Từ năm học 2019-2020, học sinh sẽ học SGK lớp 1 mới (Thanhuytphcm.vn) - Về tiến độ triển khai chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông (SGK GDPT) mới, Bộ Giáo dục–Đào tạo (GD-ĐT) cho biết, vừa qua, Bộ GD-ĐT đã tổ chức hội nghị trực tuyến triển khai chương trình mới với 63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; hội nghị các trường sư phạm triển khai nhiệm vụ bồi dưỡng giáo viên và cán bộ quản lý GDPT thực hiện chương trình GDPT mới; Ban hành Kế hoạch số 130/KH-BGDĐT biên soạn SGK theo chương trình mới.
Bộ cũng đã hướng dẫn các địa phương thực hiện Đề án bảo đảm cơ sở vật chất cho chương trình giáo dục mầm non và GDPT giai đoạn 2017-2025; đề nghị các sở GD-ĐT thực hiện hướng dẫn triển khai chương trình GDPT, trong đó nêu rõ các nhiệm vụ triển khai chương trình mới đối với các cơ quan quản lý giáo dục ở địa phương và các cơ sở giáo dục trên toàn quốc. Đến nay, hầu hết các địa phương đang tích cực chuẩn bị các điều kiện để triển khai.
Bộ cũng đã làm việc tại một số địa phương (tỉnh Điện Biên, tỉnh Quảng Nam) về việc thực hiện sắp xếp các trường, điểm trường, lớp học và công tác chuẩn bị cơ sở vật chất, đội ngũ giáo viên để triển khai chương trình GDPT mới.
Tới đây, bộ GD-ĐT sẽ chỉ đạo tổ chức biên soạn 1 bộ SGK mới; hướng dẫn lựa chọn SGK sử dụng trong nhà trường; hướng dẫn biên soạn và thực hiện tài liệu giáo dục của địa phương; hướng dẫn lựa chọn sách triển khai thực hiện chương trình GDPT mới. Cùng với đó là triển khai kế hoạch bồi dưỡng giáo viên và cán bộ quản lý giáo dục triển khai chương trình mới. Rà soát cơ sở vật chất, thiết bị dạy học thực hiện chương trình GDPT, SGK mới. Tiếp tục hướng dẫn các địa phương chuẩn bị cơ sở vật chất, thiết bị thực hiện chương trình GDPT, SGK mới.
Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục Trung học, Bộ GD-ĐT Nguyễn Xuân Thành cho biết, để chủ động triển khai chương trình GDPT mới, Bộ GD-ĐT tổ chức việc biên soạn một bộ SGK đầy đủ cho tất cả các môn học. Bộ GD-ĐT đang tuyển đội ngũ chủ biên tác giả; sau đó tập huấn viết sách để đảm bảo SGK thể hiện được mục tiêu, nội dung của chương trình mới theo phương pháp phát triển phẩm chất, năng lực học sinh. “Sau khi biên soạn, học kỳ 1 năm 2019-2020, bản thảo SGK được triển khai thực nghiệm ở 1 số cơ sở GDPT, tập trung vào lớp 1. Thực nghiệm những nội dung mới, phương pháp, cách thức tổ chức dạy học để đáp ứng yêu cầu phát triển phẩm chất năng lực học sinh” – ông Nguyễn Xuân Thành cho biết.
Năm 2019, Bộ GD-ĐT cũng tập trung bồi dưỡng cho 4 đối tượng: cán bộ quản lý cấp sở GD-ĐT, phòng GD-ĐT; hiệu trưởng, phó hiệu trưởng các cơ sở GDPT; giáo viên; giảng viên sư phạm chủ chốt. Nội dung tập huấn chú trọng về mục tiêu, nội dung, phương pháp giáo dục, kiểm tra đánh giá cũng như các điều kiện cần thiết để triển khai chương trình GDPT mới với nội dung sát với từng đối tượng được tập huấn. Phương thức bồi dưỡng sẽ kết hợp giữa bồi dưỡng qua mạng và trực tiếp.
Theo tính toán, có khoảng 900.000 giáo viên từ tiểu học đến trung học phổ thông cần phải tập huấn, việc tập huấn bám sát chuẩn giáo viên và khung chương trình GDPT mới. “Sẽ có khoảng 4.000 cán bộ giáo dục cốt cán được tập huấn; 7.000-8.000 tổ trưởng tổ bộ môn cốt cán và 28.000 giáo viên cốt cán cho tất cả các môn học ở các trường phổ thông được tập huấn để triển khai chương trình mới. Sau đó, bộ phận cốt cán này sẽ là chủ lực để tập huấn cho cán bộ, giáo viên trong toàn quốc. Ngoài ra, có 70.000 giáo viên lớp 1 được ưu tiên tập huấn trong năm 2019 để chuẩn bị cho việc dạy học SGK lớp 1 mới từ năm học 2019-2020.