Thứ Bảy, ngày 27 tháng 7 năm 2024

Tán thành việc điều chỉnh tên gọi là Luật Căn cước và thẻ căn cước

Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang phát biểu

(Thanhuytphcm.vn) - Tiếp tục chương trình phiên họp giữa 2 đợt của kỳ họp thứ 6, sáng 15/11, tại Nhà Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) cho ý kiến về dự thảo Nghị quyết giám sát chuyên đề “Việc triển khai thực hiện các nghị quyết của Quốc hội về các Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025, giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025, phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2023”.

Theo đó, để bảo đảm kỳ họp gần nhất Quốc hội có thể xem xét thông qua được Nghị quyết về cơ chế, chính sách đặc thù tháo gỡ vướng mắc, đẩy nhanh tiến độ thực hiện trong bối cảnh chỉ còn 2 năm thực hiện các chương trình, đoàn giám sát đề nghị UBTVQH cho phép thể hiện trong dự thảo Nghị quyết giám sát nội dung: thông qua chủ trương xây dựng dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về một số cơ chế, chính sách đặc thù để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đẩy nhanh tiến độ thực hiện các Chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2021-2025. Cùng với đó là cơ chế thí điểm phân cấp cho cấp huyện quyết định cơ cấu nguồn vốn, phân bổ sử dụng vốn ngân sách nhà nước trong triển khai thực hiện các Chương trình mục tiêu quốc gia theo trình tự, thủ tục rút gọn. Giao Chính phủ xây dựng hồ sơ theo trình tự, thủ tục rút gọn, trình Quốc hội tại kỳ họp gần nhất.

Phát biểu tại phiên họp, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang mong muốn Quốc hội cho phép, đồng ý chủ trương xây dựng một Nghị quyết thí điểm theo trình tự rút gọn, để đảm bảo đủ điều kiện theo Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật và kịp trình trong phiên họp gần nhất. Đối với nguồn vốn chuyển sang năm 2024, Phó Thủ tướng mong muốn UBTVQH và Quốc hội thông cảm và thấu hiểu. Bởi mục tiêu của việc chuyển vốn này là rất lớn lao dành cho các địa phương. “Nếu cắt nguồn vốn này thì áp lực giải ngân của Chính phủ có giảm đi, nhưng lại thiệt thòi cho các địa phương. Địa phương đang rất mong chờ, rất cần” - Phó Thủ tướng bày tỏ.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ kết luận nội dung này cho biết, qua thảo luận cho thấy, các đại biểu cơ bản đồng tình với việc ban hành Nghị quyết cơ chế đặc thù theo thể thức rút gọn, nhưng cách thức thể hiện như thế nào cần tiếp tục bàn thảo cụ thể. Các nội dung trong cơ chế đặc thù có cả vấn đề về điều chỉnh danh mục dự án đầu tư… Đây là những nội dung cần được làm rõ thêm.

Đối với các vấn đề về ngân sách như quyết toán ngân sách, kéo dài vốn, Chủ tịch Quốc hội nêu rõ tinh thần là tháo gỡ tối đa vướng mắc trong thực hiện các Chương trình mục tiêu quốc gia nhưng không được để ra xung đột pháp luật.

Trong sáng 15/11, UBTVQH cũng thảo luận về dự thảo Luật Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho biết tại kỳ họp này, khi cho ý kiến về dự thảo luật, các đại biểu đều đánh giá rất cao tính cầu thị và tiếp thu hoàn thiện dự án luật. Chủ tịch Quốc hội gợi ý một số nội dung cần lưu ý, nhấn mạnh trong tiếp thu giải trình lần này. Một là, lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở là lực lượng do chính quyền địa phương thành lập, trên cơ sở tự nguyện của người dân, để hỗ trợ công an cấp xã và giúp cho UBND cùng cấp trong bảo đảm an ninh trật tự. Tính chất tự nguyện tham gia nhưng là tổ chức do chính quyền thành lập. Hai là, cần chỉnh lý câu chữ theo hướng đây là một tổ chức chịu sự lãnh đạo toàn diện của cấp ủy Đảng và quản lý chỉ đạo, điều hành của UBND cấp xã và hướng dẫn. Quan hệ giữa lực lượng an ninh trật tự cơ sở với đoàn thể, tổ chức quần chúng là quan hệ phối hợp

Ba là, nhiệm vụ của lực lượng tham gia bảo vệ an ninh trật tự ở cơ sở đã bổ sung một số nhiệm vụ độc lập để phù hợp với vị trí chức năng của lực lượng này; cần chỉnh lý để phát huy tối đa vai trò của lực lượng này và nâng cao hiệu quả công tác bảo vệ an ninh trật tự cơ sở; nhấn mạnh xác định trách nhiệm liên đới của Công an cấp xã trong chịu trách nhiệm về thực hiện nhiệm vụ của lực lượng ở cơ sở theo quy định của pháp luật. Bốn là, tuyển chọn lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở nên theo hướng có quy định khung độ tuổi.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội họp sáng 15/11 Ủy ban Thường vụ Quốc hội họp sáng 15/11

Chủ tịch Quốc hội đề nghị hoàn thiện dự thảo luật, chú ý rà soát kỹ các điều khoản chuyển tiếp, hiệu lực thi hành để trình Quốc hội xem xét thông qua.

Cũng trong sáng 15/11, UBTVQH thảo luận về việc giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Căn cước.

Báo cáo một số vấn đề lớn về giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Căn cước, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội Lê Tấn Tới cho biết, Luật Căn cước công dân hiện hành chỉ quy định về cấp thẻ Căn cước công dân cho công dân Việt Nam từ 14 tuổi trở lên; dự thảo Luật Chính phủ trình bổ sung đối tượng áp dụng là công dân dưới 14 tuổi và người gốc Việt Nam chưa xác định được quốc tịch đang sinh sống tại Việt Nam (sau đây gọi là người gốc Việt Nam); đối với người gốc Việt Nam thì không cấp thẻ căn cước mà chỉ cấp giấy chứng nhận căn cước. Do đó, việc điều chỉnh tên gọi là Luật Căn cước và thẻ căn cước là hoàn toàn phù hợp cả về phạm vi và đối tượng điều chỉnh của dự thảo luật; đạt các mục đích quản lý và phục vụ Nhân dân. Vì vậy, Thường trực Ủy ban đề nghị UBTVQH cho sử dụng tên gọi Luật Căn cước và thẻ căn cước như Chính phủ trình.

Về cấp, quản lý căn cước điện tử, có ý kiến nhất trí sự cần thiết quy định về căn cước điện tử trong dự thảo Luật. Có ý kiến đề nghị báo cáo thêm về vấn đề bảo mật của thẻ căn cước gắn chip vì dễ bị xâm nhập, theo dõi. Thường trực Ủy ban cho biết, theo báo cáo của cơ quan soạn thảo, thẻ căn cước hiện nay được chế tạo bằng công nghệ tiên tiến, có khả năng bảo mật cao, chống lại việc làm giả thẻ. Trong chip điện tử trên thẻ căn cước có công nghệ xác thực thông qua đối sánh vân tay hoặc khuôn mặt nhằm xác thực chính xác chủ thẻ. Theo đó, khi một người sử dụng thiết bị đọc thông tin lưu trữ trong chip điện tử phải được sự đồng ý của chủ thẻ thông qua phương thức xác thực vân tay, khuôn mặt để được quyền truy cập và truy xuất dữ liệu.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nêu rõ, dự án Luật Căn cước đến nay đạt đồng thuận cao. Dự thảo đảm bảo chất lượng về những yêu cầu đặt ra từ đầu khi xây dựng chính sách, đủ điều kiện để trình Quốc hội xem xét, biểu quyết thông qua…

Trung Kiên


Ý kiến bạn đọc

refresh
 

Tổng lượt bình luận

Tin khác

Thông báo