Thứ Sáu, ngày 3 tháng 1 năm 2025

Phó Thủ tướng Lê Minh Khái: Xây dựng đề án rà soát các dự án đất đai còn dở dang, vướng mắc

Phó Thủ tướng Lê Minh Khái phát biểu chiều 5/11

(Thanhuytphcm.vn) - Tiếp tục chương trình kỳ họp thứ 4, Quốc hội khoá XV, chiều 5/11, Quốc hội tiếp tục chất vấn đối với lĩnh vực thanh tra.

Trả lời chất vấn, Tổng Thanh tra Chính phủ (TTCP) Đoàn Hồng Phong cho biết, về thu hồi tài sản, nên tập trung ưu tiên xử lý kinh tế, không chuyển từ án kinh tế sang hình sự. Đây là quan điểm của lãnh đạo Đảng, Nhà nước, không hình sự hóa các quan hệ kinh tế. TTCP cũng quán triệt quan điểm này trong xử lý các vụ việc. Theo đó, đối với một số vụ việc, sau thanh tra thì vẫn yêu cầu thực hiện kết luận thanh tra. Đối với những vụ việc chưa phân định rõ là hình sự hay kinh tế, thì ưu tiên xử lý kinh tế trong thời hạn thanh tra. Tuy nhiên việc này chỉ áp dụng trong một thời hạn nhất định, có thể 1 năm đến 1,5 năm, nếu sau thời gian này không thực hiện được thì sẽ chuyển đến cơ quan điều tra.

Tổng TTCP thừa nhận, thời gian qua có một số kết luận thanh tra chưa đúng bản chất. Nguyên nhân chủ quan là do ý thức chấp hành kỷ luật của đoàn thanh tra chưa cao; năng lực trình độ một số cán bộ còn kém; cơ chế chính sách còn bất cập, bên cạnh đó lãnh đạo của cơ quan thanh tra với đoàn thanh tra chưa quyết liệt; giám sát và thẩm định kết quả thanh tra còn hạn chế. Cần thực hiện những biện pháp mạnh mẽ để nâng cao trình độ chuyên môn, siết chặt việc chấp hành kỷ luật, sửa đổi những cơ chế còn bất cập để giải quyết tình trạng này. Về tình trạng nhũng nhiễu gây phiền hà, Tổng TTCP cho biết, đúng như đại biểu đã phản ánh, vẫn còn có những vụ việc tiêu cực xảy ra, nhất là xoay quanh lĩnh vực đất đai, như đầu tư xây dựng có sử dụng đất, giao đất, cho thuê đất, thủ tục hải quan, cấp phép khai thác khoáng sản.

Tổng TTCP Đoàn Hồng Phong cho biết, nguyên nhân chậm kết luận thanh tra là do nguyên nhân chủ quan, do nhiều cuộc thanh tra có quy mô hớn, tính chất phức tạp, liên quan đến sự phát triển ổn định của nền kinh tế, nên cần cân nhắc kỹ lưỡng, mất nhiều thời gian. Bên cạnh đó, một số quy định của pháp luật có nhiều cách hiểu khác nhau, cần thời gian tham khảo ý kiến cơ quan chuyên môn, dẫn đến chậm thời hạn. Vừa qua, Ủy ban Kiểm tra Trung ương đã đánh giá có 15 cuộc thanh tra của TTCP chậm ra kết luận thanh tra. TTCP đã tích cực thực hiện nhiều giải pháp cải thiện vấn đề này, dự thảo xong, báo cáo Thủ tướng Chính phủ để báo cáo kết luận thanh tra của 13 cuộc. TTCP sẽ nỗ lực để có kết luận thanh tra 2 cuộc còn lại trong năm 2022. “Hiện nay TTCP có những cuộc thanh tra chậm từ nhiều năm trước, qua kiểm tra, không có tiêu cực trong các vụ việc này, các vụ việc chậm đang được tích cực khắc phục.” - Tổng TTCP nhấn mạnh. Về giải pháp cho vấn đề này, TTCP đang kiến nghị sửa đổi một số điều khoản trong Luật Thanh tra về nội dung thời hạn đưa ra kết luận thanh tra, đồng thời, nâng cao chất lượng các cuộc thanh tra, khắc phục tình trạng chậm ban hành, nghiêm cấm bỏ lọt, bỏ sót hành vi vi phạm, ban hành và quán triệt thực hiện quy chế về việc tổ chức hoạt động thanh tra. 

Phát biểu giải trình thâm về các vấn đề ĐBQH quan tâm, Phó Thủ tướng Lê Minh Khái nhấn mạnh, năm 2022, Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ rất quan tâm chỉ đạo công tác thanh tra, coi đây là công tác trọng tâm; thực hiện nghiêm chỉ đạo của Trung ương, Quốc hội, Chính phủ trong công tác thanh tra phòng chống tham nhũng, tiêu cực; nâng cao hiệu lực quản lý nhà nước, thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội. Hàng năm, Thủ tướng phê duyệt kế hoạch thanh tra, trên cơ sở đó TTCP tiến hành thanh tra có trọng tâm trọng điểm để phát hiện kịp thời các sai phạm, chấn chỉnh kịp thời những bất cập. Trong quá trình chỉ đạo thanh tra, Chính phủ yêu cầu thường xuyên nâng cao chất lượng hoạt động, xử lý chồng chéo trong kiểm toán, kiểm tra, thanh tra, nhất là ở các doanh nghiệp.

Chính phủ cũng đã chỉ đạo ngành thanh tra tập trung thanh tra trong một số lĩnh vực quan trọng như: đầu tư, xây dựng, đấu thầu, chứng khoán, ngân hàng… Thủ tướng Chính phủ trực tiếp cho ý kiến chỉ đạo về kết luận thanh tra, nhất là với những vấn đề phức tạp, qua đó nhiều cuộc thanh tra đạt kết quả tốt, xử lý nghiêm các vi phạm. Bên cạnh đó, Chính phủ cũng thường xuyên chỉ đạo TTCP thanh tra những lĩnh vực nhạy cảm, dễ phát sinh tiêu cực.

Về thu hồi tài sản tham nhũng, Phó Thủ tướng cho biết, trong 9 tháng đầu năm 2022, ngành thanh tra đã đôn đốc, kiểm tra việc thực hiện gần 5.600 kết luận và quyết định xử lý về thanh tra. Trong đó, 3.440 kết luận thanh tra đã hoàn thành 100% nội dung phải thực hiện. Các cơ quan chức năng đã thu hồi hơn 1.000 tỷ đồng, 10 ha đất, đạt tỷ lệ 60% và gấp đôi so với năm 2021; xử lý hành chính hơn 1.700 tổ chức, trên 4.800 cá nhân. Đây là nỗ lực rất lớn của TTCP.

Phó Thủ tướng cũng cho rằng, ý kiến các ĐBQH về kết luận thanh tra còn chậm, còn chưa đảm bảo rõ ràng về nguyên nhân, trách nhiệm và giải pháp, đây là điều rất xác đáng mà TTCP phải nhìn nhận. Trong thời gian tới, cần nâng cao chất lượng công tác thanh tra thông qua hoàn thiện thể chế, nâng cao năng lực cán bộ, quy định chặt chẽ quy trình công tác thanh tra cũng như phải nâng cao chất lượng lực lượng thanh tra để đáp ứng yêu cầu.

Về thanh tra trong lĩnh vực đất đai, Phó Thủ tướng cho biết, Chính phủ rất quan tâm và đã có chỉ đạo rất sát sao. Chính phủ đã xây dựng đề án để rà soát các dự án đất đai còn dở dang, vướng mắc, hiện đề án đã xây dựng xong, sẽ xin ý kiến Bộ Chính trị có chỉ thị để triển khai, nhằm tháo gỡ những tồn tại của các dự án nhà đất tồn tại nhiều năm.

Quốc hội chiều 5/11 Quốc hội chiều 5/11

Về thể chế, hiện nay đang tiến hành sửa Luật Thanh tra, khi ra đời sẽ khắc phục các vấn đề hiện nay, trong đó có vấn đề kết luận thanh tra chậm. Phó Thủ tướng cũng cho biết, khi tiến hành thanh tra, nhất là các cuộc thanh tra, phạm vi quá rộng, cơ quan thanh tra tham vọng phải thanh tra rõ, nhưng lực lượng mỏng nên quá trình triển khai kéo dài, đây là vấn đề đề TTCP phải khắc phục nghiêm túc trong thời gian tới.

Phó Thủ tướng nhấn mạnh, Chính phủ chú trọng công tác thanh tra để phát hiện kịp thời những sai phạm, phòng chống tham nhũng, tiêu cực. Về công tác phòng, chống tham nhũng, Chính phủ xác định công tác phòng, chống tham nhũng tiêu cực là công tác trọng tâm, đồng thời chỉ đạo bộ, ngành địa phương thực hiện nghiêm túc các giải pháp phòng ngừa, phát hiện, xử lý nghiêm tham nhũng, kiểm soát tài sản thu nhập, thu hồi tài sản tham nhũng, phòng chống tham nhũng trong khối ngoài nhà nước, đẩy mạnh tuyên truyền giáo dục về lĩnh vực này…

Trung Kiên


Ý kiến bạn đọc

refresh
 

Tổng lượt bình luận

Tin khác

Thông báo