Đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của độc giả
Nhận thức sâu sắc việc thực hiện Chỉ thị 42 của Ban Bí thư là hoạt động cụ thể để triển khai Nghị quyết Trung ương 5 khóa VIII về xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, Thành ủy TPHCM quan tâm sâu sắc việc chỉ đạo, định hướng hoạt động xuất bản - in - phát hành phục vụ nhiệm vụ tuyên truyền, giáo dục chính trị, tư tưởng, nâng cao kiến thức trên các lĩnh vực, đáp ứng nhu cầu đọc của nhân dân đồng thời với việc thực hiện tốt nhiệm vụ kinh doanh.
Theo tham luận của Sở Thông tin và Truyền thông TP, trong 10 năm qua, 3 NXB của thành phố (NXB Tổng hợp, NXB Trẻ, NXB Văn hóa-Văn nghệ) đã xuất bản 33.233 tựa sách với gần 98 triệu bản, đạt doanh thu khoảng 818 tỷ đồng, trung bình tăng 8,88% mỗi năm. So với tổng kết 5 năm thực hiện Chỉ thị 42, doanh thu đã tăng gấp 3 lần, trung bình mỗi năm tăng 9% (so với trước là 8%); số tựa sách tăng gấp 3 lần, số bản sách tăng hơn 2,5 lần. NXB Trẻ và NXB Tổng hợp đã xây dựng được tủ sách điện tử với hơn 6.000 bản sách, phục vụ tốt hơn nhu cầu bạn đọc hiện nay.
Ngành in của TP ngoài việc tăng cường đổi mới công nghệ đã có những bước phát triển mạnh mẽ về số lượng cơ sở sản xuất cũng như chất lượng sản phẩm ngày càng nâng cao, đáp ứng nhu cầu xã hội và khả năng hội nhập quốc tế. Hoạt động phát hành sách tại TP giữ vai trò chủ chốt trên thị trường, đi đầu trong việc xuất và nhập sách phục vụ bạn đọc trong và ngoài nước. Trên địa bàn TP, có hơn 250 cửa hàng kinh doanh sách, các công ty phát hành sách cấp TP đã phát triển mạng lưới hơn 121 cửa hàng trong cả nước, như: FAHASA có 67 chi nhánh, Phương Nam có 33 chi nhánh, Thành Nghĩa có 16 chi nhánh...
Bên cạnh những con số ấn tượng trên, chất lượng các xuất bản phẩm được nâng cao toàn diện. Đề tài, nội dung phong phú, đa dạng đáp ứng nhu cầu bạn đọc. Các NXB có ý thức xây dựng và đầu tư các tủ sách chính trị, sách truyền thống lịch sử; đẩy mạnh biên tập sách khoa học tự nhiên, khoa học xã hội, sách giáo khoa, giáo trình; có cơ chế trợ giá cho mảng sách chất lượng cao “kén độc giả”, ưu tiên sách về Chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, công trình nghiên cứu khoa học ứng dụng, nghiên cứu lịch sử, văn hóa dân tộc...
Đặc biệt, trong 5 năm trở lại đây, mảng đề tài về chủ quyền biển đảo, tuyên truyền và phổ biến pháp luật, chính sách đối ngoại được chú trọng khai thác. Mảng sách ngoại văn có giá trị được NXB Trẻ, NXB Tổng hợp mạnh dạn đầu tư mua bản quyền, biên dịch và nhanh chóng xuất bản giúp độc giả kịp thời cập nhật thông tin, kiến thức nhiều nước trên thế giới... Hình thức các ấn phẩm ngày càng đẹp, hình thức xuất bản đổi mới liên tục (in nguyên tác, sách chuyên đề, sách ảnh, sách nói...) đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của độc giả.
Chăm lo phát triển nhu cầu văn hóa đọc
Phát biểu tại hội nghị, Cục trưởng Cục Xuất bản, In và Phát hành (Bộ Thông tin và Truyền thông) Chu Văn Hòa đánh giá cao kết quả của TPHCM trong thực hiện Chỉ thị 42. Các công ty phát hành không chỉ đáp ứng cho TP mà còn cả khu vực và vươn ra toàn quốc, nhất là hệ thống FAHASA trải dài trên cả nước. Ở TPHCM đã có những NXB được xem là mô hình cần nhân rộng, cần phải kiến nghị Ban Bí thư nghiên cứu để rút kinh nghiệm, có kế hoạch hỗ trợ để tiếp tục phát triển.
Tổng Biên tập, Giám đốc NXB Trẻ Nguyễn Minh Nhựt cho biết: trong hệ thống 63 NXB của cả nước, chỉ duy nhất NXB Trẻ là NXB của một đoàn thể địa phương – Thành đoàn TPHCM và là đơn vị đầu tiên “xé rào” để xã hội hóa, làm liên kết xuất bản. Đến nay, liên kết xuất bản đã đóng vai trò quan trọng trong ngành xuất bản khi đã chiếm hơn 70% số lượng xuất bản phẩm hàng năm của NXB Trẻ. Xuất bản trung bình 1.800 tựa sách/năm, trong đó số lượng sách tự doanh (sách A) chiếm khoảng 80%, tự chủ về tài chính và hoàn thành nhiệm vụ chính trị được giao, NXB Trẻ là một trong những đơn vị xuất bản uy tín hàng đầu của thành phố và cả nước.
Ngoài điểm sáng trên, thành quả cao nhất và đáng tự hào mà hoạt động xuất bản TPHCM đã làm được trong 10 năm qua là: chăm lo phát triển nhu cầu văn hóa đọc trong các tầng lớp nhân dân. Với những sự kiện cụ thể như: Hội sách TPHCM qua 8 lần tổ chức (tổ chức từ năm 2000 và 2 năm một lần), số lượng người đến tham gia, số sách bán ra, doanh thu hội sách... ngày càng tăng và có sức lan tỏa trong cả nước. Đây không còn là hội sách của riêng TPHCM mà là hoạt động mang tầm quốc gia. Qua 4 lần tổ chức (từ năm 2011), đường sách dịp Tết Âm lịch phục vụ độc giả, khách tham quan, khách du xuân đã trở thành nét văn hóa đặc biệt ngày xuân của TP, thu hút và tạo ấn tượng với cả khách quốc tế. Đặc biệt, chương trình xe sách lưu động đưa sách đến phục vụ nhân dân vùng ven, vùng sâu, vùng xa, phát triển hệ thống phòng đọc ở các xã nông thôn mới... không chỉ là nhiệm vụ chính trị mà còn thể hiện tình cảm, trách nhiệm của đơn vị thực hiện là Thư viện Tổng hợp TPHCM, là sự quan tâm của Thành ủy trong việc nâng cao chất lượng sống của nhân dân...
Nỗ lực cho nhiệm vụ mới
Phát biểu tổng kết hội nghị, đồng chí Thân Thị Thư đánh giá cao những kết quả đã đạt được trong hoạt động xuất bản của TPHCM. Đồng thời chỉ ra những hạn chế phải khắc phục, đó là: còn thiếu những ấn phẩm chất lượng cao, nhất là những nghiên cứu lý luận về chủ nghĩa Mác - Lênin, những đề tài phản bác luận điệu sai trái, xuyên tạc của các thế lực thù địch; công tác chi trả tác quyền chưa tốt, sách lậu còn hoành hành làm thị trường sách TP chưa lành mạnh và chuyên nghiệp; hoạt động liên kết tạo cơ hội phát huy nguồn lực xã hội nhưng vẫn còn biểu hiện lợi dụng, cố ý làm sai; công tác phát triển Đảng, bồi dưỡng lý luận chính trị cho lực lượng hoạt động trong ngành còn yếu, chưa đáp ứng nhiệm vụ trong tình hình mới. Đồng chí đề nghị trong thời gian tới các đơn vị xuất bản cần tập trung tuyên truyền, phổ biến sâu rộng Chỉ thị 42, Luật Xuất bản, các văn bản pháp quy về hoạt động xuất bản trong đời sống; quan tâm công tác quy hoạch tạo nguồn nhân lực giai đoạn 2015 – 2020, chú ý công tác phát triển Đảng trong đội ngũ xuất bản; tập trung xây dựng năng lực hoạt động xuất bản, nâng cao hiệu quả kinh tế, xây dựng được mô hình mới phù hợp với xu thế xuất bản hiện đại theo quy hoạch; tăng cường quản lý đảm bảo điều kiện tài chính, nhân lực và cơ chế giúp các đơn vị xuất bản phát triển thuận lợi; các đơn vị tập trung cho hoạt động chuyên môn, xây dựng chiến lược phát triển đúng với tôn chỉ, mục đích từng đơn vị, chủ động bồi đắp nguồn nhân lực... Tiếp thu ý kiến đóng góp tại hội nghị, Thành ủy sẽ quan tâm thấu đáo hơn việc xây dựng một chiến lược phát triển toàn diện về sách cho TP nhằm bồi đắp tâm hồn con người Việt Nam hiện nay.
Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị, Phó Vụ trưởng Vụ Báo chí - Xuất bản (Ban Tuyên giáo Trung ương), thành viên Ban Chỉ đạo Trung ương tổng kết 10 năm thực hiện Chỉ thị 42 Nguyễn An Tiêm ghi nhận những thành quả ấn tượng mà ngành xuất bản TPHCM đã đạt được trong 10 năm qua. Để tiếp tục thực hiện nghiêm túc, hiệu quả Chỉ thị 42-CT/TW, TP cần tiếp tục nâng cao nhận thức của các cấp ủy Đảng, các cơ quan quản lý Nhà nước, cơ quan chủ quản và cả xã hội về vị trí, vai trò của hoạt động xuất bản; Tập trung thực hiện có hiệu quả định hướng phát triển, 5 nhiệm vụ, 6 giải pháp nêu trong Chỉ thị 42; Tập trung xây dựng, bổ sung điều chỉnh các cơ chế, chính sách, tạo điều kiện thuận lợi về nhân lực, vốn, cơ sở vật chất, kỹ thuật, công nghệ cho hoạt động xuất bản phát triển.
Trước năm 2004, TPHCM có 3 nhà xuất bản (NXB), 72 cơ sở in công nghiệp quốc doanh, 6 công ty phát hành sách. Hiện tại, TPHCM có: 3 NXB do TP quản lý (NXB Tổng hợp, NXB Văn hóa - Văn nghệ, Công ty TNHH MTV NXB Trẻ); 4 NXB do cơ quan Trung ương quản lý nhưng tổ chức Đảng trực thuộc Đảng bộ TPHCM; 7 văn phòng đại diện của NXB nước ngoài; 29 NXB của Trung ương và địa phương có chi nhánh hoặc văn phòng đại diện thường trú; 250 cơ sở in có thiết bị in công nghiệp, khoảng 2.000 cơ sở có liên quan đến hoạt động in; 28 công ty phát hành đăng ký kinh doanh cấp TP và gần 300 công ty, doanh nghiệp kinh doanh phát hành sách trên địa bàn. |