Học giả An Chi chia sẻ về bộ sách “Chuyện Đông chuyện Tây” (Thanhuytphcm.vn) - Sáng 20/3, trong khuôn khổ Hội sách TPHCM lần X - 2018, Nhà xuất bản (NXB) Tổng hợp TPHCM đã tổ chức giới thiệu bộ sách “Chuyện Đông chuyện Tây” và giao lưu với học giả An Chi (tên thật: Võ Thiện Hoa, còn có bút danh khác là Huệ Thiên).
“Chuyện Đông chuyện Tây” là một chuyên mục thường kỳ xuất hiện trên Tạp chí Kiến thức Ngày nay vào năm 1992 chuyên giải đáp thắc mắc của bạn đọc, nhất là những vấn đề liên quan đến từ nguyên, ngôn ngữ tiếng Việt. Chuyên mục kéo dài suốt 16 năm đã tạo nên dấu ấn đặc biệt cho Tạp chí Kiến thức Ngày nay cũng như làm nên tên tuổi An Chi trong lòng bạn đọc – một học giả với kiến thức uyên thâm và luôn cần mẫn, cẩn trọng, kỹ lưỡng trong từng câu trả lời cho bạn đọc.
Biết bao thắc mắc “trên trời dưới bể” – như: “múa sư tử” hay “múa lân”, tại sao lại gọi Nhật Bản là “Phù Tang”, tại sao các biển hiệu xe, tiệm mỳ của người Hoa ở Việt Nam đều có chữ “ký”, “Bố Cái” trong “Bố Cái Đại Vương” là gì, hai tiếng “Ó ré” được dùng trong tác phẩm Ngồi tù Khám Lớn của Phan Văn Hùm nghĩa ra sao, tên địa danh thị trấn ở huyện Kim Sơn, tỉnh Ninh Bình là “Phát Diệm” đúng hay “Phát Diễm” đúng… – đều được An Chi trả lời đầy sức thuyết phục qua sự tìm tòi, nghiên cứu kỹ lưỡng và dẫn chứng rõ ràng, cụ thể. Những lời hỏi đáp này đã được tập hợp và nhiều lần in thành sách chứng tỏ sức hút của An Chi và chuyên mục “Chuyện Đông chuyện Tây”.
Lần này, NXB Tổng hợp TPHCM đã mang đến cho độc giả phiên bản đầy đủ nhất của “Chuyện Đông chuyện Tây” với 4 tập (trên cơ sở 6 tập đã xuất bản vào năm 2006 và tập 7 xuất bản cuối năm 2017). Đặc biệt, ở bản mới này, học giả An Chi có phần “Viết thêm cho lần in năm 2018” ở một số chỗ tác giả cho rằng cần có sự hiệu chỉnh, cập nhật thêm tri thức mới hoặc đã biến đổi theo thời gian.
Nhà thơ, nhà báo Lê Minh Quốc cho biết, chính bản thân mình đã mở mang kiến thức rất nhiều từ “Chuyện Đông chuyện Tây” và có thêm cảm hứng tìm hiểu sâu về từ nguyên tiếng Việt. Đây là bộ sách thú vị để lưu giữ bởi sự dồi dào tri thức sách mang lại với cách truyền tải rất dễ hiểu, dễ cảm nhận.
Nhiều độc giả, có người phải thức từ 1 giờ sáng đi từ Đồng Tháp, Cần Thơ… lên TPHCM dự sự kiện để được gặp gỡ học giả An Chi. Một số độc giả cho biết, từ “Chuyện Đông chuyện Tây” và nhiều tác phẩm nghiên cứu về “chữ nghĩa” của học giả An Chi mà họ thêm yêu và tự hào về tiếng Việt.
Tại buổi giao lưu, học giả An Chi đã chia sẻ cùng độc giả nhiều điều thú vị về chuyên mục “Chuyện Đông chuyện Tây” cũng như niềm đam mê đọc sách và sự học để chiếm lĩnh tri thức.