Thứ Tư, ngày 23 tháng 10 năm 2024

Quốc hội thảo luận về dự thảo Luật Phòng, chống mua bán người (sửa đổi)

Quang cảnh Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV

(Thanhuytphcm.vn) - Thực hiện chương trình kỳ họp thứ 8, chiều 22/10, Quốc hội thảo luận về dự thảo Luật Phòng, chống mua bán người (sửa đổi).

Báo cáo tóm tắt giải trình tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Phòng, chống mua bán người (sửa đổi), Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội Lê Thị Nga cho biết, Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) nhận thấy, khái niệm “mua bán người” trong dự thảo Luật cơ bản đã bảo đảm tính thống nhất, tính đồng bộ của hệ thống pháp luật, phúc đáp yêu cầu thực tiễn trong đấu tranh phòng, chống mua bán người. Đặc biệt, khái niệm “mua bán người” trong dự thảo Luật đã mở rộng hơn một số nội dung so với Bộ luật Hình sự và pháp luật hiện hành, trong đó có nội dung người từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi thì chỉ cần yếu tố hành vi và mục đích là đã bị coi là mua bán người và như vậy, họ cũng được bảo vệ như người dưới 16 tuổi. Quy định này cũng phù hợp với Công ước của Liên hợp quốc về Quyền trẻ em.

Một số ý kiến đề nghị bổ sung hành vi “thỏa thuận mua bán người từ khi còn đang là bào thai” vào khái niệm mua bán người tại khoản 1 Điều 2 làm cơ sở đấu tranh phòng, chống hiệu quả thực trạng thỏa thuận mua bán người khi còn đang là bào thai. UBTVQH nhận thấy, những năm qua, tình trạng mua bán bào thai nhằm mục đích mua bán đứa trẻ sau khi được sinh ra đang là thực tế đáng lo ngại. Việc thỏa thuận mua bán này thực chất là tiền đề của hành vi mua bán người (mua bán người từ giai đoạn còn đang là bào thai), nhưng việc xử lý hành vi này lại chưa được pháp luật điều chỉnh. Tiếp thu ý kiến đại biểu Quốc hội, dự thảo Luật đã quy định hành vi nghiêm cấm “thỏa thuận mua bán người từ khi còn đang là bào thai”.

Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội Lê Thị Nga Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội Lê Thị Nga

Liên quan đến đối tượng và chế độ hỗ trợ, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga cho biết, dự thảo Luật đã được chỉnh lý theo hướng người dưới 18 tuổi đi cùng nạn nhân, người đang trong quá trình xác định là nạn nhân được hưởng các chế độ hỗ trợ như nạn nhân, trừ hỗ trợ học nghề, tư vấn việc làm, trợ cấp khó khăn ban đầu, hỗ trợ vay vốn. Các chế độ hỗ trợ khác dành cho trẻ em (nếu có) thì được thực hiện theo quy định của pháp luật về trẻ em.

Thảo luận về dự án luật này, đại biểu (ĐB) Thái Thị An Chung (Nghệ An) nêu rõ, mua bán bào thai là thủ đoạn mới xuất hiện gần đây của tội phạm mua bán người, tuy nhiên, vấn đề này thời gian qua cũng gặp rất nhiều khó khăn trong việc xử lý. Đối tượng phạm tội thường tìm đến những người phụ nữ dân tộc thiểu số ở vùng sâu, vùng xa để dụ dỗ ra nước ngoài sinh con và bán lấy tiền hoặc trao đổi bằng các hiện vật khác. Việc thỏa thuận này về bản chất là tiền đề của việc mua bán trẻ em, tuy nhiên việc xử lý còn khó khăn vì chưa được quy định trong Bộ luật Hình sự. Để tạo cơ sở pháp lý cho công tác phòng, chống tội phạm mua bán người, bảo vệ quyền lợi của trẻ em, việc bổ sung quy định tại khoản 2, Điều 3 tại dự thảo luật về “nghiêm cấm hành vi thỏa thuận mua bán người từ khi còn là bào thai” theo ĐB là hết sức cần thiết và đáp ứng yêu cầu thực tiễn. Quy định này sẽ góp phần trong công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm mua bán trẻ em từ khi còn là bào thai trong bụng mẹ và phù hợp với các quy định của công ước quốc tế về quyền trẻ em.

Tuy nhiên, trên thực tiễn, việc mua bán bào thai có thể nhằm mục đích mua bán trẻ em sau khi được sinh ra nhưng cũng có thể nhằm mục đích khác. Quy định trong dự thảo Luật lần này đã xử lý được hành vi nhằm mục đích mua bán trẻ em nhưng chưa xử lý được hành vi có mục đích khác. Bộ luật Hình sự có quy định tội phạm đối với hành vi mua bán, chiếm đoạt trái phép mô hoặc bộ phận cơ thể người tại Điều 154, nhưng thai nhi lại không phải là bộ phận cơ thể người. Do đó, ĐB Thái Thị An Chung đề nghị bổ sung thêm quy định nghiêm cấm mua bán bào thai người; đồng thời, đề nghị bổ sung về giải thích từ ngữ thế nào là bào thai để việc triển khai, áp dụng trong thực tiễn được thống nhất, thuận lợi.

Liên quan đến quy định về tiếp nhận, xác minh người đến trình báo về nạn nhân mua bán người, ĐB Lê Thị Thanh Lam (Hậu Giang) đề nghị điều chỉnh thời hạn chậm nhất 3 ngày thành 24 giờ sau khi nhận được thông báo để lực lượng chức năng thực hiện tiếp nhận, hỗ trợ, qua đó bảo đảm tính kịp thời. Bên cạnh đó, đề nghị quy định trường hợp khẩn cấp gọi điện báo về việc mua bán người đến Tổng đài quốc gia bảo vệ trẻ em - 111; bổ sung thêm quy định gắn với trách nhiệm tổng đài 111 vào dự thảo Luật vì phần lớn trẻ em là nạn nhân của việc mua bán người…

Trung Kiên


Ý kiến bạn đọc

refresh
 

Tổng lượt bình luận

Tin khác

Thông báo