Tham dự có các đồng chí: Nguyễn Văn Nên, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TPHCM; Phan Văn Mãi, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND TPHCM; Nguyễn Hồ Hải, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy TPHCM; Nguyễn Thị Lệ, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND TPHCM; Nguyễn Phước Lộc, Phó Bí thư Thành ủy, Bí thư Đảng đoàn, Chủ tịch Ủy Ủy ban MTTQ Việt Nam TPHCM.
Triển khai sớm nhất, nhanh nhất, kịp thời nhất và hiệu quả nhất
Tại Hội nghị, đồng chí Văn Thị Bạch Tuyết, Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Trưởng Ban Tổ chức Thành ủy TPHCM đã báo cáo về triển khai thực hiện Kết luận số 09-KL/BCĐ ngày 24/11/2024 về tổng kết việc thực hiện Nghị quyết số 18-NQ/TW ngày 25 tháng 10 năm 2017 của Ban Chấp hành Trung ương khóa XII “Một số vấn đề về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống, chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả”.
Đồng chí Văn Thị Bạch Tuyết cho biết, Ban Thường vụ Thành ủy thống nhất rất cao về quan điểm, chỉ đạo của Trung ương và xác định chủ trương của Bộ Chính trị về tổng kết Nghị quyết số 18-NQ/TW và sắp xếp, hoàn thiện tổ chức, bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả phải được triển khai với quyết tâm chính trị cao nhất; xem đây là nhiệm vụ đặc biệt quan trọng, là cuộc cách mạng về tinh gọn tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị, cần phải thống nhất rất cao về nhận thức, tạo sự đồng thuận, chấp hành nghiêm trong hệ thống chính trị. Các cấp ủy, tổ chức đảng, cơ quan, đơn vị thuộc cấp TP, cấp quận, huyện, trước hết là cán bộ lãnh đạo, người đứng đầu cần gương mẫu, chủ động, quyết liệt trong thực hiện nhiệm vụ này. Cần khẩn trương triển khai các công việc theo tinh thần “vừa chạy vừa xếp hàng”; cấp TP không chờ cấp huyện, cấp huyện không chờ cơ sở, triển khai sớm nhất, nhanh nhất, kịp thời nhất và hiệu quả nhất.
Theo đồng chí Văn Thị Bạch Tuyết, nhiệm vụ sắp xếp, tinh gọn tổ chức, bộ máy là công việc rất khó khăn, nhạy cảm, phức tạp, ảnh hưởng trực tiếp đến nhiều người trong từng tổ chức, đòi hỏi phải có sự đoàn kết, thống nhất, đồng thuận, quan tâm cao, dũng cảm và hy sinh lợi ích cá nhân, vì lợi ích chung của từng đảng viên, cán bộ, công chức, viên chức, người lao động. Thực hiện đồng bộ việc tinh gọn tổ chức bộ máy gắn với cơ cấu lại và xây dựng đội ngũ cán bộ đủ phẩm chất, năng lực, uy tín ngang tầm nhiệm vụ, có biên chế hợp lý, đồng thời đẩy mạnh chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ thông tin mạnh mẽ. Mặc dù khẩn trương nhưng việc sắp xếp tinh gọn tổ chức bộ máy cần được nghiên cứu kỹ lưỡng, đánh giá kỹ tác động để có được phương án chất lượng tốt nhất.
Khắc phục triệt để tình trạng chồng chéo về chức năng, nhiệm vụ
Đồng chí Văn Thị Bạch Tuyết cho biết, trên cơ sở một số gợi ý, định hướng sắp xếp tinh gọn tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị ban hành kèm theo Kết luận 09-KL/BCĐ, Ban Thường vụ Thành ủy có một số định hướng bước đầu.
Cụ thể là bám sát Kết luận số 09-KL/BCĐ của Ban Chỉ đạo Trung ương khi xây dựng đề án sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị TP, cơ bản nghiên cứu sắp xếp các tổ chức Đảng cấp trên cơ sở trực thuộc Thành ủy theo gợi ý của Ban Chỉ đạo Trung ương tại Kết luận số 09-KL/BCĐ. Về bộ máy chính quyền, nghiên cứu đề xuất sắp xếp theo hướng Trung ương có bộ nào thì TP có cơ quan cấp sở tương ứng, đảm bảo nguyên tắc một cơ quan thực hiện nhiều việc, một việc chỉ giao 1 cơ quan chủ trì và chịu trách nhiệm chính; khắc phục triệt để tình trạng chồng chéo về chức năng, nhiệm vụ, chia cắt về địa bàn, lĩnh vực, nhiều tổ chức trung gian cồng kềnh, đảm bảo hoạt động thông suốt, hiệu lực, hiệu quả.
Cùng với đó là nghiên cứu sắp xếp các đơn vị sự nghiệp công lập, các đơn vị trực thuộc Thành ủy, UBND TP. Định hướng sắp xếp tổ chức bộ máy các cơ quan cấp huyện phù hợp với định hướng chung và thực tiễn TP. Quá trình xây dựng đề án có tổ chức đánh giá tác động, nghiên cứu, đề xuất giải pháp giải quyết phù hợp với đặc thù TP.
Trên cơ sở rà soát tình hình tổ chức cơ sở đảng và hệ thống các cơ quan thuộc chính quyền TP, Ban Thường vụ Thành ủy định hướng một số nội dung.
Theo đó, về Khối Đảng, đề xuất sáp nhập Ban Tuyên giáo và Ban Dân vận Thành ủy; nghiên cứu kết thúc hoạt động của 11 đảng đoàn; 3 Ban cán sự đảng và Đảng ủy Khối Dân - Chính - Đảng TP. Thành lập mới 2 Đảng bộ trực thuộc Thành ủy gồm: Đảng bộ cơ quan đảng, đoàn thể, tư pháp TP và Đảng bộ Khối chính quyền TP.
Chuyển các tổ chức đảng trong các cơ quan, đơn vị của Đảng, Văn phòng Đoàn Đại biểu Quốc hội và HĐND TP, MTTQ, các tổ chức chính trị - xã hội, Viện Kiểm sát nhân dân, Tòa án nhân dân, các tổ chức đảng trong các hội quần chúng do Đảng, Nhà nước giao nhiệm vụ về thuộc Đảng bộ cơ quan Đảng, đoàn thể, tư pháp TP.
Cùng với đó là chuyển các tổ chức đảng trong các cơ quan chuyên môn, đơn vị sự nghiệp trực thuộc UBND TP và 24 đảng bộ cấp trên cơ sở về trực thuộc Đảng bộ chính quyền (trừ 3 Đảng bộ Quân sự, Đảng bộ Công an, Đảng bộ Bộ đội Biên phòng TP), đảng bộ cấp trên cơ sở các Tổng công ty Nhà nước, các Đảng bộ Lực lượng Thanh niên xung phong TP, Đảng bộ Liên hiệp Hợp tác xã Thương mại TP, Đảng bộ Ban quản lý các Khu chế xuất và Công nghiệp TP, Đảng bộ Cục Hải quan TP, Đảng bộ Viễn thông TP, Đảng bộ Bưu điện TP; Đảng bộ Đại học Quốc gia TP; Đảng bộ Khối Đại học, Cao đẳng TP; Đảng bộ Khối các cơ quan Trung ương tại TP; Đảng bộ Khối Doanh nghiệp TP; Đảng bộ Khối cơ sở Bộ Y tế; Đảng bộ Khối cơ sở Bộ Tài nguyên và Môi trường (sau khi chuyển giao 11 tổ chức cơ sở đảng về trực thuộc Đảng bộ Bộ Tài nguyên và Môi trường); Đảng bộ Khối cơ sở Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (sau khi chuyển giao 25 tổ chức cơ sở đảng về trực thuộc Đảng bộ Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn); Đảng bộ Sở Y tế; Đảng bộ Sở Giáo dục và Đào tạo; Đảng bộ Sở Lao động, Thương binh và Xã hội; Đảng bộ Sở Giao thông vận tải). Nghiên cứu chuyển giao một số tổ chức cơ sở đảng loại hình doanh nghiệp, sự nghiệp về trực thuộc các quận ủy, huyện ủy và thành ủy Thủ Đức. Sau khi sắp xếp theo định hướng trên, Đảng bộ TP còn 27 đảng bộ trực thuộc, giảm 24 đảng bộ.
Các đại biểu tham dự hội nghị Về Khối chính quyền, nghiên cứu sáp nhập các cơ quan chuyên môn, cơ quan hành chính khác thuộc UBND TP trên nguyên tắc Trung ương có bộ nào thì TP có sở tương ứng. Theo đó, sẽ nghiên cứu sáp nhập 10 sở, nghiên cứu kết thúc hoạt động 2 sở, nghiên cứu sắp xếp các cơ quan Ban Đổi mới quản lý Doanh nghiệp, Ban Quản lý Khu Nông nghiệp Công nghệ cao, Ban Quản lý Khu Công nghệ cao, Ban Quản lý Khu Chế xuất – Khu Công nghiệp TP và Văn phòng Thường trực Ban An toàn giao thông TP.
Nếu thực hiện theo phương án này sẽ giảm 8 sở và 5 cơ quan hành chính khác thuộc UBND TP.
Nghiên cứu sắp xếp các đơn vị sự nghiệp thuộc UBND TP gồm các Ban Quản lý, đơn vị sự nghiệp báo chí, giáo dục y tế... Nghiên cứu kết thúc hoạt động, sáp nhập đối với một số Ban chỉ đạo cấp thành, chỉ giữ lại các Ban chỉ đạo có chức năng, nhiệm vụ cần thiết. Từng cơ quan đơn vị trực thuộc TP xây dựng đề án sắp xếp các đơn vị trực thuộc.
Đối với cấp huyện, nghiên cứu xây dựng đề án sắp xếp tinh gọn tổ chức bộ máy. Theo đó, đề xuất sáp nhập Ban Dân vận và Ban Tuyên giáo, đề xuất thành lập đảng bộ khối đảng, đoàn thể, tư pháp cấp huyện và đảng bộ khối chính quyền cấp huyện. Nghiên cứu đề xuất sáp nhập phòng Kinh tế và phòng Tài chính - Kế hoạch; kết thúc hoạt động đối với phòng Lao động - Thương binh và xã hội. Nghiên cứu đề xuất sắp xếp các đơn vị sự nghiệp trực thuộc. Riêng TP Thủ Đức có nghiên cứu đề xuất phù hợp với đặc điểm, tình hình.
Việc sắp xếp tổ chức bộ máy tiến hành song song với công tác Đại hội Đảng bộ và các công tác thường xuyên khác. Ban Tổ chức đề xuất một số nội dung sau cần được các đồng chí lãnh đạo cấp ủy, chính quyền các địa phương đơn vị quan tâm hỗ trợ, phối hợp và tập trung triển khai thực hiện nhằm hoàn thành nhiệm vụ chung của TP.