PGS.TS. Hoàng Minh Sơn, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT phát biểu khai mạc (Thanhuytphcm.vn) - Ngày 8/11, tại Trường Đại học (ĐH) Luật TPHCM, Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) đã tổ chức “Tọa đàm về rà soát, đánh giá việc thực hiện Luật Giáo dục và Luật Giáo dục đại học” thu hút nhiều ý kiến trao đổi của các đại biểu tham dự.
Phát biểu tại tọa đàm, PGS.TS. Hoàng Minh Sơn, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT nhấn mạnh rằng Luật Giáo dục và Luật Giáo dục ĐH được ban hành là một dấu mốc quan trọng trong việc đổi mới giáo dục Việt Nam, thể hiện sự cam kết của Chính phủ trong việc cải thiện chất lượng và nâng cao hiệu quả của hệ thống giáo dục từ mầm non đến ĐH. Tuy nhiên, qua 4 năm thực hiện, bối cảnh xã hội và kinh tế đã có nhiều thay đổi; sự chuyển biến nhanh chóng của nền kinh tế tri thức, hội nhập quốc tế, cũng như yêu cầu mới từ thị trường lao động đặt ra những thách thức lớn cho hệ thống giáo dục. Việc rà soát và đánh giá Luật Giáo dục, Luật Giáo dục ĐH là cần thiết.
“Mục đích Bộ GD&ĐT tổ chức buổi tọa đàm nhằm thảo luận, đánh giá về những tồn tại, hạn chế, khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai thực hiện Luật Giáo dục, Luật Giáo dục đại học; đồng thời đề xuất giải pháp để tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc, bất cập, hạn chế; trên cơ sở đó, kiến nghị sửa đổi, bổ sung, thay thế quy định tại Luật Giáo dục, Luật Giáo dục ĐH và các văn bản có liên quan” - PGS.TS. Hoàng Minh Sơn nhấn mạnh.
Phát biểu tại tọa đàm, TS. Lê Trường Sơn, Hiệu trưởng Trường ĐH Luật TPHCM nhấn mạnh với vai trò là một trong những cơ sở đào tạo và nghiên cứu luật học hàng đầu của cả nước, Trường ĐH Luật TPHCM không chỉ cam kết trong việc đào tạo những thế hệ sinh viên giỏi về kiến thức chuyên môn, mà còn tiên phong trong các hoạt động góp phần xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật Việt Nam.
Ông Nguyễn Văn Hiếu, Giám đốc Sở GD&ĐT TPHCM Tại tọa đàm, trong phiên trao đổi, thảo luận nhiều đại biểu cho rằng, dù Luật Giáo dục và Luật Giáo dục ĐH đã mang lại những thay đổi tích cực về quy chuẩn và cách thức quản lý, nhưng quá trình triển khai vẫn gặp nhiều vướng mắc. Các khó khăn nổi bật là sự không đồng bộ và chồng chéo trong các quy định pháp lý gây khó khăn cho các đơn vị giáo dục trong quá trình thực hiện. Điều này đặc biệt rõ rệt ở cấp ĐH, khi các trường phải tuân thủ nhiều quy định liên quan đến tài chính, tự chủ, tuyển sinh và quản lý giảng dạy, đôi khi dẫn đến xung đột hoặc mâu thuẫn trong quy trình triển khai.
Ngoài ra, một số đại biểu cho rằng, sự thiếu hụt nguồn nhân lực và ngân sách để thực hiện cải cách giáo dục, trong đó nguồn lực đầu tư cho giáo dục, nhất là ở các cấp phổ thông tại vùng khó khăn, còn hạn chế. Việc triển khai cải cách giáo dục đòi hỏi nguồn tài chính lớn và sự hỗ trợ mạnh mẽ từ các cơ quan trung ương và địa phương. Tuy nhiên, ngân sách phân bổ chưa đáp ứng đủ nhu cầu, dẫn đến khó khăn trong nâng cấp cơ sở vật chất, đào tạo lại giáo viên và phát triển các chương trình giảng dạy hiện đại.
Các đại biểu chụp ảnh lưu niệm tại tọa đàm Các đại biểu đã tập trung thảo luận về những thách thức lớn mà hệ thống giáo dục từ bậc phổ thông đến ĐH đang phải đối mặt, đồng thời đưa ra các đề xuất cụ thể nhằm tháo gỡ khó khăn, nâng cao hiệu quả thực thi pháp luật trong lĩnh vực giáo dục… Để khắc phục các hạn chế trên, các đại biểu đưa ra nhiều ý kiến đóng góp nhằm nâng cao tính hiệu quả và đồng bộ của Luật Giáo dục 2019. Một số kiến nghị xoay quanh các vấn đề: cải tiến chương trình giáo dục và phương thức đánh giá học sinh; nâng cao chế độ đãi ngộ cho giáo viên, cơ chế tự chủ đại học, phương thức đánh giá, tiêu chuẩn và chế độ cho đội ngũ giáo viên, cũng như các quy định liên quan đến học phí và nguồn lực tài chính cho giáo dục…
Bế mạc tọa đàm, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Hoàng Minh Sơn đánh giá cao những đóng góp từ các đại biểu và nhấn mạnh rằng các ý kiến từ tọa đàm sẽ là nguồn tham khảo quan trọng để Bộ GD&ĐT xem xét điều chỉnh đề xuất các quy định của các luật và văn bản liên quan. Bộ GD&ĐT cam kết sẽ nghiên cứu và tiếp thu các đề xuất, từ đó đưa ra các điều chỉnh phù hợp để xây dựng một nền giáo dục đáp ứng nhu cầu thực tiễn, công bằng và linh hoạt, góp phần vào phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao cho đất nước.