Thứ Hai, ngày 25 tháng 11 năm 2024

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng - người có vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy hoàn thiện thể chế, chính sách phát triển Đông Nam bộ và TPHCM

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng phát biểu tại buổi làm việc với Ban Thường vụ Thành ủy, cán bộ chủ chốt của Thành phố Hồ Chí Minh (ngày 23/9/2022). (Ảnh: TTXVN)

(Thanhuytphcm.vn) - Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng là nhà trí thức, được đào tạo bài bản, trưởng thành qua thực tiễn và là một trong những người có thời gian và vị trí công tác phong phú, trải qua nhiều vị trí thực tiễn khác nhau, đặc biệt có nhiều năm trên cương vị Chủ tịch Quốc hội và Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam. Chính vì vậy, Tổng Bí thư có tư duy ở tầm chiến lược nhưng rất hiện thực, khả thi bám sát thực tiễn phát triển toàn diện các vùng của Việt Nam, trong đó có vùng Đông Nam bộ và TPHCM. Do đó, đây là những kinh nghiệm quý báu giúp Tổng Bí thư chỉ đạo, lãnh đạo đất nước trong giai đoạn có ý nghĩa lịch sử quan trọng của dân tộc…

Ngay sau khi TPHCM và Đông Nam bộ cũng như cả nước trải qua một giai đoạn ảnh hưởng nặng nề của đại dịch Covid-19, để trực tiếp chỉ đạo và động viên tinh thần Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân TPHCM cũng như vùng Nam bộ, ngày 23/9/2022, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã có chuyến công tác tại TPHCM. Tổng Bí thư đã có buổi làm việc, lắng nghe và nắm bắt tình hình thực tiễn của TPHCM, các khó khăn, thách thức và điểm nghẽn trong phát triển. Trên cơ sở các chỉ đạo trước đó về việc tổng kết, chuẩn bị dự thảo nghị quyết mới cho phát triển vùng Đông Nam bộ, Tổng Bí thư đã thúc đẩy và ký ban hành “Nghị quyết số 24-NQ/TW ngày 07/10/2022 của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Đông Nam bộ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”. Đây là nền tảng chủ trương, đường lối tạo khung khổ thể chế quan trọng để phát triển vùng Đông Nam bộ và các địa phương trong vùng trong giai đoạn mới. Bên cạnh đó, với Nghị quyết số 24-NQ/TW sẽ góp phần định hình mục tiêu, phương hướng và giải pháp cụ thể cho chiến lược phát triển vùng.

Tiếp nối tinh thần khẩn trương hoàn thiện chủ trương thúc đẩy phát triển TPHCM để phù hợp hơn với bối cảnh mới, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cùng Bộ Chính trị đã đôn đốc việc hoàn thiện Nghị quyết riêng cho TPHCM. Ngày 30/12/2022, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã ký ban hành “Nghị quyết số 31-NQ/TW của Bộ Chính trị về phương hướng, nhiệm vụ phát triển TPHCM đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”. Nghị quyết là văn bản quan trọng định hình sự phát triển cho TPHCM với nhiều cơ chế, khơi gợi và thúc đẩy sự năng động, sáng tạo của TP.

Trên cơ sở các nghị quyết đã khẳng định chủ trương, định hướng của Đảng trong việc phát triển vùng Đông Nam bộ và TPHCM, đặc biệt nhằm khai thông, tháo gỡ các “điểm nghẽn” về thể chế, chính sách giúp cho TPHCM - một hạt nhân quan trọng, trung tâm kinh tế sáng tạo và năng động của cả nước vượt qua khó khăn, phát triển trong giai đoạn mới. Nghị Quyết số 98/2023/QH15 ngày 24/6/2023 của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TPHCM đã được ra đời. Cụ thể hóa hơn trong thể chế, ngày 10/7/2024, Chính phủ đã ban hành Nghị định 84/2024/NĐ-CP về thí điểm phân cấp quản lý nhà nước cho TPHCM trên một số lĩnh vực: Quản lý nhà nước về đầu tư; quản lý nhà nước về kinh tế, tài chính, ngân sách nhà nước; quản lý nhà nước về quy hoạch, xây dựng, tài nguyên và môi trường; quản lý nhà nước về giao thông vận tải; quản lý nhà nước về y tế; quản lý nhà nước về giáo dục và đào tạo; quản lý nhà nước về lao động, giáo dục nghề nghiệp; quản lý nhà nước về nội vụ. Các lĩnh vực này khi được phân cấp về cho HĐND và UBND TPHCM thì TP sẽ giải quyết được nhanh hơn, giảm bớt các thủ tục khi phải qua nhiều bộ, ngành. Với trách nhiệm được tăng cường, Nghị định 84 được kỳ vọng sẽ phát huy tinh thần chủ động, sáng tạo của TPHCM, đồng bộ hơn với Nghị quyết 98, giúp tháo gỡ nhanh những điểm nghẽn, tạo động lực cho TPHCM tăng tốc phát triển.

Sau khoảng 2 năm thực hiện Nghị quyết 24 và 31 của Bộ Chính trị và sau hơn một năm thực hiện Nghị quyết 98/2023/QH15 của Quốc hội, vùng Đông Nam bộ và TPHCM có nhiều tín hiệu khởi sắc mới. Riêng TPHCM trên cơ sở các nghị quyết được cụ thể hóa trong phân cấp, phân quyền, giao nhiều quyền chủ động sáng tạo trong quản trị, công tác cán bộ, phát triển kinh tế, đầu tư cơ sở hạ tầng và phân phối thu nhập,… đã tạo ra một “làn gió tươi mới” thúc đẩy sự phát triển của TP.

Có thể thấy các kết quả như: TPHCM đã thực hiện nhiều chính sách đáng chú ý như chính sách thu nhập tăng thêm cho cán bộ công chức, viên chức, mở rộng diện áp dụng cho cơ quan trung ương trên địa bàn… Cùng với chính sách tiền lương mới sẽ tạo động lực, tăng năng suất lao động cho đội ngũ. TP đã bố trí vốn ngân sách cho cao tốc TPHCM - Mộc Bài, cho chương trình kích cầu đầu tư; ban hành các danh mục cho các dự án BOT, dự án đầu tư theo hình thức đối tác công tư (PPP) trong lĩnh vực văn hóa, thể thao. Về tổ chức bộ máy, TP đã lập Sở An toàn Thực phẩm TPHCM; bố trí chức danh Phó Chủ tịch HĐND, UBND TP Thủ Đức, Phó Chủ tịch UBND cho huyện Cần Giờ, huyện Nhà Bè, huyện Hóc Môn, 51/52 Phó Chủ tịch UBND xã, phường, thị trấn có trên 50.000 dân trở lên.

Tóm lại, với thể chế cho sự phát triển như hiện nay cho thấy TPHCM và Đông Nam bộ đang có những kết quả bước đầu và tín hiệu tích cực, tạo ra hào khí mới trong tổ chức quản trị và phát triển của vùng cũng như TPHCM. Trong đó, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng là một người có vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy hoàn thiện thể chế, chính sách phát triển Đông Nam bộ và TPHCM.

PGS.TS Vũ Tuấn Hưng (Bí thư Đảng ủy, Phó Viện trưởng Phụ trách Viện Khoa học xã hội vùng Nam bộ, Viện Hàn lâm KHXH Việt Nam)


Ý kiến bạn đọc

refresh
 

Tổng lượt bình luận

Tin khác

Thông báo