Thứ Bảy, ngày 21 tháng 12 năm 2024

Phát huy sức mạnh Nhân dân, sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc trong tình hình mới

Đồng chí Đỗ Văn Phới phát biểu tại tọa đàm.

(Thanhuytphcm.vn) – Tại buổi tọa đàm Chuyên đề “Thực hiện bài học “Dân là gốc”, “Dân là trung tâm” và vấn đề thực hiện phương châm “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng” do Ban Dân vận Thành ủy TPHCM tổ chức ngày 8/10, các đại biểu đã cho rằng thực hiện bài học “Dân là gốc”, “Dân là trung tâm”,… cần gắn bó sâu sát với người dân; cùng người dân thảo luận, giải thích cho người dân hiểu; đồng thời cùng với người dân tổ chức thực hiện và khi đặt mục tiêu ra cần đeo đuổi đến cùng vì lợi ích của người dân, qua đó sẽ phát huy sức mạnh Nhân dân, sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc trong tình hình mới…

Phát huy dân chủ của người dân, tăng cường đồng thuận xã hội

Chia sẻ cách làm, đề xuất các giải pháp nhằm làm tốt việc thực hiện các nội dung được trao đổi tại tọa đàm, đồng chí Lê Nguyễn Hồng Quang, Ủy viên Thường trực, Trưởng Ban Dân chủ - Pháp luật Ủy ban MTTQ Việt Nam TPHCM đã nhấn mạnh đến việc phát huy khối đại đoàn kết toàn dân, nâng cao vai trò của MTTQ Việt Nam và Nhân dân giám sát tổ chức Đảng, đảng viên và hoạt động của chính quyền các cấp.

Theo đồng chí Lê Nguyễn Hồng Quang, hệ thống MTTQ Việt Nam TP đã triển khai và thực hiện nghiêm túc Quyết định số 217-QĐ/TW, Quyết định số 218-QĐ/TW ngày 12/12/2013 của Bộ Chính trị; đồng thời chủ trì phối hợp với các tổ chức chính trị - xã hội xây dựng kế hoạch và thực hiện giám sát có trọng tâm, theo chuyên đề với sự nỗ lực của cán bộ MTTQ Việt Nam TP và các cấp trong việc nâng cao trình độ, năng lực nắm bắt, phân tích tình hình từ thực tiễn, đồng thời phát huy vai trò của từng thành viên Hội đồng tư vấn (TP), ban tư vấn (quận, huyện), các chuyên gia, nhà khoa học trên từng lĩnh vực.

Đặc biệt, MTTQ Việt Nam TP đã tổ chức phản biện xã hội đối với các đề án, kế hoạch liên quan đến việc thực hiện cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TPHCM theo Nghị quyết số 54/2017/QH14, Nghị quyết số 98/2023/QH15 của Quốc hội; đã góp ý 586 dự thảo văn bản quy phạm pháp luật; phối hợp đề xuất ban hành một số chính sách hỗ trợ nhằm tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân tộc. Qua đó, đã góp phần phát hiện, kiến nghị sửa đổi, bổ sung các chủ trương, chính sách, pháp luật; tạo điều kiện để các tầng lớp Nhân dân phát huy quyền làm chủ trong việc tham gia xây dựng pháp luật, các chính sách, chiến lược, đề án, dự án, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội bảo đảm tính phù hợp, khả thi; bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của Nhân dân; phát huy dân chủ, tăng cường đồng thuận xã hội.

Đối với Liên đoàn Lao động TPHCM, đồng chí Phạm Chí Tâm, Phó Chủ tịch Liên đoàn Lao động TP chia sẻ, với số lượng công đoàn cơ sở và đoàn viên chiếm tỷ lệ khá cao so với các tỉnh, TP khác của cả nước, do đó nhận thức về bài học “Dân là gốc”, “Dân là trung tâm” và vấn đề thực hiện phương châm “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng” của Công đoàn TPHCM càng trở nên sâu sắc, quan trọng, có giá trị và hết sức thiết thực trong việc đảm bảo thực hiện tốt chức năng chăm lo, đại diện bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng cho đoàn viên công đoàn và người lao động. Trong đó, Công đoàn TP xác định đội ngũ đoàn viên công đoàn và người lao động là chủ thể quan trọng, là “gốc”, là “trung tâm” và là tài sản quý giá nhất đối với hoạt động sản xuất kinh doanh và sự phát triển bền vững của doanh nghiệp; đồng thời đây cũng là đội ngũ khẳng định vai trò nòng cốt trong hoạt động công đoàn, tham gia quản lý nhà nước và xã hội, đóng góp quyết định vào sự phát triển của TPHCM nói riêng và cả nước nói chung.

Đồng chí Nguyễn Mạnh Cường phát biểu tại tọa đàm. Đồng chí Nguyễn Mạnh Cường phát biểu tại tọa đàm.

Trao đổi về việc thực hiện phương châm “dân làm”, “dân thụ hưởng” thông qua công tác vận động hội viên tham gia phong trào nông thôn mới, Phó Chủ tịch Hội Nông dân TPHCM Nguyễn Thị Ngọc Hạnh cho biết, giai đoạn 2018 - 2023, các cấp Hội của TP tiếp tục phát huy vai trò trung tâm, nòng cốt trong thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới gắn với thực hiện phong trào “TP chung sức xây dựng nông thôn mới” và cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”; triển khai thực hiện tốt phong trào nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi; phong trào vận động nông dân phát triển kinh tế tập thể và công tác tư vấn, dịch vụ, hỗ trợ nông dân phát triển sản xuất, kinh doanh hiệu quả, nâng cao thu nhập. Cùng với đó là tuyên truyền, vận động hội viên nông dân tích cực góp công, góp sức, hiến đất để xây dựng kết cấu hạ tầng nông thôn ngày càng khang trang, hiện đại… Hiện nay, có 56/56 xã được UBND TPHCM ban hành quyết định công nhận xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao; 5/5 huyện đã được Thủ tướng Chính phủ ban hành quyết định công nhận huyện đạt chuẩn nông thôn mới.

Công tác quản lý tổ chức linh hoạt, sáng tạo

Tại buổi tọa đàm, Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Trưởng Ban Dân vận Thành ủy TPHCM Nguyễn Mạnh Cường đã chia sẻ một số nhiệm vụ trọng tâm, định hướng của Ban Dân vận Thành ủy TPHCM thời gian tới liên quan đến nội dung “Thực hiện bài học “Dân là gốc”, “Dân là trung tâm” và vấn đề thực hiện phương châm “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng”...

Đồng chí Nguyễn Mạnh Cường cho biết, buổi tọa đàm có ý nghĩa sâu sắc, Ban Dân vận Thành ủy TPHCM sẽ đúc kết, tiếp thu, ghi nhận các ý kiến tại buổi tọa đàm và làm rõ hơn trong quá trình thực hiện tại cơ sở. Từ đó, Ban Dân vận Thành ủy TP sẽ tham gia quá trình tổng kết 25 năm thực hiện Chỉ thị số 30-CT/TW ngày 18/02/1998 của Bộ Chính trị về xây dựng và thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở để tham mưu cho Ban Thường vụ Thành ủy TPHCM; cũng như việc tổng kết công tác dân vận của TP trong năm 2024. Cùng với đó, Ban Dân vận Thành ủy sẽ nghiên cứu để tham mưu phục vụ nội dung Văn kiện Đại hội đại biểu Đảng bộ TPHCM nhiệm kỳ 2025 – 2030.

Phát biểu kết luận tọa đàm, Phó trưởng Ban Dân vận Trung ương Đỗ Văn Phới đánh giá cao các ý kiến tại tọa đàm rất phong phú; đồng thời bày tỏ sự trân trọng, tiếp thu, ghi nhận, chắt lọc để đưa vào báo cáo tổng kết phục vụ đề tài trọng điểm cấp Quốc gia về “Bài học “Dân là gốc”, “Dân là trung tâm” và vấn đề phát huy sức mạnh Nhân dân, sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc trong tình hình mới”.

Phó Chủ tịch Liên đoàn Lao động TPHCM Phạm Chí Tâm phát biểu tại tọa đàm. Phó Chủ tịch Liên đoàn Lao động TPHCM Phạm Chí Tâm phát biểu tại tọa đàm.

Từ ý kiến của các đại biểu tham dự tọa đàm, đồng chí Đỗ Văn Phới đánh giá, đối với TPHCM, việc tổ chức triển khai nội dung “Thực hiện bài học “Dân là gốc”, “Dân là trung tâm” và vấn đề thực hiện phương châm “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng”, được TP quán triệt triển khai tổ chức xuyên suốt những năm qua, bằng cách làm sáng tạo, hiệu quả. Trong đó có công khai cho dân biết bằng nhiều phương thức, hình thức khác nhau. Phương thức tổ chức dân bàn, dân tham gia ý kiến hết sức linh hoạt, phù hợp yêu cầu thực tiễn đặt ra; việc tổ chức để người dân giám sát, đại diện cho người dân giám sát các hoạt động chính quyền, thực hiện các chính sách trên địa bàn TP rất sâu sát, thiết thực.

Cùng với đó, cán bộ làm công tác dân vận cần gắn bó sâu sát với người dân; cùng người dân thảo luận, giải thích cho người dân hiểu; đồng thời cùng với người dân tổ chức thực hiện và khi đặt mục tiêu ra đeo đuổi đến cùng vì lợi ích của người dân. “Sự gắn bó giữa cán bộ, đặc biệt cán bộ, đảng viên tại cơ sở; sự gương mẫu của cán bộ, đảng viên đã góp phần lan tỏa mạnh mẽ trong đời sống xã hội, cộng đồng dân cư... trong đó có phong trào nhân dân tại cơ sở, nhất là việc tham gia các chương trình do TP triển khai thực hiện: hiến đất mở hẻm, xây dựng môi trường sinh thái ngày càng lan tỏa mạnh mẽ...” – đồng chí Đỗ Văn Phới nhấn mạnh.

Đồng chí Đỗ Văn Phới chia sẻ, qua kinh nghiệm làm như vậy đã xuất hiện nhiều cách làm sáng tạo, linh hoạt. Đội ngũ cán bộ tại TP, nhất là tại cơ sở rất sáng tạo. Trong cách làm, đã thể hiện sự tìm tòi nghiên cứu, sáng tạo của đội ngũ cán bộ cơ sở... “Để đạt được những kết quả trên, TPHCM đã thực hiện nhiều giải pháp. Trong đó, công tác lãnh đạo, chỉ đạo cấp ủy các cấp phải quyết liệt sâu sát; có sự phối hợp phải rất đồng bộ, rõ vai, rõ việc của từng bộ phận; công tác quản lý tổ chức phải linh hoạt, sáng tạo; tuyên truyền vận động phù hợp với từng đối tượng. Bên cạnh đó, TPHCM phải có cơ chế phù hợp từng lĩnh vực, từng đối tượng; từng khu phố, từng địa bàn dân cư…” - đồng chí Đỗ Văn Phới đánh giá.

S. Hải


Ý kiến bạn đọc

refresh
 

Tổng lượt bình luận

Tin khác

Thông báo