hình thành, xây dựng và phát triển, Khu Công nghệ cao TPHCM đã triển khai đồng bộ 7 phân khu chức năng, tạo môi trường thuận lợi để thu hút đầu tư phát triển công nghệ cao (CNC).
Đồng chí Nguyễn Trọng Nghĩa phát biểu chỉ đạo tại buổi làm việc Đến nay, Khu CNC đã thu hút được 160 dự án. Đến cuối tháng 3/2023, có 160 dự án còn hiệu lực. Trong đó, 70 dự án sản xuất CNC; 19 dự án dịch vụ CNC; 19 dự án nghiên cứu triển khai (R&D); 9 dự án đào tạo, ươm tạo; 23 dự án công nghiệp hỗ trợ CNC; 9 dự án thương mại, dịch vụ; 11 dự án phát triển hạ tầng. Kim ngạch xuất khẩu sản phẩm CNC tăng dần hằng năm, năm 2021 đạt 20,9 tỷ USD, năm 2022 kim ngạch xuất khẩu đạt 23 tỷ USD và dự kiến năm 2023 đạt 26 tỷ USD.
PGS.TS. Nguyễn Anh Thi cho biết, tính đến nay, có hơn 570 chuyên gia khoa học và công nghệ người nước ngoài và chuyên gia Việt kiều làm việc trong các doanh nghiệp khu CNC và hơn 20 chuyên gia Việt kiều đã trở về làm việc theo cơ chế cộng tác viên tại 3 đơn vị sự nghiệp khoa học Khu CNC và 5 chuyên gia theo cơ chế chính sách thu hút chuyên gia, nhà khoa học đối với lĩnh vực TP có nhu cầu.
PGS.TS Nguyễn Anh Thi, Trưởng Ban Quản lý Khu Công nghệ cao TPHCM báo cáo tại buổi làm việc Trong thời gian qua, đội ngũ trí thức đang làm việc tại Khu CNC đã phát huy tốt vai trò, kinh nghiệm và có nhiều đóng góp lớn cho sự phát triển của các đơn vị trong Khu CNC, đặc biệt trong lĩnh vực nghiên cứu, làm chủ công nghệ ở một số lĩnh vực với các sản phẩm công nghệ cao đang được thương mại hóa và giúp mở rộng quan hệ quốc tế. Đặc biệt, các trí thức trẻ được đào tạo ở nước ngoài đã mang lại không khí chuyên nghiệp trong hoạt động nghiên cứu triển khai, từ đó kích thích các đội ngũ trí thức trẻ tiếp thu và học tập được phong cách làm việc chuyên nghiệp.
Các đại biểu chụp hình lưu niệm tại buổi làm việc Phát biểu tại buổi làm việc, đồng chí Nguyễn Trọng Nghĩa ghi nhận và đánh giá cao hoạt động của Khu CNC sau hơn 20 năm hình thành và phát triển, đã chứng tỏ sự đúng đắn của TPHCM trong cách tiếp cận và chọn phương thức tiến hành triển khai dự án, từ đó, đã hình thành một Trung tâm CNC quốc gia - nơi tập trung, liên kết hoạt động nghiên cứu và phát triển, ứng dụng CNC; ươm tạo CNC, ươm tạo doanh nghiệp CNC; đào tạo nhân lực CNC; sản xuất và kinh doanh sản phẩm CNC, cung ứng dịch vụ CNC.
Trong thời gian tới, đồng chí Nguyễn Trọng Nghĩa đề nghị SHTP cần tiếp tục tạo điều kiện phát triển chất lượng nhân lực từ nguồn nhân lực có sẵn, khuyến khích học tập, nâng cao trình độ chuyên môn; tăng cường hợp tác nghiên cứu và đào tạo với các viện, trường thuộc Đại học Quốc gia TPHCM để đào tạo nguồn nhân lực kỹ thuật cao theo yêu cầu của các doanh nghiệp trong Khu CNC; xác lập và triển khai các dự án chuyển giao công nghệ giữa trường đại học với các doanh nghiệp. Bên cạnh đó, tiếp tục thuê chuyên gia nước ngoài đào tạo chuyên sâu cho đội ngũ trí thức hiện hữu, hoặc cử đi nước ngoài đào tạo nhằm giúp nguồn nhân lực tại chỗ có thể tiếp cận nhanh công nghệ mới và các công nghệ tích hợp… để đạt mục tiêu đến năm 2030, Khu Công nghệ cao TPHCM sẽ trở thành một Khu CNC trưởng thành đạt trình độ thế giới, hoạt động theo mô hình của khu công viên khoa học và công nghệ.
Đồng chí Nguyễn Trọng Nghĩa cùng trao đổi với các đại biểu tại Trung tâm Đào tạo điện tử quốc tế - IETC (thuộc Công ty Sun Electronics) Sau buổi làm việc, đoàn công tác đã tham quan, tìm hiểu Trung tâm Đào tạo điện tử quốc tế (International Electronics Training Center - IETC) theo tiêu chuẩn quốc tế đầu tiên tại Việt Nam, nơi đào tạo nhân lực trong lĩnh vực thiết kế sản phẩm điện tử (Product Design), phát triển các sản phẩm, vận hành các nhà máy điện tử có năng lực cạnh tranh toàn cầu.
Trung tâm đào tạo điện tử quốc tế (International Electronics Training Center (IETC)) được chính thức ra mắt, đưa vào vận hành từ ngày 25 tháng 3 năm 2023 là mô hình hợp tác giữa Trung Trung tâm đào tạo Khu Công nghệ cao (SHTP Training) và Công ty Sun Electronics (một công ty khởi nghiệp lĩnh vực điện tử do các chuyên gia người Việt tại Silicon Valley và các trí thức, chuyên gia, doanh nhân trong nước đồng sáng lập) thành lập, cung cấp: (1) Các chương trình đào tạo theo tiêu chuẩn IPC (International Process Control), tiêu chuẩn được áp dụng rỗng rãi bởi các tập đoàn công nghệ thế giới; (2) Các chương trình đào tạo quản lý, vận hành nhà máy sản xuất điện tử theo tiêu chuẩn quốc tế; (3) Các chương trình đào tạo thiết kế sản phẩm theo quy chuẩn, tiêu chuẩn quốc tế (Product Design). Các chương trình đào tạo do các chuyên gia người Việt Nam ở Thung lũng Silicon Valley thiết kế và trực tiếp giảng dạy trong giai đoạn đầu. Đây là mô hình thí điểm hợp tác công tư nhằm gắn kết trí thức, chuyên gia người Việt Nam tại Silicon Valley với các trí thức, chuyên gia và doanh nhân trong nước để tiếp thu, chuyển giao tri thức, công nghệ trong lĩnh vực điện tử, vi mạch bán dẫn vào trong nước.