(Website TU) - Sáng 23/1, tại TPHCM, Bộ Giáo dục và Đào tạo phối hợp Đại học Quốc gia TPHCM tổ chức hội thảo khoa học quốc gia với chủ đề “Nâng cao chất lượng giảng dạy, học tập các môn lý luận chính trị trong các trường đại học, cao đẳng”.
Chưa đáp ứng được nhu cầu đổi mới
Tại hội thảo, các đại biểu cho rằng, những năm qua đội ngũ làm công tác nghiên cứu, giảng dạy lý luận chính trị đã bám sát các vấn đề lý luận; thường xuyên tìm tòi, đổi mới phương pháp giảng dạy, nội dung giảng dạy cho phù hợp với điều kiện thực tiễn. Việc học tập các môn lý luận chính trị trong các trường đại học, cao đẳng đã có chuyển biến tích cực; người học đã có sự tương tác tích cực với giảng viên, sáng tạo trong việc tiếp nhận và xử lý thông tin. Tuy nhiên, công tác nghiên cứu, giảng dạy, học tập các môn học này vẫn còn không ít hạn chế.
Theo GS.TS Hoàng Chí Bảo, Ủy viên Hội đồng Lý luận Trung ương, thời gian gần đây, các môn học: triết học Mác - Lênin, kinh tế chính trị Mác – Lênin và chủ nghĩa xã hội khoa học được gộp chung lại thành môn lý luận chính trị, đã làm giảm tính chuyên sâu của các môn học này. Tính bền vững trong giảng dạy các môn khoa học Mác - Lênin ở bậc đại học đang dần bị mất đi và vẫn còn tình trạng tổ chức dạy-học các môn lý luận chính trị chỉ mang tính hình thức. Biểu hiện rõ nhất là dạy tại hội trường cho hàng trăm sinh viên. Người học không hứng thú học tập dẫn đến coi nhẹ, đánh giá không đúng tầm quan trọng của các môn học này.
Cũng về hiệu quả dạy và học, PGS.TS Đinh Ngọc Thạch, Giám đốc Trung tâm Lý luận chính trị, Đại học Quốc gia TPHCM đã thẳng thắn thừa nhận, công tác lý luận còn nhiều bất cập, chất lượng giảng dạy và học tập đang có dấu hiệu suy giảm, chưa đáp ứng tốt những đòi hỏi của sự nghiệp đổi mới. Chương trình giảng dạy chưa thực sự tạo sự kết nối giữa người giảng và người học, giữa nội dung trong sách với cuộc sống, giữa lý luận và thực tiễn.
Đổi mới để tạo hứng thú cho sinh viên
Theo TS Nguyễn Đức Nghĩa, Phó Giám đốc Đại học Quốc gia TPHCM, việc nâng cao chất lượng giảng dạy, học tập các môn lý luận chính trị sẽ góp phần làm cho chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh và đường lối, quan điểm của Đảng giữ vai trò chủ đạo trong đời sống xã hội.
Nhiều đại biểu cho rằng, giảng dạy lý luận chính trị là hoạt động đưa tri thức lý luận chính trị thâm nhập vào quần chúng, sinh viên. Công tác đào tạo, nghiên cứu lý luận chính trị hiệu quả sẽ góp phần ổn định xã hội, đồng thuận về tư tưởng, đấu tranh chống các quan điểm sai trái; đồng thời hiến kế cho Đảng, Nhà nước trong việc hoạch định đường lối trong quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế. Vì vậy, phải tìm ra những giải pháp sát thực, nhân rộng các mô hình tốt trong giảng dạy.
Chia sẻ những kinh nghiệm trong giảng dạy các môn lý luận chính trị, PGS.TS Nguyễn Minh Tuấn, Trưởng khoa Lý luận chính trị, Đại học Kinh tế TPHCM cho rằng, ngày nay, sinh viên có thể cập nhật thông tin nhanh chóng từ nhiều nguồn khác nhau, vì vậy việc giảng dạy các môn lý luận chính trị phải đổi mới, bắt nhịp được với những thay đổi này. Muốn tạo hứng thú cho sinh viên học tập, giảng viên phải chuyển từ cách dạy truyền thống sang lấy người học làm trung tâm. Tại Trường Đại học Kinh tế, trong giờ học các môn lý luận chính trị, sinh viên sẽ được tập trung thảo luận các chủ đề của bài học, giảng viên luôn đưa ra tình huống gắn với vấn đề thực tiễn cuộc sống để sinh viên thảo luận. Nhờ vậy, trong nhiều giờ học, sinh viên tham gia rất hào hứng.
PGS.TS Nguyễn Thế Nghĩa, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu chiến lược và Chính sách quốc gia, Trường Đại học Khoa học Xã hội và nhân văn TPHCM đề xuất, để nâng cao chất lượng giảng dạy và đào tạo lý luận chính trị phải phát triển đội ngũ giảng viên có trí tuệ và nhân cách mẫu mực. Cùng với hoàn thiện “Chương trình chuẩn” về giảng dạy lý luận chính trị có nội dung, hình thức và phương pháp thích hợp với các đối tượng sinh viên, cần hoàn thiện “Giáo trình chuẩn”, “Tài liệu tham khảo chuẩn”.
Phát biểu tại hội thảo, PGS.TS Phạm Văn Linh, Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương cho rằng, các môn lý luận chính trị phải được đổi mới cùng với quá trình đổi mới căn bản, toàn diện nền giáo dục của đất nước. Bên cạnh đổi mới cấu trúc, khung chương trình, các giờ học cần cung cấp đầy đủ kiến thức cho sinh viên. Giảng viên phải giới thiệu được tinh túy của các môn khoa học này để môn học trở nên hấp dẫn hơn, thúc đẩy tính sáng tạo của sinh viên. Muốn vậy, giảng viên phải tích cực nghiên cứu lý luận chính trị, cập nhật các thông tin đầy đủ, sinh động để áp dụng trong bài giảng.