Thứ Hai, ngày 25 tháng 11 năm 2024

Truyền thông Confession – đạo đức truyền thông và những tác động đến học sinh, sinh viên

Tác phẩm hí họa được đăng trên báo Pháp luật TPHCM

Truyền thông và đạo đức truyền thông trong môi trường học đường

Tính đến nay, thế giới đã bước qua thời kỳ chập chững và đi đến những thập kỉ quen thuộc với internet, mạng xã hội. Các thế hệ khác nhau cũng cùng nhau dần thích ứng với việc có một “bản thân khác” trong không gian phẳng. Vì vậy, chúng ta phải tập thích ứng với những việc này. Thích ứng cũng là nhìn nhận được cả tính hai mặt của sự vật, sự việc và cố gắng phát huy hiệu quả cũng như không thể ngó lơ những rủi ro đi kèm. Một trong số rủi ro đó là hệ quả của hàng loạt những thao tác, hành vi lệch chuẩn ngày ngày vẫn len lỏi vào các nền tảng truyền thông đại chúng. Hơn bao giờ hết, chúng ta rất cần cho mình “bộ lọc thông tin” để thích ứng lành mạnh. Thậm chí, hơn cả việc cần một “bộ lọc thông tin”, chúng ta cũng cần chủ động là một người làm truyền thông có đạo đức, có trách nhiệm với chính mình và cộng đồng bởi vì mỗi hành vi của chúng ta trên không gian mạng có tính “lây nhiễm cao”, có ảnh hưởng nhiều mặt hơn chúng ta nghĩ rất nhiều.

Trên thực tế, trong một chừng mực nào đó, người ta có thể nhìn vào một bài viết được đăng tải trên mạng xã hội là có thể phán đoán được cái gọi là “văn hoá” của người đăng. Như vậy, “đạo đức truyền thông” cần phải được phổ cập, được mỗi cá nhân ý thức chứ đừng chủ quan cho rằng “mạng xã hội là ảo”. Vâng, mạng xã hội là ảo nhưng con người có thể bị tổn thương, có thể vi phạm pháp luật khi tham gia mạng xã hội mà thiếu hiểu biết là hoàn toàn thật.

Truyền thông Confession và những tác động đến sinh viên

Theo từ điển Oxford, “Confession” được định nghĩa là “a statement that a person makes, admitting that they are guilty of a crime; the act of making such a statement”, có thể hiểu như là “lời thú tội, nhận lỗi của một người”. Hiểu một cách thoát nghĩa thì nó chính là “sự bộc bạch, tuyên bố hay sự thừa nhận trạng thái cảm xúc, nỗi niềm riêng của mình và bày tỏ ra”. Đặt trong trường hợp cụ thể là các trang Confession quen thuộc với cộng đồng sinh viên, ta có thể hiểu là nơi có thể nói ra điều muốn nói, khó nói để tìm kiếm lời khuyên, sự giúp đỡ hoặc đơn giản là vì nhu cầu giãi bày. Nền tảng truyền thông được sử dụng phổ biến nhất hiện nay cũng là nền tảng chính của các trang Confession – Facebook. Theo một nghiên cứu gần đây: Đối tượng sử dụng Facebook nhiều nhất cũng chính là thanh thiếu niên và sinh viên. Mạng xã hội Facebook với các tính năng tiện lợi, tiết kiệm chi phí, đa dạng và phong phú về mặt thông tin đang là một phương tiện giao lưu kết nối phù hợp dành cho đối tượng này - những người trẻ được coi là nhanh nhạy, dễ nắm bắt và phát huy tối đa lợi ích của Confession - Facebook.

Xét ưu điểm và nhược điểm của Confession hoàn toàn không khó vì biểu hiện rất rõ rệt. Nhưng việc tách bạch các ý tốt, xấu của truyền thông trên Confession lại không mấy thỏa đáng vì vốn dĩ đối với thế giới mạng này, ngay trong ưu đã có nhược. Từ các ưu điểm mà nhìn sâu hơn, chúng ta sẽ phát hiện được những nguy cơ biến chất, thậm chí đối mặt với tình huống lợi bất cập hại.

Đầu tiên, không gian Confession tạo lập có mục đích giúp mọi người dễ dàng bày tỏ, chia sẻ và tương tác. Đặc biệt đối với các bạn học sinh, sinh viên, họ đều là những người trẻ trong độ tuổi rất nhạy cảm, dễ có những trạng thái tâm lý bất ổn có thể tìm đến, giãi bày mà không phải đắn đo quá nhiều. Những người tiếp cận tương tác cũng có thể đưa ra lời khuyên hoặc sự trợ giúp trong khả năng. Nhưng mặt khác, việc đăng bài viết trên Confession người đăng tin không lộ thông tin cho cộng đồng Confession cùng biết, nói cách khác đây là đăng ẩn danh. Nên có người có thể sẽ lợi dụng “tính năng ẩn” thành “ném đá giấu tay”, đặt điều vu khống gây bất lợi cho tổ chức, cá nhân khác hoặc đơn giản là muốn “tạo drama”. Chính vì lẽ ấy, thông tin được đăng tải trên Confession rất khó nói là chính xác hay không với tính năng đăng bài ẩn danh qua trung gian là điền trên “Google form”.

Tiếp theo, Confession là nơi có thể đăng tải rất nhiều nội dung “thượng vàng hạ cám” khác nhau lại là một dạng truyền thông nhanh chóng, dễ tiếp cận bởi nó vận hành dưới dạng fanpage. Không cần phải sử dụng thao tác hay thang đo phức tạp thì chúng ta vẫn thấy các trang Confession luôn nhanh chóng tiếp cận, đưa thông tin đến trúng và nhiều đối tượng hơn, có thể dễ dàng tương tác và chia sẻ hơn. Khi lượng tương tác càng cao thì các bài đăng Confession càng dễ hiện trên bảng tin (theo thuật toán của Facebook). Thế nhưng, tỉ lệ thuận với sự nhanh chóng ấy chính là sự không chính xác, lệch chuẩn về nội dung hoặc chữ nghĩa, vi phạm chuẩn mực cộng đồng khiến dễ rơi vào hiện tượng “truyền thông bẩn”, gây kích động.

Giao diện trang Confession của học sinh Trung học Thủ Đức, TPHCM Giao diện trang Confession của học sinh Trung học Thủ Đức, TPHCM

Tác động của Confession và trách nhiệm, đạo đức của cộng đồng

Để rõ hơn về vai trò, trách nhiệm và ý thức đạo đức khi tương tác với các trang Confession trên nền tảng truyền thông Facebook, ta chia thành 4 nhóm đối tượng như sau:

Đầu tiên, đối với các quản trị viên (admin), cần phải có sự chọn lọc kỹ lưỡng để biết được đâu là nội dung nên đăng và không nên đăng; đâu là nội dung đã đăng rồi và cần phải có sự kiểm soát.

Thứ hai, đối với người đăng thì cẩn thận suy xét đúng sai, phải trái (nội dung, ngôn ngữ...) trước khi đăng tải luôn là điều vô cùng quan trọng nhằm tránh vấp phải sai lầm đáng tiếc như trường hợp vụ việc “Đưa trái phép thông tin mạng máy tính” tại Confession UEH (Đại học Kinh tế TPHCM) xảy ra vào đầu năm 2023.

Thứ ba, từ phía nhà trường, thông qua các bài đăng trên Confession thì nhà trường, ban quản lý có thể nắm bắt những “câu chuyện” nổi bật có mối liên quan mật thiết đến nhà trường và người học, việc xử lý truyền thông khi có vấn đề xảy ra cũng cần minh bạch, nhanh chóng hơn bao giờ hết.

Thứ tư, đối với các đối tượng không phải, không còn là người thuộc cộng đồng người học của trường có thể kể đến như cựu sinh viên, phụ huynh, hay học sinh, sinh viên các trường khác... thì Confession có thể cung cấp rất nhiều thông tin truyền thông hữu ích. Tuy nhiên, cũng cần có “bộ lọc thông tin” thật chắc chắn để tránh bị dẫn dắt bởi những thông tin sai sự thật hoặc những người muốn tạo drama, làm truyền thông bẩn. Và đối với cụm từ “tự do ngôn luận” đặt trong ngữ cảnh viết bài trên Confession, ta cũng cần gắn với đạo đức, với tính nhân văn. Cụ thể, cần hiểu hai chữ đạo đức trước tiên và quan trọng vẫn là biết và giữ được những giới hạn mong manh giữa việc chia sẻ và công kích. Cần tỉnh táo để không đánh tráo khái niệm thoải mái bày tỏ, chia sẻ tâm tư tình cảm, trao đổi thắc mắc thành kiểu phản ánh thô lỗ, bạo lực ngôn từ trên trang Confession.

Tóm lại, truyền thông hiện nay nói chung và trường hợp Confession nói riêng đều có mặt tích cực lẫn tiêu cực. Từ việc nhìn nhận được hai mặt ấy mà có thể điều chỉnh cách thức sử dụng, nhằm phát huy những hiệu quả, giá trị cốt lõi theo tinh thần ban đầu mà Confession mang lại, đồng thời, hạn chế được những biến tướng, mất kiểm soát, tiêu cực và kích động. Trong thời đại này, mỗi người tham gia vào không gian mạng cần phải ý thức được hành vi, vai trò, quyền hạn của mình. Đặc biệt đối với cộng đồng các bạn học sinh, sinh viên - những người trẻ, những con người đại diện cho tầng lớp trí thức càng cần phải sốt sắng, nghiêm chỉnh hơn với câu chuyện hình thành đạo đức truyền thông hiệu quả, lành mạnh. Điều này phụ thuộc nhiều vào ý thức người tham gia diễn đàn và đặc biệt là các bạn trong ban quản trị viên fanpage. Vì việc giữ cho Confession là không gian truyền thông lành mạnh, nhân văn không có nghĩa là hạn chế đăng tải hay kiểm duyệt càng ít bài càng đỡ sơ suất. Thay vào đó, hướng cần làm là nâng cao kỹ năng, ý thức và trách nhiệm để xây dựng được cộng đồng Confession vững mạnh giúp kết nối, giải trí, giải đáp, làm phong phú thêm cho đời sống học sinh, sinh viên.

TS Nguyễn Thị Quốc Minh

Trường Đại học KHXH&NV TPHCM


Ý kiến bạn đọc

refresh
 

Tổng lượt bình luận

Tin khác

Thông báo