Thứ Hai, ngày 14 tháng 4 năm 2025

Từ bài học Cách mạng Tháng Tám suy nghĩ về cơ hội mới của TPHCM hiện nay

Cách mạng Tháng Tám mở ra một thời đại mới ở Việt Nam, thời đại nhân dân Việt Nam làm chủ đất nước, làm chủ vận mệnh của chính mình. (Ảnh: TTXVN)

(Thanhuytphcm.vn) - Cách mạng Tháng Tám năm 1945 là mốc son chói lọi trong lịch sử dân tộc, một biểu hiện rực rõ của sức mạnh đại đoàn kết toàn dân dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, một minh chứng nổi bật về nghệ thuật chớp thời cơ trong khởi nghĩa vũ trang. Trong Cách mạng Tháng Tám, khởi nghĩa thành công ở Sài Gòn - Chợ Lớn đã góp phần thắng lợi có ý nghĩa quyết định vào việc hoàn thành cuộc Tổng khởi nghĩa trên toàn quốc. Lịch sử sẽ qua đi, nhưng ý nghĩa và những bài học lịch sử của Cách mạng Tháng Tám vẫn đi cùng dân tộc, cùng Thành phố Hồ Chí Minh trong sự nghiệp đổi mới hiện nay.

Để đi tới Cách mạng Tháng Tám, để giành được tự do, độc lập, dân tộc Việt Nam đã trải qua biết bao hy sinh, gian khổ đấu tranh chống lại ách thống trị của đế quốc, phong kiến. Ngay từ khi thực dân Pháp xâm lược, mặc dù bị đàn áp dã man, nhân dân ta đã anh dũng đứng lên chống Pháp với tinh thần “Bao giờ nhổ hết cỏ nước Nam thì mới hết người Nam đánh Tây!”. Biết bao phong trào đấu tranh chống Pháp đã nổi lên, nhưng đều thất bại bởi chưa có một đường lối cứu nước đúng đắn. Chỉ từ khi Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh tiếp thu lý luận Mác - Lê nin, dẫn đến Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời, cách mạng nước ta mới có bước phát triển mạnh mẽ. Nhưng cũng phải trải qua ba cao trào cách mạng, Đảng cộng sản Việt Nam mới xây dựng được lực lượng cách mạng to lớn, nòng cốt là liên minh công nông, tập hợp quảng đại quần chúng tạo nên sức mạnh của khối đại đoàn kết dân tộc - nhân tố quyết định để làm cuộc cách mạng long trời lở đất tháng Tám năm 1945.

Cũng cần nói thêm rằng, Cách mạng Tháng Tám thành công có yếu tố khách quan thuận lợi, đó là sự đầu hàng Đồng minh của phát xít Nhật. Có người cho rằng thắng lợi của Cách mạng Tháng Tám là ăn may (!). Nên nhớ rằng, sau chiến thắng phát xít Đức của Đồng minh, mà lực lượng quyết định là Liên Xô, đầu tháng 8/1945, Liên Xô mở mặt trận phía Đông, nhanh chóng đánh bại đội quân Quan đông - lực lượng tinh nhuệ nhất với hơn một triệu quân của Nhật ở Đông Bắc Trung Quốc. Ngày 14/8/1945, Nhật chính thức tuyên bố đầu hàng Đồng minh. Sự kiện đó làm cho quân Nhật ở Đông Dương và Việt Nam suy sụp tinh thần, đứng trước khả năng tan rã.

Đón trước thời cơ có lợi, ngày từ ngày 13/8, Trung ương Đảng đã mở Hội nghị toàn quốc của Đảng tại Tân Trào, nhanh chóng thống nhất quyết định khởi nghĩa. Ngay đêm 13/8, Tổng Bí thư Trường Chinh đã ký Lệnh Tổng khởi nghĩa. Tiếp theo, ngày 16/8, Quốc dân Đại hội đã họp, thay mặt cho đồng bào cả nước quyết nghị: Thống nhất với chủ trương khởi nghĩa của Đảng và Mặt trận Việt Minh; Thông qua Lệnh Tổng khởi nghĩa; Thông qua 10 chính sách lớn của Việt Minh; quyết định lấy Quốc kỳ là lá cờ đỏ sao vàng 5 cánh, Quốc ca là bài Tiến quân ca; cử ra Ủy ban Dân tộc giải phóng (tức Chính phủ lâm thời) do Hồ Chí Minh làm Chủ tịch. Trong điều kiện thông tin liên lạc rất khó khăn, đường xá xa xôi, cách trở, nhưng Trung ương Đảng đã sớm thống nhất với Mặt trận Việt Minh để triệu tập Đại hội kịp thời, có được sự đồng thuận tuyệt đối của đại biểu nhân dân về quyết định Tổng khởi nghĩa. Đó là biểu hiện rõ nét sự nhanh nhạy, khả năng phân tích chính xác tình hình quốc tế và trong nước, dự bảo đúng đắn về thời cơ của Đảng và Hồ Chí Minh. Ngay trước những ngày có ý nghĩa quyết định ấy, Hồ Chí Minh bị ốm nặng, tưởng không qua khỏi. Người đã nói với Võ Nguyên Giáp, rằng: Lúc này thời cơ đến, dù phải đốt cháy cả dãy Trường Sơn cũng phải cương quyết giành cho được tự do, độc lập!

Tinh thần ấy của Hồ Chí Minh thấm sâu vào suy nghĩ và hành động của Trung ương, của Mặt trận Việt Minh, lan tỏa đến nhân dân cả nước. Nắm vững tinh thần các Nghị quyết Trung ương, đặc biệt là “Chỉ thị Nhật - Pháp bắn nhau và hành động của chúng ta” của Thường vụ Trung ương Đảng trước đó, nhân dân cả nước đã nhất tề đứng lên khởi nghĩa giành chính quyền, kể cả một số địa phương chưa trực tiếp nhận được Lệnh khởi nghĩa. Hà Nội khởi nghĩa thành công ngày 19/8, Huế ngày 23/8.

Ở Sài Gòn - Chợ Lớn và Tỉnh Gia Định, khi nghe tin Nhật đầu hàng Đồng minh, Xứ ủy Tiền phong đã triệu tập Hội nghị Xứ ủy tại Chợ Đệm ngày 15/8 để bàn lãnh đạo khởi nghĩa. Rút kinh nghiệm từ thất bại của khởi nghĩa Nam Kỳ 1940, phân tích kỹ lưỡng tình hình thực tế ở khu vực, nhất là tính đến khả năng của lực lượng quân Nhật ở Sài Gòn vẫn còn khá mạnh, mặc dù đã mất tinh thần. Cẩn trọng nhưng kiên quyết, Hội nghị quyết định: Nếu Hà Nội khởi nghĩa thành công, thì Sài Gòn khởi nghĩa ngay; Giữ vững và tăng cường tổ chức, tích cực chuẩn bị lực lượng để đón thời cơ! Ngay sáng ngày 21/8, khi được tin Hà Nội đã khởi nghĩa thành công, Hội nghị Xứ ủy tiếp tục họp. Sau khi cân nhắc, Hội nghị quyết định: giao cho Tỉnh ủy Tân An lãnh đạo khởi nghĩa thí điểm ở một tỉnh sát nách Sài Gòn, thăm dò phản ứng của quân Nhật ở Sài Gòn. Chiều ngày 22/8, tổ chức Thanh niên Tiền phong tuyên bố đứng vào hàng ngũ của Mặt trận Việt Minh. Ngày 23/8, nghe tin Tân An khởi khởi thắng lợi, quân Nhật ở Sài Gòn bất động, Hội nghị Xứ ủy quyết định khởi nghĩa ở Sài Gòn vào đêm 24 rạng ngày 25/8.

Từ chiều ngày 24/8, quần chúng cách mạng ở Sài Gòn - Chợ Lớn và nhân dân từ khắp nơi, cả các tỉnh lân cận như Gia Định, Tân Bình, Chợ Lớn, Biên Hòa, Bến Tre, Tân An, Mỹ Tho, thủ Dầu Một… kéo về trung tâm thành phố. Ngay tối 24/8, lực lượng khởi nghĩa đã chiếm Sở Công an, Sở Cảnh sát, Nhà ga, Bưu điện, Nhà đèn, các quận, bót… “Từ sáng sớm ngày 25/8/1945, cả triệu quần chúng Sài Gòn - Chợ Lớn và các tỉnh lân cận hừng hực khí thế cách mạng, ào ạt kéo vào thành phố, quyết tâm khởi nghĩa giành chính quyền. Đoàn người hô vang như sấm dậy khẩu hiệu: “Việt Nam hoàn toàn độc lập”; “Tất cả chính quyền về tay Việt Minh!”; “Mặt trận Việt Minh muôn năm!”; “Đảng Cộng sản Đông Dương muôn năm!”; “Độc lập hay là chết!”.

Cờ đỏ sao vàng tràn ngập đường phố, phấp phới bay hiên ngang trên các công sở. Quần chúng như một biển người từ mọi ngả kéo về dự míttinh, hoan nghênh Ủy ban nhân dân Nam Kỳ rồi tỏa ra diễu hành khắp nơi. Cuộc khởi nghĩa đã thành công trọn vẹn và không đổ máu.”[1]

Cách mạng Tháng Tám là dấu son lịch sử, khẳng định độc lập, tự do của dân tộc Việt Nam trên bản đồ thế giới! Ngay sau Cách mạng Tháng Tám, nhân dân ta dưới sự lãnh đạo của Đảng và Bác Hồ đã kiên quyết đứng lên thực hiện Lời thề bảo vệ Tổ quốc trong Tuyên ngôn Độc lập, kháng chiến hơn 30 năm ròng chống lại âm mưu và hành động xâm lược nước ta một lần nữa của thực dân Pháp và đế quốc Mỹ. Và Sài Gòn - Gia Định - Thành phố Hồ Chí Minh lại kiêu hãnh “đi trước về sau”, là nơi nổ phát súng đầu tiên chống Pháp ngày 23/9/1945 và cũng là nơi diễn ra Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, kết thúc thắng lợi cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước ngày 30/4/1975!

Nút giao thông cầu vượt ngã sáu Gò Vấp. (Ảnh: Thanhuytphcm.vn) Nút giao thông cầu vượt ngã sáu Gò Vấp. (Ảnh: Thanhuytphcm.vn)

Gần 50 năm sau Cách mạng Tháng Tám, sau những nỗ lực phấn đấu không ngừng nghỉ, cùng cả nước, Thành phố Hồ Chí Minh đã và đang thực hiện mong ước của Bác Hồ: “Nước độc lập mà dân không được ấm no, hạnh phúc thì độc lập ấy cũng không có giá trị gì”; “Đến ngày thắng lợi, ta sẽ xây dựng lại đất nước ta đàng hoàng hơn, to đẹp hơn”. Với tất cả tinh thần khiêm tốn của người cộng sản, chúng ta có thể tự hào rằng chưa bao giờ đất nước ta có tiềm lực mọi mặt mạnh mẽ như hiện nay, chưa bao giờ vị thế của quốc gia, dân tộc được thế giới tôn vinh và thừa nhận như hiện nay. Nhưng cũng với tinh thần của người cộng sản, chúng ta phải thừa nhận rằng cũng chưa bao giờ Đảng ta, Nhà nước ta lại đứng trước những nguy cơ nội sinh, nguy cơ từ bệnh quan liêu, nạn tham nhũng, từ sự “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong Đảng, trong hệ thống chính trị như hiện nay.

Thành phố Hồ Chí Minh từ sau ngày giải phóng, Đảng bộ đã lãnh đạo nhân dân vượt qua những khó khăn chồng chất những năm đầu, đặc biệt là tình trạng thiếu đói triền miên, sản xuất ngưng trệ không có lối ra. Ổn định an ninh, trật tự, ổn định đời sống nhân dân, vạch lối, tìm đường cho sự phát triển của sản xuất, phân phối lưu thông, Đảng bộ và nhân dân Thành phố đã trực tiếp đóng góp vào sự phát triển của cả nước cả về vật chất, tinh thần và kinh nghiệm thực tiễn trong sự nghiệp đổi mới. Mấy năm gần đây, sự phát triển của Thành phố có biểu hiện chững lại, một phần do yếu tố nội lực của lực lượng kinh tế xã hội, một phần vì cơ chế, chính sách chưa theo kịp yêu cầu bức bách của sự phát triển ở một thành phố trung tâm, với tư cách là đầu tàu của khu vực và cả nước.

Trong bối cảnh đó, Nghị quyết 31 của Bộ Chính trị, đặc biệt là Nghị quyết 98 của Quốc hội mới được thông qua như là một thời cơ cho Thành phố bứt phá, vươn lên trong tình hình mới. Nghị quyết 98 là biểu hiện rõ nét ý chí và sự vào cuộc của nhân dân cả nước, thông qua các đại biểu nhân dân trong việc tháo gỡ những ách tắc để phát triển Thành phố. Nghị quyết 98 là thời cơ, nhưng không phải nó tự đến. Chính thực tiễn phát triển kinh tế xã hội của Thành phố, cả những ưu điểm và hạn chế đã đặt ra đòi hỏi phải tiếp tục đổi mới. Mặt khác, nếu trong Cách mạng Tháng Tám, chính Đảng bộ và nhân dân Thành phố đã xây dựng, phát triển lực lượng, góp phần tạo thời cơ, chuẩn bị đón thời cơ và quyết tâm đứng lên giành chính quyền khi thời cơ đến, thì ngày nay, chính sự lãnh đạo của Thành ủy, sự vào cuộc quyết liệt của hệ thống chính trị đã tích cực nghiên cứu, tìm tòi, phát hiện những bất cập về cơ chế, chính sách, về tổ chức thực hiện phát triển kinh tế xã hội; đã huy động lực lượng cán bộ lãnh đạo, quản lý, cả đội ngũ cán bộ khoa học có nhiều kinh nghiệm trong nghiên cứu, đề xuất những vấn đề cần sửa đổi; tích cực, kiên trì “đeo bám” các cơ quan Trung ương và Quốc hội để có được Nghị quyết 98 như hôm nay.

Nghị quyết đã có, vấn đề là tổ chức thực hiện. Cần tận dụng cơ hội - chớp thời cơ với tinh thần “thần tốc, thần tốc hơn nữa, táo bạo, táo bạo hơn nữa” trong việc cụ thể hóa những vấn đề mà quốc hội đã cho phép triển khai. Với tinh thần làm thí điểm, nhưng cần gắng hết mức, để biến một mô hình thí điểm trở thành một mô hình ưu việt cho sự phát triển để cả nước học tập. Đó là tinh thần “Cả nước vì Thành phố, Thành phố vì cả nước! Đó cũng là ý nghĩa thật sự của việc vận bài học kinh nghiệm lịch sử vào thực tiễn cuộc sống, để tinh thần và bài học của Cách mạng Tháng Tám mãi trường tồn!.

 

Thiếu tướng-PGS.TS Vũ Quang Đạo

Nguyên Viện trưởng Viện Lịch sử quân sự Việt Nam

___________________

[1] Đảng Cộng sản Việt Nam, Ban Chấp hành Đảng bộ Thành phố Hồ Chí Minh, Lịch sử Đảng bộ Thành phố Hồ Chí Minh 1930-1975, Nxb CTQG, H., 2015, tr.312


Ý kiến bạn đọc

refresh
 

Tổng lượt bình luận

Tin khác

Thông báo