Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi phát biểu kết luận (Thanhuytphcm.vn) – Nhằm huy động trí tuệ, kinh nghiệm thực tiễn phong phú của các chuyên gia, nhà khoa học đóng góp cho sự nghiệp xây dựng và phát triển của TPHCM nói riêng và đất nước nói chung, sáng 24/8, UBND TPHCM tổ chức Hội thảo tham vấn định hướng phát triển kinh tế - xã hội (KT-XH) TPHCM giai đoạn 2026 – 2030. Đồng chí Phan Văn Mãi, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND TPHCM chủ trì hội thảo.
Hội thảo đã chia thành 5 tổ với 5 lĩnh vực, chủ đề. Theo đó, ở lĩnh vực Kinh tế, đầu tư công, Huy động vốn đầu tư xã hội do Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi chủ trì, các chuyên gia đã tập trung phân tích các giải pháp để kinh tế Thành phố (TP) phát triển trong 10 năm tới nhằm vượt qua ngưỡng thu nhập trung bình.
Giải quyết điểm nghẽn theo hướng đổi mới tư duy, cách làm khác
Lấy mục tiêu năm 2030, tầm nhìn 2045 theo tinh thần Nghị quyết 31 của Bộ chính trị để lý giải bài toán phát triển TPHCM trong giai đoạn 2026-2030 với 3 quan điểm lớn là “Tận dụng thời cơ - khai thác nguồn lực - tăng trưởng nhanh, bền vững”, TS Trần Du Lịch cho rằng, để đạt mục tiêu phát triển giai đoạn tới, TPHCM cần tận dụng lợi thế về ổn định chính trị và cuộc cách mạng công nghiệp 4.0.
Phân tích các yếu tố tác động đến phát triển kinh tế TPHCM thời gian qua, TS Trần Du Lịch đánh giá dù một số chỉ tiêu KT-XH giai đoạn 2021-2025 có thể không đạt được, nhưng trong giai đoạn vô cùng khó khăn này, TP đã tập trung giải quyết được những nhân tố mang tính đột phá, nhằm tạo động lực phát triển bền vững, nhất là khung thể chế và kết cấu hạ tầng, tạo nền tảng cho sự phát triển dài hạn, hướng đến mục tiêu xây dựng đô thị văn minh, hiện đại; giữ vững và phát huy vị trí vai trò của TP đối với vùng Đông Nam bộ và cả nước. Bên cạnh đó cũng đã giải quyết được nhiều công trình, dự án tồn tại trong nhiều năm; khai thác nguồn lực...
TS Trần Du Lịch phát biểu góp ý tại hội thảo Trong 5 năm tới, TS Trần Du Lịch cho rằng, vấn đề TPHCM cần tập trung là chỉnh trang và phát triển đô thị. Cụ thể, TPHCM cần tập trung xử lý toàn bộ nhà ở trên và ven kênh rạch, chỉnh trang các khu dân cư ở các con hẻm sâu thiếu an toàn và không gian sống; đồng thời, cần cơ chế đặc thù để đẩy nhanh đầu tư hạ tầng đô thị, trong đó trọng tâm giai đoạn 2026-2030 là triển khai xây dựng 183 km đường sắt đô thị trong 10 năm 2026-2035; hoàn thiện thể chế quản lý hướng tới mô hình chính quyền đô thị hiệu lực, hiệu quả… Theo TS Trần Du Lịch, để đạt mục tiêu tăng trưởng đến năm 2030, tầm nhìn năm 2045, cần phải đổi mới tư duy, giải bài toán ngược với cơ chế khác, cách làm khác.
Theo ông Phạm Phú Trường, Phó Chủ tịch Công ty Tư vấn hội nhập toàn cầu (GIBC) một trong những chủ thể của việc phát triển KT-XH của TP là doanh nghiệp. Doanh nghiệp có các nhóm chính đó là kinh tế tư nhân gồm khối đầu tư trực tiếp nước ngoài và doanh nghiệp trong nước. Khối doanh nghiệp trong nước có tỷ lệ lớn (khoảng 98%) là doanh nghiệp nhỏ và vừa (SMEs), đây là nhóm tạo ra nhiều việc làm và đóng góp lớn (doanh nghiệp vừa và nhỏ đã tạo ra khoảng 60% lực lượng lao động và đóng góp hơn 23,34% GDP của TP vào năm 2021) nhưng lại dễ tổn thương nhất vì qui mô nhỏ, trình độ kinh doanh và quản trị vẫn còn yếu, trình độ học hỏi và ứng dụng KH-CN vẫn còn rất khiêm tốn... Do vậy, năng lực cạnh tranh của lực lượng doanh nghiệp SMEs sẽ là điểm nghẽn lớn để phát triển kinh tế cũng như xã hội của TP trong tương lai. Từ đó, ông Phạm Phú Trường đề xuất, TP cần xem xét đưa nhóm doanh nghiệp nhỏ và vừa thành một chủ thể quan trọng trong kế hoạch phát triển KT-XH trong giai đoạn tới với chiến lược, kế hoạch triển khai cụ thể. Trong đó chú trọng đến chất lượng doanh nghiệp.
Bên cạnh đó, các định hướng lớn của TP cần bắt kịp xu hướng mới của thế giới, trong đó có cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 và kinh tế xanh, đặc biệt cần phải đơn giản hóa các khái niệm để doanh nghiệp và người dân có thể thực hiện. TP cần xem xét phân tích riêng các ngành mới, mang tính đột phá và tiềm năng để theo dõi thường xuyên nhằm có sự hỗ trợ phù hợp. Do vậy, cách tiếp cận về việc hoạch định hoặc đề xuất chính sách của TP cần phải quan tâm đến sự kết nối đa ngành, đa lĩnh vực, đa đối tượng và có tính hệ thống với các mục tiêu và thời gian đo lường cụ thể.
PGS.TS Trần Hoàng Ngân nêu ý kiến Chia sẻ tại hội thảo, PGS.TS Trần Hoàng Ngân, Thành ủy viên, Trợ lý Bí Thư Thành ủy TPHCM cho rằng, trong bối cảnh kinh tế thế giới phức tạp, cộng với khó khăn nội tại, dù cố gắng nỗ lực nhưng vẫn còn tồn tại. Cùng với đó, thể chế vẫn còn tồn tại. Những gì TP đã và đang làm đạt được tương thích với bối cảnh, nhưng so với kỳ vọng thì chưa đạt như mong muốn.
Căn cứ vào 3 cơ sở là cơ sở chính trị, cơ sở pháp lý và cơ sở định hướng, đồng chí Trần Hoàng Ngân cho rằng, mục tiêu và tầm nhìn đã xác định trong Nghị quyết 31 của Bộ Chính trị và dự thảo KT-XH. Về quản lý nhà nước, điều quan trọng là có thể chế vượt trội, công khai, minh bạch; hạ tầng kết nối và nguồn nhân lực. Để hỗ trợ doanh nghiệp, TP có 3 công cụ: có chính sách để điều tiết, như Nghị quyết 98, tạo điều kiện cho TP kích cầu đầu tư, hỗ trợ doanh nghiệp sản xuất và doanh nghiệp nhà nước có vai trò lớn, cần tận dụng để dẫn dắt thị trường và phải sử dụng quy hoạch của TP để điều tiết. “Nếu tạo được thể chế, kết cấu hạ tầng kinh tế đồng bộ, nhân sự chất lượng cao… lúc đó việc đầu tư vào TP sẽ vượt trội ngay. Làm sao từ đây đến cuối năm 2025 giải ngân được 179.000 tỷ đồng đầu tư công. Nếu như đầu tư tốt, TP sẽ có kết cấu hạ tầng KT-XH tương đối để trở thành bệ phóng cho những năm tiếp theo” – đồng chí Trần Hoàng Ngân khẳng định.
Xác định trọng tâm và có giải pháp đột phá, đồng bộ, cụ thể
Phát biểu kết luận hội thảo, Chủ tịch UBND TP Phan Văn Mãi cảm ơn những ý kiến đóng góp của các chuyên gia, nhà khoa học và khẳng định những ý kiến của các chuyên gia có ý nghĩa rất quan trọng để TP tiếp thu trong quá trình chuẩn bị văn kiện KT-XH của TP. Trong quá trình hoàn thiện văn kiện TP tiếp tục gởi xin ý kiến hoặc tổ chức thêm các cuộc gặp, thảo luận để có được văn kiện tốt nhất. Với mục đích là đặt ra mục tiêu đủ thách thức và khả thi nhất để thực hiện mục tiêu nhiệm kỳ tới với tinh thần tiên phong, vượt ra khỏi mức thu nhập trung bình và góp phần cùng với cả nước vượt ra khỏi mức thu nhập trung bình.
Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi trao đổi với chuyên gia tham dự hội thảo Theo đồng chí Phan Văn Mãi, để đạt mục tiêu đề ra phải kiên trì trong giai đoạn 2025-2030 kinh tế TP phải tăng trưởng. Muốn vậy phải tiến hành hàng loạt các công việc từ huy động tổng vốn, nguồn lực đầu tư toàn xã hội, phải có thể chế phù hợp, có cơ chế chính sách thu hút đầu tư để nâng cao năng lực hấp thụ vốn đầu tư, thông qua cải cách mạnh mẽ hơn năng lực thực thi của bộ máy đội ngũ cán bộ, công chức. Đồng thời, phải cơ cấu lại nền kinh tế theo hướng nâng cao dịch vụ hiện đại, có giá trị gia tăng cao và cũng phải chọn những trọng tâm để thực hiện. Phải cụ thể những công trình, dự án để thực hiện bằng được từ đây đến cuối nhiệm kỳ và chuẩn bị cho giai đoạn tới của nhiệm kỳ 2025-2030. “Muốn vậy phải xác định được trọng tâm và có những giải pháp đột phá, đồng bộ, cụ thể thì mới đạt được kết quả này”- Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi nhấn mạnh.
Với góc độ là người điều hành, Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi bày tỏ tự tin là TP có đủ điều kiện để thực hiện những mục tiêu đã đề ra. Đồng chí đề nghị, các sở ngành, đơn vị, các chuyên gia, nhà khoa học tiếp tục nghiên cứu, hoàn thiện từng câu trong văn kiện phải là một nhiệm vụ và phải được đảm bảo những điều kiện thực hiện để có tính khả thi cao nhất. Nếu xác định mục tiêu vì an toàn thì sẽ không có đột phá.