Thứ Năm, ngày 2 tháng 1 năm 2025

Tháo gỡ vướng mắc, đáp ứng yêu cầu thực tiễn trong giải quyết các vụ án, vụ việc về tham nhũng, kinh tế

Các đại biểu dự phiên họp 30/10

(Thanhuytphcm.vn) - Tiếp tục chương trình kỳ họp thứ 8, sáng 30/10, Quốc hội nghe tờ trình và báo cáo thẩm tra về dự thảo Nghị quyết về thí điểm xử lý vật chứng, tài sản trong quá trình điều tra, truy tố, xét xử một số vụ việc, vụ án hình sự.

Trình bày tờ trình về dự thảo Nghị quyết về thí điểm xử lý vật chứng, tài sản trong quá trình điều tra, truy tố, xét xử một số vụ việc, vụ án hình sự, Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao (VKSNDTC) Nguyễn Huy Tiến cho biết, trong những năm qua, công cuộc đấu tranh phòng chống tội phạm, trong đó có tội phạm tham nhũng, kinh tế đã đạt được những kết quả to lớn nhất là các vụ án, vụ việc thuộc diện Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực theo dõi chỉ đạo. Tuy nhiên, thực tiễn hoạt động tố tụng hình sự cho thấy có nhiều khó khăn, vướng mắc đặt ra nhất là trong việc xử lý vật chứng, tài sản trong các vụ án, vụ việc về tham nhũng, kinh tế. Bên cạnh đó cũng còn thiếu các biện pháp để các cơ quan tố tụng thực hiện ngay từ đầu nhằm ngăn chặn sớm việc chuyển dịch, tẩu tán tài sản trước khi có đủ căn cứ áp dụng các biện pháp tố tụng kê biên, phong tỏa…

Do vậy, để bảo đảm khơi thông nguồn lực, giải quyết những vấn đề cấp bách phát sinh, bảo đảm thu hồi sớm, tối đa giá trị tài sản bị thất thoát, chiếm đoạt…, Kết luận số 87-KL/TW ngày 13/7/2024 của Bộ Chính trị về Đề án “Xây dựng cơ chế xử lý vật chứng, tài sản bị tạm giữ, kê biên, phong tỏa trong quá trình điều tra, truy tố, xét xử các vụ án, vụ việc” đã yêu cầu trong năm 2024, VKSNDTC xây dựng và trình Quốc hội ban hành Nghị quyết thí điểm này.

Phạm vi điều chỉnh của dự thảo Nghị quyết đã xác định việc thí điểm xử lý vật chứng, tài sản bị thu giữ, tạm giữ, kê biên, phong tỏa thực hiện ngay từ giai đoạn giải quyết nguồn tin về tội phạm, xuyên suốt quá trình khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử và chỉ áp dụng thí điểm đối với các vụ án, vụ việc hình sự thuộc diện Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực theo dõi, chỉ đạo. Các biện pháp xử lý vật chứng, tài sản bám sát nội dung Đề án xử lý vật chứng, tài sản đã được Bộ Chính trị thông qua.

Dự thảo Nghị quyết quy định 5 biện pháp xử lý vật chứng, tài sản, gồm: 1-trả lại tiền cho bị hại hoặc gửi tiền vào ngân hàng để chờ xử lý; 2-nộp tiền bảo đảm để hủy bỏ việc thu giữ, tạm giữ, kê biên, phong tỏa; cho phép mua bán, chuyển nhượng vật chứng, tài sản và xử lý tiền thu được từ việc mua bán, chuyển nhượng; 3-giao vật chứng, tài sản cho chủ sở hữu, người quản lý hợp pháp để quản lý, khai thác, sử dụng; 4-tạm ngừng giao dịch; 5-tạm dừng việc đăng ký, chuyển quyền sở hữu, sử dụng tài sản. Đối với từng biện pháp, đều quy định rõ nội dung, điều kiện áp dụng, thẩm quyền, đối tượng.

Báo cáo thẩm tra, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội Lê Thị Nga cho biết, Ủy ban Tư pháp tán thành sự cần thiết ban hành Nghị quyết. Đây là các biện pháp chưa được quy định trong pháp luật tố tụng hình sự, nhưng qua thực tiễn giải quyết các vụ án hình sự về kinh tế, tham nhũng, chức vụ cho thấy, việc thí điểm các biện pháp này sẽ góp phần giải quyết cơ bản những vướng mắc, bất cập hiện nay. Kết quả thí điểm sẽ tạo cơ sở thực tiễn cho việc hoàn thiện pháp luật về hình sự, tố tụng hình sự trong thời gian tới.

Thời gian thí điểm áp dụng từ ngày 1/1/2025 và được thực hiện không quá 3 năm.

Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội Lê Thị Nga Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội Lê Thị Nga

Cùng ngày, Quốc hội nghe tờ trình và Báo cáo thẩm tra về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quy hoạch, Luật Đầu tư, Luật đầu tư theo phương thức đối tác công tư và Luật Đấu thầu.

Trình bày tờ trình về dự án Luật, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết, Luật được xây dựng nhằm kịp thời tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc cấp thiết về thể chế, đơn giản hóa thủ tục hành chính và đẩy mạnh phân cấp, phân quyền trong lĩnh vực quy hoạch, đầu tư kinh doanh, đầu tư theo phương thức đối tác công tư và đấu thầu.

Trong đó, đối với Luật Đầu tư, dự thảo phân quyền chấp thuận chủ trương đầu tư của Thủ tướng Chính phủ cho UBND cấp tỉnh đối với: dự án đầu tư xây dựng và kinh doanh kết hạ tầng khu công nghiệp, khu chế xuất; dự án đầu tư xây dựng mới bến cảng, khu bến cảng có quy mô vốn đầu tư dưới 2.300 tỷ đồng thuộc cảng biển đặc biệt và dự án đầu tư không phân biệt quy mô thuộc phạm vi bảo vệ của khu vực I và khu vực II của di tích được cấp có thẩm quyền công nhận là di tích quốc gia, di tích quốc gia đặc biệt, trừ các dự án đầu tư thuộc khu vực bảo vệ I của di tích quốc gia đặc biệt thuộc Danh mục di sản thế giới nhằm tạo chủ động cho các địa phương.

Bên cạnh đó, sửa đổi một số nội dung của Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư theo hướng khuyến khích thực hiện phương thức PPP đối với tất cả các dự án thuộc lĩnh vực đầu tư công nhằm cung cấp sản phẩm, dịch vụ công, trừ các dự án thuộc lĩnh vực Nhà nước độc quyền hoặc dự án thuộc lĩnh vực quốc phòng, an ninh và trật tự, an toàn xã hội; bãi bỏ hạn mức về quy mô vốn đầu tư tối thiểu để thực hiện dự án PPP; giao bộ, ngành và địa phương xem xét và chịu trách nhiệm quyết định lựa chọn dự án phù hợp với nhu cầu và điều kiện thực hiện của nhà đầu tư…

Thẩm tra nội dung này, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh cho biết, Ủy ban Kinh tế cơ bản nhất trí với sự cần thiết sửa đổi, bổ sung các luật thuộc dự án Luật. Tuy nhiên, đề nghị Chính phủ chỉ đạo các cơ quan liên quan rà soát, chỉnh lý các dự thảo luật để bảo đảm sự thống nhất của hệ thống pháp luật; tránh một nội dung quy định tại nhiều luật dẫn tới chồng chéo, mâu thuẫn, gây khó khăn trong quá trình áp dụng pháp luật; đơn giản hoá trình tự, thủ tục để đẩy nhanh tiến độ lập, thẩm định, phê duyệt và điều chỉnh quy hoạch.

Trung Kiên


Ý kiến bạn đọc

refresh
 

Tổng lượt bình luận

Tin khác

Thông báo