Thứ Sáu, ngày 29 tháng 3 năm 2024

“Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”

Những tấm gương lan tỏa trong cuộc sống

Chủ tịch HĐND TP Phạm Phương Thảo tặng bằng khen cho các điển hình tại buổi giao lưu.

(Website TU)- Ngày 8-1, tại Nhà văn hóa Thanh niên, Ban Chỉ đạo điều hành phối hợp hoạt động giữa lực lượng vũ trang và các đoàn thể chính trị- xã hội TPHCM tổ chức buổi giao lưu với những điển hình tiêu biểu thực hiện tốt cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”. Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND TPHCM Phạm Phương Thảo và Trưởng ban Dân vận Thành ủy Nguyễn Thị Quyết Tâm đã đến dự buổi giao lưu.

Những tấm gương tham gia giao lưu dù là cựu chiến binh hay đoàn viên, thanh niên, bằng những việc làm cao cả của họ, đều vừa bình dị vừa tỏa sáng…

Những bài học quý từ Bác Hồ…

Tháng 9-1954.

Gửi cán bộ đồng bào miền Nam ra Bắc.

Hôm nay, các cụ các cô, các chú và các cháu đã ra đến nơi. Tôi thân ái gửi lời hoan ngênh tất cả mọi người. Mọi người tạm xa quê hương nhưng được gần Trung ương Đảng, quân đội và đồng bào miền Bắc. Nam Bắc là một nhà. Mong các cụ, các cô, các chú và các cháu luôn luôn mạnh khỏe, vui vẻ. Mọi người tùy theo sức mình mà xây dựng nước nhà. Đến ngày hòa bình được củng cố, thống nhất được thực hiện, độc lập dân chủ đã hoàn thành. Đồng bào sẽ vui trở về quê cũ. Lúc đó rất có thể tôi sẽ cùng đồng bào vào thăm miền Nam yêu quý của chúng ta.

Hồ Chí Minh

Bức thư Bác Hồ gửi đồng bào, chiến sĩ miền Nam tập kết ra Bắc được cựu chiến binh Nguyễn Thị Nguyệt (phường Cô Giang, quận 1) ép plastic kỹ, cất giữ gần 55 năm nay và đem ra đọc tại buổi giao lưu trong sự xúc động dâng trào…

Điều mà bà tâm đắc nhất từ tấm gương bình dị của Bác chính là tình thương của Bác dành cho đồng bào, nhất là thế hệ trẻ. Chính vì thế, từ sau khi đất nước hoàn toàn giải phóng, bà Nguyễn Thị Nguyệt đã bắt đầu sưu tầm hình ảnh, mẩu chuyện về Bác để mong muốn một ngày truyền lại cho lớp trẻ. Hơn 1.500 bức ảnh, 5.952 mẩu chuyện về Bác được bà sưu tầm có nguồn gốc hẳn hoi. Rồi bà bắt tay giáo dục truyền thống cho lớp trẻ ở khu phố. Mỗi bài học, bà lại đem lồng ghép vào một mẩu chuyện về Bác. Từ đó, những bài học quý về Bác lại đến với lớp trẻ thật gần gũi và để lại ấn tượng sâu đậm.

Trưởng ban Dân vận Thành ủy Nguyễn Thị Quyết Tâm tặng hoa cho cô Nguyễn Thị Nguyệt tại buổi giao lưu.

Cũng tìm đến Bác qua những mẩu chuyện, Đại úy Lê Xuân Hưng (Tiều đoàn Thiết giáp, Bộ Chỉ huy Quân sự TP) lại thấm đẫm bài học về sự bình đẳng, không quan cách của Bác. Anh kể: “Trước đây, ở đơn vị, sĩ quan được phục vụ ăn trưa, ăn tối trong phòng còn lính tráng ăn ở nhà ăn. Nhưng nay thì khác, chúng tôi học được nhiều điều từ Bác, từ bỏ thói quen “quan cách, xa lánh”, sĩ quan và lính cùng ăn chung, cùng sinh hoạt, vui chơi giải trí hòa đồng và bình đẳng”.

Còn với Vũ Hoàng Bảo - người lính trẻ 23 tuổi (Biên phòng Cửa khẩu Cảng Sài Gòn) thì học theo Bác từ những điều bình dị nhất: đức tính tiết kiệm, vui vẻ, hòa đồng, thân thiện khi tiếp xúc với người dân. Hoàng Bảo chia sẻ: Bác Hồ chính là tấm gương sáng ngời đạo đức cách mạng, giản dị, trong sáng. Trong thời đại ngày nay, chúng ta rất cần những người mang đạo đức Bác Hồ ở ngay bên cạnh mình, những con người cụ thể, bình dị để cho mọi người, nhất là những người trẻ, có niềm tin vào những con người tốt đẹp có thật trong xã hội.

Đến những việc làm bình dị mà ý nghĩa

Anh Nguyễn Ang Quốc Dũng (Đoàn Bưu điện TPHCM) đem đến buổi giao lưu một câu chuyện bình dị mà đầy ý nghĩa: Một lần, nhân chuyến công tác xã hội ở ngôi trường tại một tỉnh nghèo, anh thấy cả trường có mỗi một chiếc máy vi tính hỏng hóc. Anh bèn nghĩ ra cách đưa máy tính về với vùng khó khăn. Cách đây 2 năm, khi là thành viên hội đồng thanh lý tài sản cơ quan, anh biết những chiếc máy vi tính cũ đến hạn thanh lý đem bán rẻ như bán ve chai.

Thấy uổng, anh Dũng đem ý tưởng cải tạo máy cũ thành máy mới rồi đem tặng những nơi khó khăn trình bày với Ban chấp hành Đoàn cơ quan. Ý tưởng được chấp thuận. Đội hình sửa chữa máy tính tặng lại những nơi còn thiếu thốn của Bưu điện TPHCM được thành lập và anh Dũng là thành viên nòng cốt. Văn phòng đoàn vốn chật chội vẫn được tận dụng làm “bản doanh” của đội. Sau giờ làm việc, các kỹ sư trẻ lại lui cui tháo ráp, lau chùi, “hồi sinh” những chiếc máy cũ. Hai năm nay, đã có 134 máy tính và 7 máy in như thế được tặng cho các bạn trẻ ở Bến Tre, Tây Ninh, Bình Phước, Gia Lai... Chính các kỹ sư trẻ lại lôi bàn ghế để máy cũ đóng lại rồi mở những lớp phổ cập tin học cho người dân các địa phương.

Anh Nguyễn Ang Quốc Dũng (thứ 2 từ phải qua) giao lưu với đại biểu.
Một trong những đức tính sáng ngời của Bác Hồ mà mỗi người, mỗi nhà đều luôn ghi nhớ và có thể dễ làm theo Bác nhất đó là tính tiết kiệm. Dì Nguyễn Thị Bạch Cúc (Chi hội trưởng Chi hội phụ nữ khu phố 3, phường 8, quận 3), người mà hàng xóm láng giềng quen gọi dì là “Dì Cúc ve chai” bởi “thâm niên” nhiều năm gom góp ve chai, vận động chị em phụ nữ trong khu phố cùng gom ve chai bán lấy tiền để làm từ thiện. Từ việc làm của dì mà đến nay, trong khu phố, ai cũng gom góp ve chai để hàng tuần bán lấy tiền nuôi heo đất từ thiện. Nhà ai cũng tích cóp ve chai, bản thân nhà dì dù nhà cửa khang trang nhưng dì vẫn đi gom ve chai bán. Dì Cúc còn mở một quầy bán bánh mì, bánh ngọt kết hợp với làm từ thiện. Dì kể: “Ổ bánh mì thịt bán 7000đ nhưng nhiều người biết chuyện tôi làm từ thiện nên bỏ số tiền dư 3000đ, 5000đ vào heo. Vậy là có tiền!”. Từ số tiền đập heo, Dì Cúc tổ chức những chuyến cứu trợ lũ lụt, thăm thanh niên trong quận ở các trường cai nghiện rồi giúp đỡ chị em nghèo trong khu phố.

Còn với bác Trịnh Văn Đơn (Hội viên danh dự Hội Nông dân phường Đông Hưng Thuận, quận 12), năm nay đã hơn cái tuổi mà ông bà ta vẫn thường nói là “xưa nay hiếm”, thế nhưng bác vẫn rất tích cực tham gia các hoạt động của Hội, tích cực trong việc tuyên truyền cho nông dân và thanh niên trên địa bàn học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh.

Học tập và làm theo gương đạo đức của Bác Hồ, chị Huỳnh Thị Ngọc Yến (Trưởng Phòng Công chứng số 6) đã thực hiện cài đặt toàn bộ chương trình Master hỗ trợ thực hiện việc soạn thảo văn bản, hợp đồng trên từng máy của Công chứng viên và cán bộ nghiệp vụ trực tiếp giải quyết hồ sơ cho người dân, giúp rút ngắn thời gian chờ đợi của dân một cách đáng kể, khảo sát được 95,6% mức độ hài lòng của khách hàng…

Tạo chuyển biến ngay từ bên trong mỗi con người, mỗi đơn vị

“Những tấm gương tham gia giao lưu hôm nay, những việc làm cao cả của họ, dù là cựu chiến binh hay đoàn viên thanh niên đều vừa bình dị vừa tỏa sáng. Những gì Bác làm được, chúng ta đều có thể làm theo được. Những gì mà những tấm gương hôm nay đã làm được là những việc làm có sức lan tỏa, còn những điển hình hôm nay như là những bông hoa trong cuộc sống. TP rất cần tổ chức thêm nhiều cuộc giao lưu để người dân có dịp được tiếp xúc, được học theo những bông hoa ấy” - Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND TP Phạm Phương Thảo đúc kết tại buổi giao lưu.

Các điển hình của Cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” tại buổi giao lưu.

Đánh giá sau hai năm thực hiện cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”, đồng chí Phạm Phương Thảo nhấn mạnh: Cán bộ, chiến sĩ, hội viên, công đoàn viên, đoàn viên, thanh niên TPHCM đã thể hiện tinh thần tích cực, chủ động, thiết kế nhiều nội dung và hình thức phong phú, tham gia có hiệu quả cuộc vận động này. Qua việc tham gia cuộc vận động, cán bộ, chiến sĩ, hội viên, công đoàn viên, đoàn viên, thanh niên TP đã nâng cao nhận thức của mình về tấm gương đạo đức của Chủ tịch Hồ Chí Minh, từ đó, có những việc làm, hành động theo tấm gương đạo đức và những lời dạy của Bác.

Đồng chí Phạm Phương Thảo khẳng định: Chúng ta không chỉ học tập được nhận thức lý thuyết mà việc “làm theo” tấm gương của Bác cũng đã được thực hiện. Thủ tục hành chính được cải thiện nhiều, giảm phiền hà nơi người dân. Làm chứng minh nhân dân, từ 15 ngày rút xuống còn 7 ngày. Các cơ quan đơn vị cũng đã sửa đổi rất nhiều về phong cách, ứng xử với dân. Trước đây, chúng ta cảm thấy hơi buồn vì trong bộ máy hành chính vẫn còn tồn tại “3 không”: “Không cười với dân, không giải thích với dân, nói không chủ ngữ với dân”. Bây giờ những câu khẩu hiệu mệnh lệnh ít đi. Thay vào đó, mở đầu câu nói với dân thường có những từ như: Đề nghị, hãy, xin vui lòng! Trong năm 2008, giấy tờ đúng hẹn với dân qua công khai trên mạng là 74%. Tuần cuối cùng của tháng 12-2008 tỷ lệ lên 89%. Những chuyển biến đó tuy nhỏ nhưng sự tác động với xã hội lại rất lớn.

“Năm 2009, chúng ta cố gắng đưa cuộc vận động đi vào chiều sâu hơn để những tấm gương “làm theo” ngày càng nhiều hơn. Muốn làm được như vậy, phải chuyển biến ngay từ bên trong mỗi con người, mỗi đơn vị” - đồng chí Phạm Phương Thảo kết luận.

Thiên Linh

Ý kiến bạn đọc

refresh
 

Tổng lượt bình luận

Tin khác

Thông báo