Đến dự có Uỷ viên Ban Thường vụ Thành ủy, Chủ tịch Uỷ ban MTTQ Việt Nam TP Tô Thị Bích Châu; Thành ủy viên, Phó Trưởng ban Dân vận Thành ủy TP Nguyễn Văn Lưu; Thành ủy viên, Chủ tịch Hội LHPN TP Nguyễn Trần Phượng Trân; Phó Trưởng ban Văn hoá và Xã hội HĐND TP Trần Hải Yến và 180 em nữ sinh nhận học bổng Nguyễn Thị Minh Khai.
Báo cáo tại hội nghị cho biết, từ 119 suất học bổng, trị giá 8.610.000 đồng vào năm 1989-1990, đến nay sau 30 năm thực hiện, Chương trình học bổng Nguyễn Thị Minh Khai đã trao được tổng cộng 263.192 suất với hơn 179,8 tỷ đồng, trong đó có 6.793 suất học bổng dành cho bậc cao đẳng, đại học; 38.956 suất học bổng dành cho trung học phổ thông; 90.525 suất học bổng dành cho trung học cơ sở và 126.918 suất học bổng dành cho tiểu học.
Qua 30 năm thực hiện Chương trình học bổng Nguyễn Thị Minh Khai đã có 263.192 lượt em học sinh, sinh viên thụ hưởng từ chương trình học bổng Nguyễn Thị Minh Khai, trong đó có 29.787 em nhận học bổng từ 4 niên học; 23.405 em nhận học bổng từ 5 niên học và 20.071 em nhận học bổng từ 6 niên học trở lên. 96.858 em thành đạt từ chương trình học bổng Nguyễn Thị Minh Khai, trong đó có 1.218 em trở thành doanh nhân, 368 em phục vụ trong quân đội, 1.761 em công tác trong ngành khoa học kỹ thuật, 15.956 em hiện là công nhân viên, nhân viên của các cơ quan Nhà nước, công ty nước ngoài, công nhân tại các nhà máy, xí nghiệp và 25.645 em làm việc trong nhiều lĩnh vực ngành nghề khác nhau.
Đặc biệt, từ năm học 2019-2020, Hội LHPN TPHCM tổ chức dự án “Nâng bước em đi”, xét chọn hỗ trợ 10 em trong học bổng Nguyễn Thị Minh Khai thi đậu đại học có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn để tiếp tục trợ sức các em có điều kiện đến trường, với mức hỗ trợ là 18 triệu/năm. Trong đó, cứ sau một học kỳ thì Hội sẽ gặp các em một lần để trao đổi và ghi nhận kết quả học tập của các em, chia sẻ những khó khăn trong quá trình học tập, khuyến khích các em tham gia các chương trình xã hội cộng đồng do trường học, Hội LHPN TP tổ chức, qua đó giáo dục ý thức trách nhiệm với cộng đồng cho các em.
Phát biểu tại chương trình, Chủ tịch Hội LHPN TP Nguyễn Trần Phượng Trân cho biết: Trải qua 30 năm thực hiện Chương trình học bổng Nguyễn Thị Minh Khai đã lan tỏa sâu rộng đến các cơ sở Hội. Đây là mang thông điệp của tình yêu thương cao đẹp, sự chia sẻ và trách nhiệm xã hội trong cộng đồng của các đơn vị, quý doanh nghiệp, mạnh thường quân và đáng trân trọng là sự năng động của các tổ chức Hội, cán bộ Hội ở cơ sở bằng các phong trào thực hành tiết kiệm “nuôi thỏ ngọc – heo đất” để nuôi dưỡng nguồn thu cho quỹ học bổng năm sau luôn cao hơn năm trước.
Bên cạnh đó, Hội LHPN các cấp còn trợ vốn, vận động xây dựng mái ấm tình thương, nhà tình nghĩa cho các gia đình có con được xét cấp học bổng Nguyễn Thị Minh Khai. Tạo nguồn động viên giúp các gia đình cam kết bảo đảm cho các em tiếp tục việc học, để trở thành con ngoan trò giỏi, người công dân có ích cho xã hội.
Phát huy những thành quả đạt được trong 30 năm qua, trong thời gian sắp tới để duy trì và phát triển quỹ học bổng Nguyễn Thị Minh Khai, Chủ tịch Hội LHPN TP Nguyễn Trần Phượng Trân đề nghị Hội Phụ nữ các cấp đẩy mạnh công tác tuyên truyền về mục đích, ý nghĩa của chương trình học bổng Nguyễn Thị Minh Khai gắn với cuộc vận động “Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức và phong cách Hồ Chí Minh” phấn đấu vận động hàng năm trên 8.000 suất học bổng để tặng các em học sinh, sinh viên nghèo hiếu học trên địa bàn TP. Tiếp tục duy trì, phát huy và nâng chất các mô hình, cách làm hiệu quả từ chương trình học bổng Nguyễn Thị Minh Khai như mô hình nhóm các bà mẹ có con nhận học bổng Nguyễn Thị Minh Khai, phong trào “Heo đất - Thỏ ngọc”, phong trào “Địa chỉ xanh”, công trình “Góc học tập”. Đồng thời, tăng cường công tác kiểm tra quản lý nguồn thu chi, trao học bổng phải đúng đối tượng và tiêu chí đã quy định về số suất và trị giá mỗi suất học bổng. Ngoài ra, quan tâm hơn đến các em nhận học bổng là con em của các gia đình tích cực tham gia cuộc vận động “Xây dựng gia đình 5 không, 3 sạch”, chủ yếu là các hộ chưa đạt và các hộ có con em đang công tác tại các vùng biên giới, biển đảo của Tổ quốc…
“Không gì quý hơn việc gieo những hạt mầm yêu thương, sự chia sẻ, để các em học sinh được nuôi dưỡng ước mơ khi còn trên ghế nhà trường và tạo sự tự tin đi vào đời, bằng sự nỗ lực, vượt khó, vươn lên của các em và từ đó tiếp tục truyền yêu thương, sự tử tế đến với những người xung quanh mình. Đó là giá trị bền vững và nhân văn nhất trong 30 năm qua, học bổng Nguyễn Thị Minh Khai đã thắp sáng, đã dưỡng nuôi.”- Chủ tịch Hội LHPN TP Nguyễn Trần Phượng Trân khẳng định.
Phát biểu tại chương trình, Chủ tịch Uỷ ban MTTQ Việt Nam TP Tô Thị Bích Châu ghi nhận và đánh giá cao những nỗ lực của hệ thống chính trị từ TP đến cơ sở sự góp sức tích cực và trách nhiệm của các cơ sở tôn giáo, doanh nghiệp với tinh thần “tương thân, tương ái” góp phần tiếp sức cho các em học sinh, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn vươn lên trong học tập, giúp các em hình thành nhân cách tốt, sống có ích cho gia đình và xã hội. Bên cạnh đó, các cấp cơ sở Hội luôn sáng tạo, đổi mới phương thức, nội dung hoạt động, tiếp tục tuyên truyền, vận động thúc đẩy phong trào khuyến học, khuyến tài để chương trình học bổng Nguyễn Thị Minh Khai ngày một bền vững và phát triển.
Trong thời gian tới, Chủ tịch Uỷ ban MTTQ Việt Nam TP Tô Thị Bích Châu đề nghị các cấp Hội tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền về mục đích, ý nghĩa của chương trình học bổng, huy động được đông đảo mọi tầng lớp trong xã hội đồng tình hưởng ứng và xem đây là những việc làm cụ thể để quan tâm, chăm sóc thế hệ trẻ. Các cấp Hội cần quan tâm hỗ trợ học bổng đối với các cháu là con của các gia đình hội viên khó khăn tích cực tham gia các hoạt động Hội, nhất là các cháu có cha, mẹ đang công tác tại các vùng biên giới, hải đảo. Bên cạnh đó, tiếp tục phấn đấu nâng chất các suất học bổng, duy trì, phát huy và mở rộng nhiều mô hình, phương thức đóng quỹ để quỹ thật sự là cứu cánh của các em học sinh có hoàn cảnh khó khăn muốn vươn lên để học tập.
Tại chương trình, Hội LHPN TPHCM đã trao 180 suất học bổng và quà cho các em học sinh, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn TP với hơn 650 triệu đồng. Trong đó, có 5 suất tiểu học với 1,5 triệu đồng/suất; 7 suất trung học cơ sở với 2 triệu đồng/suất; 57 suất trung học phổ thông với 2 triệu đồng/suất; 96 suất đại học với 3 triệu đồng/suất và 15 suất cao đẳng, đại học “Nâng bước em đi”, trong đó cao đẳng với 12 triệu đồng/suất, đại học với 18 triệu đồng/suất.