Thứ Bảy, ngày 27 tháng 7 năm 2024

Tình trạng tham nhũng, tiêu cực trên một số lĩnh vực còn diễn biến phức tạp, nghiêm trọng

Chánh án Tòa án nhân dân tối cao Nguyễn Hòa Bình

(Thanhuytphcm.vn) - Sáng 21/11, Quốc hội thảo luận về các báo cáo công tác của Tòa án Nhân dân tối cao (TANDTC), Viện Kiểm sát Nhân dân tối cao (KSNDTC); công tác phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật; công tác thi hành án; công tác phòng, chống tham nhũng (PCTN) năm 2023.

Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm trình bày báo cáo công tác phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật năm 2023 cho biết, năm 2023, Bộ Công an đã triển khai nhiều kế hoạch, giải pháp nhằm kiềm chế sự gia tăng của tội phạm về trật tự xã hội; tổ chức tấn công, trấn áp quyết liệt các loại tội phạm. Tỷ lệ điều tra, khám phá tội phạm đạt 81,61%; trong đó án rất nghiêm trọng đạt 93,2%, án đặc biệt nghiêm trọng đạt 96,62%, vượt chỉ tiêu Quốc hội giao. Tuy nhiên, số vụ phạm tội về trật tự xã hội tăng 18%, trong đó nhiều loại tội phạm tăng cao và có xu hướng phức tạp trở lại.

Về kết quả công tác phòng, chống tội phạm về tham nhũng, kinh tế, buôn lậu, Chính phủ tiếp tục rà soát, khắc phục sơ hở, thiếu sót để phòng ngừa tội phạm; chủ động nhận diện, phát hiện phương thức, thủ đoạn phạm tội mới. Phát hiện, điều tra xử lý nghiêm các hành vi tham nhũng, tiêu cực, thu hồi tối đa tài sản bị chiếm đoạt. Tuy nhiên, tình hình tội phạm tham nhũng, kinh tế, buôn lậu còn diễn biến rất phức tạp; số vụ phạm tội về trật tự quản lý kinh tế được phát hiện nhiều hơn 11,69%, số vụ phạm tội về tham nhũng và chức vụ được phát hiện nhiều hơn 51,63%. 

Thời gian tối, Bộ Công an tiếp tục tăng cường đấu tranh các loại tội phạm; tổ chức thực hiện có hiệu quả công tác tiếp nhận, xử lý tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố; công tác bắt, giam, giữ và điều tra, xử lý tội phạm…

Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga

Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội Lê Thị Nga trình bày báo cáo thẩm tra nội dung này cho rằng, mặc dù đã có nhiều cố gắng nhưng tổng thể chung tội phạm gia tăng về số vụ, số người chết, và thiệt hại về tài sản do tội phạm gây ra, điều này chứng tỏ công tác phòng ngừa tội phạm trên một số lĩnh vực còn có mặt chưa đạt yêu cầu. Kết quả phát hiện và xử lý vi phạm pháp luật và tội phạm trên một số lĩnh vực còn chưa tương xứng với tình hình thực tế. Diễn biến tội phạm ma túy hết sức phức tạp…

Viện trưởng Viện KSNDTC Lê Minh Trí trình bày báo cáo công tác năm 2023 cho biết, năm 2023, tình hình tội phạm tiếp tục diễn biến phức tạp và tăng so với năm 2022, xuất hiện nhiều phương thức, thủ đoạn phạm tội mới, như: đối tượng thành lập các doanh nghiệp lấy danh nghĩa công ty kinh doanh dịch vụ tài chính, công ty luật, công ty mua bán nợ để thực hiện hành vi đòi nợ trái pháp luật; một số vụ án về kinh tế, tham nhũng, chức vụ với tính chất nghiêm trọng, phức tạp, có tổ chức gây hậu quả đặc biệt lớn đã được phát hiện và khởi tố tại các tỉnh, thành phố trên cả nước,... 

Trong bối cảnh đó, toàn ngành KSND đã phối hợp chặt chẽ với các cơ quan chức năng đấu tranh, phát hiện, khởi tố mới 98.466 vụ án hình sự (tăng 20,4% so với năm 2022). Dự báo trong thời gian tới tình hình tội phạm vẫn diễn biến phức tạp, nhất là tội phạm trên không gian mạng, tội phạm phi truyền thống; các tranh chấp dân sự, hành chính, kinh doanh thương mại kể cả có yếu tố nước ngoài ngày càng phức tạp, đa dạng. Trong khi đó, một số quy định của pháp luật trong các lĩnh vực này còn chưa hoàn thiện, còn một số bất cập.

Thẩm tra báo cáo này, Ủy ban Tư pháp cho rằng, vẫn còn xảy ra một số trường hợp phải đình chỉ điều tra đối với bị can do không có sự việc phạm tội, hành vi không cấu thành tội phạm hoặc hết thời hạn điều tra không chứng minh được bị can phạm tội, liên quan đến trách nhiệm của viện kiểm sát. Số lượng tố giác, tin báo thụ lý trong kỳ phải tạm đình chỉ giải quyết còn khá lớn (56 tố giác, tin báo, chiếm 25,9% tổng số tin đã thụ lý)…

Chánh án TANDTC Nguyễn Hòa Bình trình bày báo cáo công tác của TAND năm 2023 cho biết, các vụ án hình sự, việc xét xử các vụ án hình sự bảo đảm nghiêm minh, đúng pháp luật, chưa phát hiện trường hợp nào kết án oan người không có tội. Chất lượng tranh tụng được bảo đảm. Các vụ án thuộc diện Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực theo dõi, chỉ đạo được các tòa án tổ chức xét xử nghiêm túc, đúng tiến độ, đúng pháp luật, theo tinh thần không có vùng cấm và không có ngoại lệ. Đã tổ chức xét xử nghiêm nhiều vụ án kinh tế, tham nhũng gây ra thiệt hại đặc biệt lớn, được dư luận xã hội rất quan tâm như. Các tòa án đã áp dụng hình phạt nghiêm khắc đối với người chủ mưu, cầm đầu, lợi dụng chức vụ chiếm đoạt tài sản lớn của Nhà nước; đã tuyên thu hồi tiền và tài sản trong nhiều vụ án kinh tế, tham nhũng…

Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm

Theo thẩm tra của Ủy ban Tư pháp, vẫn còn một số trường hợp áp dụng hình phạt chưa tương xứng với tính chất, mức độ nguy hiểm cho xã hội của hành vi phạm tội; một số trường hợp vi phạm thời hạn gửi bản án, quyết định cho Viện Kiểm sát. Một số bản án, quyết định bị hủy, sửa do thu thập, đánh giá chứng cứ chưa đầy đủ, toàn diện…

Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long báo cáo về công tác thi hành án năm 2023 cho biết, kết quả thi hành án dân sự đạt tỷ lệ 83,24% số vụ việc thi hành; số việc thi hành án chuyển kỳ sau còn nhiều, các khoản thu hồi nợ cho các tổ chức tín dụng chưa cao. Tài sản trong các vụ án tham nhũng, kinh tế phải xử lý ở nhiều địa phương khác nhau, tính chất pháp lý phức tạp…

Thẩm tra nội dung này, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga cho biết, năm 2023, hoạt động của cơ quan thi hành án dân sự đã có nhiều chuyển biến tích cực. Kết quả thi hành xong về việc và về tiền đều tăng; các vụ án về kinh tế, tham nhũng, đã thu tăng trên 4.415 tỷ đồng (27,62%) so với cùng kỳ… Tuy nhiên, số lượng án có điều kiện thi hành tồn đọng chuyển kỳ sau còn ở mức cao; việc thu hồi khoản nợ cho các tổ chức tín dụng còn chậm, kết quả thi hành xong thấp hơn so với cùng kỳ…

Cũng trong sáng 21/11, Tổng Thanh tra Chính phủ Đoàn Hồng Phong báo cáo về công tác PCTN năm 2023 nêu rõ, tình trạng tham nhũng, tiêu cực trên một số lĩnh vực còn diễn biến phức tạp, nghiêm trọng, nổi lên là các sai phạm lớn trong lĩnh vực đất đai, đấu thầu, chứng khoán, trái phiếu doanh nghiệp, hoạt động ngân hàng, đăng kiểm, y tế... gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng; có sự câu kết, móc nối giữa cán bộ thoái hoá với doanh nghiệp, tổ chức để trục lợi, gây bức xúc trong cán bộ, đảng viên và Nhân dân.

Bên cạnh đó, quy định của pháp luật trên một số lĩnh vực còn sơ hở, bất cập, chậm được sửa đổi, bổ sung, nhất là lĩnh vực đất đai, đấu giá, đấu thầu, định giá, chứng khoán, trái phiếu doanh nghiệp. Công tác tự kiểm tra, phát hiện tham nhũng, tiêu cực trong nội bộ vẫn chưa nhiều chuyển biến, có ít vụ việc được phát hiện qua tự kiểm tra, Vẫn xảy ra các vụ việc tham nhũng, tiêu cực trong cơ quan có chức năng PCTN, tiêu cực, gây dư luận không tốt; thu hồi tài sản mặc dù tăng cao so với giai đoạn trước nhưng giá trị tài sản phải thu hồi còn tồn đọng..

Trung Kiên


Ý kiến bạn đọc

refresh
 

Tổng lượt bình luận

Tin khác

Thông báo