Thứ Năm, ngày 2 tháng 1 năm 2025

Phát động “Đăng ký hiến mô, tạng - Cho đi là còn mãi” tại TPHCM

Đồng chí Đào Hồng Lan phát biểu tại chương trình.

(Thanhuytphcm.vn) - Ngày 30/12, tại TPHCM, Bộ Y tế phối hợp với UBND TPHCM, Hội Vận động hiến mô, bộ phận cơ thể người Việt Nam tổ chức lễ phát động “Đăng ký hiến mô, tạng - Cho đi là còn mãi”. Đến dự có các đồng chí Ủy viên Trung ương Đảng: Nguyễn Thuý Anh, Chủ nhiệm Uỷ ban các vấn đề xã hội của Quốc hội; Đào Hồng Lan, Bộ trưởng Bộ Y tế; Phan Văn Mãi, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND TPHCM.

Lễ phát động “Đăng ký hiến mô, tạng - Cho đi là còn mãi” nhằm tăng cường nhận thức của cộng đồng về việc hiến mô, tạng - một nghĩa cử cao đẹp góp phần mang lại hy vọng sống cho hàng nghìn bệnh nhân. Thông qua sự kiện, ban tổ chức kêu gọi sự tham gia đăng ký hiến mô, tạng tự nguyện của người dân trên cả nước.

Tại chương trình, nguyên Bộ trưởng Bộ Y tế, Chủ tịch Hội Vận động hiến mô, bộ phận cơ thể người Việt Nam Nguyễn Thị Kim Tiến bày tỏ lòng biết ơn sâu sắc đến những người hiến tặng mô tạng; những người đã rời xa cuộc đời, thân xác đã trở về cát bụi nhưng một phần cơ thể họ đã giúp hồi sinh nhiều cuộc đời mới.

Đồng chí Nguyễn Thị Kim Tiến cho biết, lĩnh vực hiến, ghép tạng tại Việt Nam vẫn còn nhiều thách thức. Nhưng với sự chung tay của toàn xã hội, đặc biệt là sự đồng hành của đơn vị, cá nhân; với giải pháp cơ bản là truyền thông vận động, thay đổi hành vi của cộng đồng, cùng với sự năng động, tích cực của hệ thống bệnh viện… tin tưởng rằng Việt Nam sẽ là điểm sáng trên bản đồ hiến, ghép tạng thế giới, tiếp tục hồi sinh cho nhiều cuộc sống.

Đồng chí Phan Văn Mãi phát biểu tại chương trình. Đồng chí Phan Văn Mãi phát biểu tại chương trình.

Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi cho biết, TP sẽ tập trung cho công tác tuyên truyền, vận động việc đăng ký hiến mô, tạng và sẽ có những giải pháp cụ thể để thúc đẩy công việc rất có ý nghĩa nhưng cũng rất khó khăn này. “Chúng tôi hiểu đây là quan niệm, đây là văn hóa, cần phải có một sự kiên trì, tập trung và dần dần thì chúng ta mới thay đổi được và TPHCM sẽ tập trung cho công tác này” - đồng chí Phan Văn Mãi chia sẻ.

Đồng chí Phan Văn Mãi kêu gọi các cơ quan, ban ngành, các tầng lớp nhân dân của TPHCM cực tham gia công tác này; đồng thời cho biết, TP sẽ chỉ đạo ngành y tế, các cơ quan có liên quan trực tiếp, các ngành, các cấp sẽ phối hợp chặt chẽ với các cơ quan Trung ương và cơ quan điều phối hiến tạng, các cơ quan chuyên môn để triển khai công việc này được đồng bộ, hiệu quả, kịp thời.

Tại lễ phát động, Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan cho biết, tại Việt Nam, trải qua 32 năm kể từ khi thực hiện thành công ca ghép thận đầu tiên trên người vào tháng 6/1992 đến nay, ngành Y tế đã làm chủ được kỹ thuật ghép các loại tạng. Các công nghệ, kỹ thuật ghép tạng được đánh giá ngang tầm với các nước có nền y học tiên tiến, phát triển trên thế giới.

Trong những năm qua, ngành Y tế đã phối hợp với các bộ ngành, địa phương có nhiều cố gắng, từng bước nâng cao chất lượng công tác hiến, ghép tạng. Tính đến nay, đã có 9.297 ca ghép tạng được thực hiện. Đồng chí Đào Hồng Lan cho biết, các chi hội vận động hiến mô, bộ phận cơ thể người ở nhiều bệnh viện liên tiếp ra đời.

Các đại biểu đăng ký hiến tặng mô, tạng tại lễ phát động. Các đại biểu đăng ký hiến tặng mô, tạng tại lễ phát động.

Tuy nhiên, theo Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan chia sẻ, tỷ lệ hiến tạng từ người cho chết não còn khiêm tốn so với nhu cầu người đăng ký nhận tạng. Việt Nam có người hiến tạng thuộc nhóm thấp nhất thế giới. Trong khi đó, số lượng ca chờ ghép tạng, danh sách những người chờ ghép tạng vẫn còn rất dài và mỗi ngày vẫn có rất nhiều người không có tạng để ghép. Tại các nước phát triển trên thế giới như Tây Ban Nha, Mỹ, Hàn Quốc… tỷ lệ hiến tạng sau chết chiếm hơn 90%.

Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan đề xuất Chính phủ ban hành Ngày Hiến tạng Quốc gia là ngày 20/5 hàng năm (ngay sau ngày Thủ tướng Chính phủ phát động phong trào đăng ký hiến tặng mô, tạng). Các bệnh viện cần đẩy mạnh hoạt động truyền thông, vận động đăng ký hiến mô tạng trong bệnh viện. Chủ động phát hiện các ca chết não tiềm năng để tư vấn hiến tặng mô tạng; chẩn đoán, hồi sức chết não hiến tặng mô tạng vào hoạt động thường quy của bệnh viện; từng bước xây dựng văn hóa hiến tặng mô tạng trong bệnh viện.

Theo Bộ Y tế, một người chết não hiến tạng có thể cứu sống 6 - 8 người, giúp cải thiện sức khỏe cho gần 100 người, giúp giảm gánh nặng bệnh tật cho người bệnh, gia đình người bệnh và xã hội. Nhờ đó góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống và lan tỏa giá trị nhân văn, tinh thần tương thân tương ái, truyền thống tốt đẹp của người Việt Nam. Những năm gần đây, trung bình mỗi năm Việt Nam có từ 10 đến 12 ca hiến tạng sau khi chết. Năm 2024, Việt Nam có 39 ca chết não gia đình đồng ý hiến tặng mô, tạng. Con số này chiếm gần 13% trong tổng số ca ghép tạng.

S. Hải


Ý kiến bạn đọc

refresh
 

Tổng lượt bình luận

Tin khác

Thông báo