Thứ Sáu, ngày 3 tháng 1 năm 2025

Tập trung giảm tác hại của ma túy

Bộ trưởng Bộ Công an Lương Tam Quang phát biểu giải trình, làm rõ một số vấn đề đại biểu Quốc hội nêu

(Thanhuytphcm.vn) – Chiều 13/11, Quốc hội thảo luận tại hội trường về chủ trương đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia phòng, chống ma túy đến năm 2030.

Chương trình mục tiêu quốc gia phòng, chống ma túy đến năm 2030 được xây dựng nhằm tập trung giải quyết những vấn đề cấp bách, trọng tâm, khắc phục những tồn tại, hạn chế trong công tác phòng, chống ma túy; tăng cường vai trò, trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức và người dân cùng tham gia với các cơ quan quản lý nhà nước trong công tác phòng, chống ma túy. Đồng thời, tăng cường nguồn lực, đáp ứng yêu cầu đặt ra với công tác phòng, chống ma túy trong tình hình mới, góp phần quan trọng trong bảo vệ sức khỏe mỗi cá nhân, duy trì giống nòi, bảo đảm an ninh xã hội, an ninh con người.

Nhiều ý kiến của đại biểu (ĐB) Quốc hội đồng tình chương trình có ý nghĩa quan trọng trong việc đảm bảo an ninh trật tự của quốc gia, bởi tội phạm ma túy là tội phạm có tính chất xuyên quốc gia và có tính đặc biệt nghiêm trọng, độ liều lĩnh, bất chấp cao.

ĐB Phạm Văn Hòa (Đồng Tháp) cho rằng, về kinh phí cho chương trình thì không nên cào bằng cho các địa phương. Những địa phương nào có tình hình phức tạp về ma túy thì phải tăng cường đầu tư phòng, chống ma túy. Phân tích mối quan hệ cung cầu ma túy, ĐB Phạm Văn Hòa cho rằng, cần phải tăng cường đấu tranh với các loại tội phạm ma túy, nhất là tội phạm mua bán ma túy, trồng cần sa, thuốc phiện..

ĐB Nguyễn Tiến Nam (Quảng Bình) cho rằng, tổng vốn đầu tư dành cho Chương trình còn thấp, đề nghị tăng ở nguồn ngân sách Trung ương và nhất là tăng kinh phí cho các dự án, tiểu dự án do các bộ, ngành chủ trì. Đặc biệt là cần tăng kinh phí cho Bộ Y tế để triển khai các hoạt động chuyên môn y tế liên quan đến phòng, chống ma túy; Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Giáo dục và Đào tạo, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam để đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục về phòng, chống ma túy trong cộng đồng. Khi chưa có chương trình này và chương trình này chưa được thông qua thì công tác phòng chống ma túy đã và vẫn phải được tiến hành thường xuyên, quyết liệt, không ngừng nghỉ. Đại biểu đề xuất Chính phủ ưu tiên bố trí nguồn vốn, chỉ đạo quyết liệt các bộ, ngành liên quan và UBND cấp tỉnh triển khai các nhiệm vụ của Chương trình đảm bảo tiến độ.

ĐB Nguyễn Hoàng Uyên (Long An) cho rằng việc tăng cường cung cấp dịch vụ can thiệp, điều trị cho người sử dụng ma túy, đặc biệt ma túy tổng hợp là cực kỳ cần thiết. Do đó, cần phải tăng cường từ tổ chức bộ máy các tuyến, đào tạo chuyên sâu về lĩnh vực khoa học điều trị nghiện ma túy như liệu pháp tâm lý, can thiệp giảm tác hại, điều trị thay thế, điều trị cắt cơn và điều trị rối loạn tâm thần. Đây là những vấn đề lớn, rất quan trọng mà chưa được quan tâm đầu tư trong khi nhu cầu xã hội ngày càng nhiều.

Đại biểu Trần Văn Sáu (Đồng Tháp) Đại biểu Trần Văn Sáu (Đồng Tháp)

ĐB Trần Văn Sáu (Đồng Tháp) đề nghị Bộ Công an quan tâm khai thác có hiệu quả cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư để rà soát, thống kê, cập nhật số liệu qua đó quản lý tốt hơn người nghiện, người sử dụng trái phép chất ma túy, ưu tiên, bố trí kinh phí cho công tác đấu tranh, công tác xác định tình trạng nghiện, cai nghiện, quản lý người nghiện, người sử dụng trái phép chất ma túy.

Phát biểu giải trình ý kiến các đại biểu, Bộ trưởng Bộ Công an Lương Tam Quang cho biết, các mục tiêu, chỉ tiêu cụ thể của chương trình tập trung vào 3 mục tiêu cụ thể là giảm cung, giảm cầu và giảm tác hại của ma túy. Trên cơ sở tổng kết và đánh giá kết quả đã đạt được trong các giai đoạn trước, chương trình được xây dựng nhằm xác định các mục tiêu và chỉ tiêu sát với thực tiễn công tác phòng, chống ma túy, đồng thời bảo đảm tính khả thi về nguồn lực.

Theo Bộ trưởng, quá trình xây dựng chương trình đã được rà soát kỹ lưỡng để đảm bảo các nhiệm vụ và nội dung đầu tư không trùng lặp với các chương trình, đề án phát triển kinh tế - xã hội khác hiện đang triển khai. Các dự án trong chương trình được thiết kế theo hướng ưu tiên đầu tư trực tiếp cho cơ sở để chủ động làm tốt công tác phòng, chống tội phạm và tệ nạn ma túy từ sớm, từ xa, từ địa bàn, để đảm bảo giảm cung, giảm cầu, giảm tác hại, ngăn chặn, giảm thiểu những hệ lụy của ma túy đối với mỗi người dân, cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp.

Chương trình được thực hiện trên phạm vi cả nước trong 6 năm (2025-2030) gồm 9 dự án thành phần, 6 tiểu dự án do Bộ Công an quản lý chương trình và 8 bộ ngành chủ trì thực hiện các dự án thành phần.

Trung Kiên


Ý kiến bạn đọc

refresh
 

Tổng lượt bình luận

Tin khác

Thông báo