Thứ Tư, ngày 11 tháng 12 năm 2024

Sức mạnh tinh thần trong đại dịch

Đại dịch giúp con người hiểu về sự kiên cường, tình yêu thương và sự thích nghi. Ảnh minh họa (Ảnh: Nhiếp ảnh gia Minh Hòa/Thanhuytphcm.vn)

(Thanhuytphcm.vn) - Đại dịch giúp con người hiểu về sự kiên cường, tình yêu thương và sự thích nghi; biến cái hạn chế thành sự tìm tòi vươn lên. Đó chính là sức mạnh tinh thần của người TPHCM, của dân tộc Việt Nam.

1. Dấu vết của nỗi sợ

Quả là không biết tin tức không được, mà biết thì quá tải. Liếc qua báo Singapore: “Malaysia phát hiện ca Omicron đầu tiên một phụ nữ đến từ Nam Phi đi qua Singapore”,  báo Anh: “Nam Phi bị Omicron làm bùng làn sóng thứ tư”. Bây giờ thì Omicron như thống trị các ca bệnh khắp nước Mỹ và đang lan ra thế giới. Đó là chưa kể suốt năm toàn tin nơi nào bùng nơi nào tử vong, ở nước nào biểu tình chống “khóa cửa” và bắt buộc tiêm chủng.

Hết hồn với bản tin ở Anh: Vị bác sỹ nọ dành suốt đêm vật lộn trong bệnh viện  giữa thủ đô London cứu người, sáng bơ phờ ra về thấy ngay ở cổng cảnh biểu tình giăng khẩu hiệu “Covid chỉ là…trò bịp”. Vị bác sỹ viết: “Tôi ghê tởm nhưng chủ yếu là đau lòng. Tôi ước gì họ nhìn thấy những người chết vì Covid ở bệnh viện và những hy sinh ngành Y tế đã làm. Sự hiểu biết của họ đang làm tổn thương người khác…”. Rồi sự lan tràn thông tin sai lệch và chủ nghĩa cực đoan…

Rời tin quốc tế, thì tin trong nước cũng liên tục đầy ắp đâu là vùng xanh vùng vàng, bao giờ mở cửa sau những mất mát - được đi ăn phở cũng là sự kiện. Nhiều người than vãn trên Facebook về cuộc sống tù túng quá. Có hẳn tít bài trên báo “Tương lai du lịch đi từ nhà này sang… nhà khác” - Đại dịch Covid-19 làm đứt đoạn chuỗi cung ứng toàn cầu, sa sút kinh tế và các ca bệnh về sức khỏe tinh thần tăng lên khắp nơi. Lối sống thay đổi. “Chưa bao giờ có kiểu mệt mỏi này trong đời. Tôi cần một từ mới hơn cả từ kiệt sức” - báo Anh viết. Có nơi còn đưa ra yêu cầu “cầu nguyện cho những người kiệt sức”. Nhưng thế giới không dừng lại khi ta kiệt sức.

Nói như một người Israel thì “bài học lớn của đại dịch này là chúng ta không biết tất cả mọi thứ. Virus liên tục làm chúng ta ngạc nhiên”. Điều mà khoa học chưa tính được là sự lây lan toàn cầu chưa cách gì kiểm soát.

Giờ đây thế giới quan tâm 2 chữ “C”: Covid và độ C - môi trường. Dịch Covid-19 đem đến cho con người sự đau khổ mất người thân, lo lắng sức khỏe, mất việc làm, giảm thu nhập, căng thẳng, tức giận nhưng cũng đem cơ hội cho sự đùm bọc và thấu hiểu cảm thông.

Tại Thái Lan, UNICEF khảo sát cho ra con số: Cứ 10 trẻ em thì có 7 trẻ gặp vấn đề sức khỏe tinh thần trong đại dịch. Những “vết sẹo” của việc khóa chặt một thời gian dài nay mở cửa nhưng các “vết sẹo” tình cảm, mất mát người thân và cảm giác cẩn trọng kéo dài của người tiêu dùng, nỗi sợ bệnh tật và những cấm đoán, tuân thủ vẫn còn nhiều dư âm.

Một nhà báo viết lên Facebook - khi đã “sống chung” rồi, chị đã tiêm đủ, có xét nghiệm âm tính của bệnh viện giá trị 72 giờ và sắp rời Hà Nội nhưng vẫn bị ép phải… ngoáy mũi test nhanh trả phí 1 triệu đồng. Các chính sách chậm được rút kinh nghiệm khi TPHCM đã cho những bài học lớn về truy vết cách ly, tiêm chậm, hoãn tiêm người già lúc đầu… khiến số ca tử vong cao, quá ngưỡng của ngành Y tế. Các chính sách mỗi nơi áp dụng một kiểu, có khi vẫn thản nhiên dẫm chân lên cái sai của người đi trước đã chỉ ra.

Dư âm của nỗi sợ khiến cuộc sống càng thêm gian khổ khó khăn. Cuối năm nên đã có những tổng kết: TPHCM chiếm tới 70% số người tử vong của cả nước. “Đau thương mất mát lớn chưa từng có trong lịch sử” (lời Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Văn Nên); chỉ trong những tháng cuối năm có 106.000 doanh nghiệp không thể cầm cự nổi; chỉ từ tháng 7 đến tháng 9/2021 có hơn 1,3 triệu lao động rời TP về quê….

2. Sống can đảm

Nhưng muốn sống cần tình yêu và lòng can đảm, sự sáng suốt soi rọi bởi khoa học. Sự đồng lòng với chính sách sát hợp và cẩn trọng để có thể trở lại cuộc sống, không thể “chạy trốn” mãi. Và như vua hề Chapline Charlie nói lên một quy luật - trên thế gian này không có gì tồn tại mãi, kể cả nỗi buồn phiền của chúng ta.

Giáng sinh vừa rồi Giáo hoàng Francis kêu gọi thế giới hãy tránh xa sự phân cực mâu thuẫn để hàn gắn thế giới từ mâu thuẫn gia đình cho tới các nguy cơ chiến tranh. Việt Nam, và nhất là TPHCM nơi bị ảnh hưởng của đại dịch khốc liệt nhất đã nhanh chóng đứng dậy. Nhìn lại sự kiện 2021 cho thấy Việt Nam tiếp cận vaccine phòng Covid-19 lúc đầu chậm nhưng sau đó đã vươn lên thành nước vào loại nhanh hàng đầu về tiêm chủng. Xuất nhập khẩu nền kinh tế cả nước vẫn giữ được kỷ lục 600 tỷ USD, dù có thay đổi cơ cấu hàng công nghiệp chế biến hơn là xuất khẩu thô nông sản.

Những điều đó chứng tỏ sức mạnh tinh thần của người TPHCM nói riêng và Việt Nam nói chung. Thời kỳ khốc liệt giãn cách, cả nước bảo bọc giúp đỡ lẫn nhau. Báo chí tổng kết năm 2021 là năm ngành Y tế Việt Nam thực hiện những biện pháp chưa từng có, cuộc “điều quân” lớn nhất kể từ sau chiến tranh để chi viện cho TPHCM và các tỉnh phía Nam.

Mặc dù có nhiều tổn thương nhưng con người vẫn kiên cường tìm ra cái gì có thể làm cho cuộc sống tốt hơn. Đại dịch giúp con người hiểu về sự kiên cường, tình yêu thương và sự thích nghi. Giới trẻ học thêm nhiều kỹ năng mới và gần gũi gia đình của mình. Biến cái hạn chế thành sự tìm tòi vươn lên. Đó chính là sức mạnh tinh thần của người TPHCM, của dân tộc Việt Nam.

Nhìn lại sự kiện 2021 cho thấy Việt Nam tiếp cận vaccine phòng Covid-19 lúc đầu chậm nhưng sau đó đã vươn lên thành nước vào loại nhanh hàng đầu về tiêm chủng. (Ảnh: Thanhuytphcm.vn) Nhìn lại sự kiện 2021 cho thấy Việt Nam tiếp cận vaccine phòng Covid-19 lúc đầu chậm nhưng sau đó đã vươn lên thành nước vào loại nhanh hàng đầu về tiêm chủng. (Ảnh: Thanhuytphcm.vn)

3. Tình người là “thuốc”

Ngoài rất nhiều tấm gương nhân ái của cả dân tộc trong cuộc cứu trợ vĩ đại, tôi xin kể hai chuyện từ chính gia đình mình. Ngày bắt đầu có dịch khi Việt Nam còn khá yên, thì các gia đình có con cháu du học Mỹ bắt đầu lo sợ khi bên đó dịch Covid-19 bùng lên cộng với hỗn loạn tranh cử và phân biệt chủng tộc. Nhắn con cháu đeo khẩu trang khi đi tàu xe thì chúng bảo bên đây không ai đeo, mình làm vậy họ kỳ thị. Đúng lúc tôi vô cùng lo lắng thì gia đình GS Trần Hữu Dũng, con của Bác sĩ Trần Hữu Nghiệp (người được đặt tên đường phố ở TPHCM) đã hiểu và chủ động giới thiệu người con gái cũng là bác sĩ đang ở cùng thành phố với các con cháu chúng tôi để phòng xa khi cần có sự giúp đỡ lúc bơ vơ xứ người. Nhận được tin đó chúng tôi vô cùng cảm động và biết ơn. Đúng là tấm lòng nhân hậu của người thầy thuốc ấy đã giúp chúng tôi như có được chiếc phao niềm tin trong giông bão!.

Một câu chuyện khác, đó là sau gần như nửa năm “ở yên trong nhà”, khi bắt đầu “sống chung” với dịch Covid-19, tôi có việc đến một tòa soạn báo, và tiếp xúc gần với em C. Hôm sau có tin báo em C. dương tính, cả tòa báo test rồi báo cho tôi tự lo liệu vì đã tiếp xúc gần. Tôi lo lắng quá, tự cách ly ở nhà, ngăn con cháu không được đến thăm và quyết định chờ khi có triệu chứng mới test. Trong cơn lo lắng khôn nguôi, tôi bèn nhớ ra bạn trên Facebook có một bác sĩ trẻ ở Đồng Nai tên là Nguyễn Thái hay vào trò chuyện. Tôi quý trọng người bác sĩ trẻ này vì thấy anh hay tìm tòi học hỏi nhiều kiến thức về chính trị, văn hóa, lịch sử... Và tất nhiên anh đang rất bận rộn với nhiệm vụ chống dịch, cứu người.

Tôi vào inbox xin ý kiến. Anh bác sĩ trẻ hỏi thăm, hướng dẫn chuẩn bị các loại thuốc phòng bệnh và khuyên: “Bà đừng quá lo sợ. Nếu dương tính thì báo cho cháu. Nếu cần, cháu sẽ… chạy lên TPHCM”. Ôi - sẽ từ Đồng Nai chạy lên TPHCM vì một người bạn chỉ biết nhau trên mạng xã hội - chỉ câu nói chí tình ấy mà từ đêm đó tôi hết lo sợ quá mức và bắt đầu ngủ được, có sức khỏe  - cùng với sự chăm sóc của gia đình - như thuốc thần tiên, tôi đã hoàn toàn trở lại bình thường. Đó chính là “viên thuốc” của lòng nhân hậu.

Nguyễn Thị Ngọc Hải


Ý kiến bạn đọc

refresh
 

Tổng lượt bình luận

Tin khác

Thông báo