Chủ Nhật, ngày 6 tháng 10 năm 2024

Phong trào đấu tranh yêu nước của học sinh, sinh viên miền Nam trong thời kỳ kháng chiến chống Mỹ cứu nước (1954 - 1975) 1

Một cuộc đụng độ giữa HS, SV Sài Gòn với cảnh sát trong thời kỳ kháng chiến chống Mỹ cứu nước. (Nguồn: Tuoitre.vn)

(Thanhuytphcm.vn) - Tiếp nối truyền thống thời kỳ kháng chiến chống Pháp, giai đoạn đánh Mỹ, phong trào yêu nước của học sinh (HS), sinh viên (SV) phía Nam tiếp tục có những đóng góp lớn vào thắng lợi của sự nghiệp giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.

Ngày 16/6/1963, Mặt trận dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam kêu gọi nhân dân Sài Gòn xuống đường biểu tình. Hưởng ứng lời kêu gọi trên, ngày 7/7/1963, HS trường Gia Long, Trưng Vương, Pétrus Ký (nay là trường THPT chuyên Lê Hồng Phong), Võ Trường Toản, Nguyễn Khuyến… tổ chức bãi khóa và bị chính quyền Sài Gòn tấn công đẫm máu, 2.400 HS bị bắt.

Từ ngày 24 đến ngày 28/8/1963, hàng ngàn HS, SV phối hợp với công nhân, quần chúng lao động ở Sài Gòn - Gia Định tổ chức đình công, bãi khóa, biểu tình. Mỹ - Ngụy đã ra sức đàn áp, khủng bố bằng nhiều thủ đoạn, thậm chí xả súng vào đoàn người biểu tình. Khi đó, nữ sinh 15 tuổi Quách Thị Trang bị trúng đạn và hi sinh ngày 25/8/1963. Cái chết của chị đã thổi bùng ngọn lửa căm hờn của nhân dân với chính quyền Mỹ - Ngụy. Để thị uy và gia tăng áp lực lên chính quyền tay sai, khi đám tang của chị Quách Thị Trang diễn ra, quần chúng đã tổ chức cuộc biểu tình quy mô lớn thu hút hàng vạn người.

Cuộc đấu tranh của HS, SV và quần chúng nhân dân chống Mỹ - Ngụy trước bùng binh chợ Bến Thành. (Nguồn: Nhandan.vn Cuộc đấu tranh của HS, SV và quần chúng nhân dân chống Mỹ - Ngụy trước bùng binh chợ Bến Thành. (Nguồn: Nhandan.vn)

Trong năm 1964, hàng vạn HS, SV các trường Hồng Lạc, Phan Sào Nam, Văn Lang, Cao Thắng, Bồ Đề… tổ chức bãi khóa, biểu tình. Họ đốt xe Mỹ, dùng gạch đá, gậy gộc chống lại cảnh sát dã chiến. Ngày 25/11/1964, học sinh Lê Văn Ngọc bị cảnh sát bắn chết. Đám tang của anh có hơn 10.000 người tham gia, rất đông trong số đó là HS, SV như một cách ủng hộ cho sự hi sinh vì nước của anh và cũng thể hiện sự bất bình, giận dữ của quần chúng đối với chính quyền. Đến ngày 28/11/1964, tiếp tục có 20.000 HS, SV nhiều trường tổ chức bãi khóa, biểu tình chống chính quyền tay sai.

Đến năm 1967, khi chính quyền Sài Gòn tổ chức bầu cử tổng thống, phó tổng thống, thượng nghị viện, các cuộc bãi khóa của SV tiếp tục nổ ra. Đầu tiên là trường Đại học Văn khoa Sài Gòn, tiếp đến là trường Đại học Y khoa và một số trường khác. Trong năm 1970, hơn 6.000 SV đại học Y Khoa Sài Gòn tổ chức bãi khóa đòi chính quyền thả những sinh viên bị bắt, trong đó có Huỳnh Tấn Mẫm - quyền Chủ tịch Hội Sinh viên Sài Gòn. Sau đó, phong trào nhanh chóng phát triển khắp miền Nam, trở thành cuộc tổng bãi khóa lớn nhất của HS, SV Sài Gòn trong giai đoạn chống Mỹ cứu nước. HS, SV đấu tranh đòi chính quyền thả những người bị bắt, đòi chế độ tự trị đại học, đòi vãn hồi hòa bình… Trước sức ép từ cuộc đấu tranh, chính quyền Mỹ - Ngụy buộc phải nhượng bộ.

Sang năm 1971, chính quyền Nguyễn Văn Thiệu tổ chức bầu cử Tổng thống. HS, SV tiếp tục đấu tranh bãi khóa chống bầu cử, đòi thành lập chính phủ hòa hợp dân tộc. Phong trào lan rộng và kéo dài từ tháng 7 đến tháng 10, thu hút hàng chục ngàn người tham gia.

Phong trào HS, SV đấu tranh phản đối bầu cử của chính quyền Nguyễn Văn Thiệu. (Nguồn: Giaoducthoidai.vn) Phong trào HS, SV đấu tranh phản đối bầu cử của chính quyền Nguyễn Văn Thiệu. (Nguồn: Giaoducthoidai.vn)

Đến đầu năm 1975, chính quyền Nguyễn Văn Thiệu ban hành luật động viên quân dịch. Việc này đã tạo nên làn sóng phản đối dữ dội trong quần chúng nói chung, HS, SV nói riêng. Hàng ngàn HS, SV tham gia biểu tình với khẩu hiệu “Chính quyền không cho học sinh đến trường, chúng ta hãy đốt hết sách vở” để chống luật mới của chính quyền. Trước làn sóng đấu tranh mạnh mẽ của HS, SV, chính quyền Mỹ - Ngụy buộc phải nhượng bộ, hoãn lệnh động viên cho SV.

Xuyên suốt giai đoạn chống Mỹ cứu nước, để có những thành công trong phong trào đấu tranh của HS, SV miền Nam, bên cạnh sự lãnh đạo của Đảng, phải kể đến vai trò của các tổ chức HS, SV sau:

+ Khu Đoàn thanh niên HS, SV Sài Gòn - Gia Định: được thành lập tháng 8/1965 trên cơ sở tiền thân là Ban cán sự thanh niên, ra đời từ năm 1961.

+ Tổng Hội sinh viên Sài Gòn: đây là tổ chức quy tụ đại diện SV các trường đại học, học viện và cao đẳng ở Sài Gòn - Gia Định.

+ Tổng đoàn học sinh: được thành lập ngày 15/10/1964 để quy tụ Ban đại diện HS một số trường công và tư thục ở Sài Gòn lúc bấy giờ.

Ngày nay, lòng yêu nước của các thế hệ HS, SV Việt Nam vẫn luôn tiếp tục được phát huy qua nhiều phong trào, hình thức thi đua, học tập, sáng tạo… thể hiện qua sự nỗ lực vượt khó vươn lên trong học tập của biết bao HS, SV có hoàn cảnh khó khăn; là những tấm gương điển hình tiên tiến trong học tập, rèn luyện, nghiên cứu khoa học và khởi nghiệp. Đặc biệt, trong 2 năm 2020, 2021 Việt Nam và cả nhân loại chống dịch Covid-19, hàng chục ngàn lượt HS, SV Việt Nam không quản ngại nguy hiểm, khó khăn để tham gia lực lượng tuyến đầu chống dịch. Đó chính là sự tiếp nối truyền thống tốt đẹp, sáng ngời của HS, SV Việt Nam: truyền thống yêu nước.

Nguyễn Hồ Phong

______________________

[1] Bài viết được biên soạn từ 2 tài liệu:

- Trần Văn Giàu, Trần Bạch Đằng (Chủ biên) (2018), Địa chí Văn hóa Thành phố Hồ Chí Minh, Tập II (từ trang 769 - 778), Nxb. Tổng hợp TPHCM.

- Hà Minh Hồng, Trần Nam Tiến, Lưu Văn Quyết, Hà Kim Phương (2007), Lịch sử Sài Gòn thời kỳ 1945 - 1975 (từ trang 133 - 136; 222 - 228), Nxb. Tổng hợp TPHCM.


Ý kiến bạn đọc

refresh
 

Tổng lượt bình luận

Tin khác

Thông báo