Thứ Năm, ngày 17 tháng 4 năm 2025

Đoàn Đại biểu Quốc hội TPHCM tổ chức hội thảo góp ý dự án Luật Năng lượng nguyên tử (sửa đổi)

Quang cảnh hội thảo

(Thanhuytphcm.vn) - Sáng 11/4, Đoàn Đại biểu Quốc hội (ĐBQH) TPHCM tổ chức hội thảo góp ý dự án Luật Năng lượng nguyên tử (sửa đổi). Thành ủy viên, Phó Trưởng đoàn chuyên trách ĐBQH TPHCM Hà Phước Thắng chủ trì hội thảo.

Tại hội thảo, các đại biểu khẳng định việc sửa đổi Luật Năng lượng nguyên tử là yêu cầu cấp thiết nhằm phù hợp với tình hình phát triển thực tiễn, bảo đảm an toàn, an ninh quốc gia và tuân thủ các cam kết quốc tế mà Việt Nam là thành viên.

Nhiều ý kiến cho rằng, Luật Năng lượng nguyên tử có vai trò rất quan trọng vì liên quan trực tiếp đến an toàn bức xạ, an toàn hạt nhân, an ninh năng lượng, bảo vệ môi trường và sức khỏe cộng đồng. Việc sửa đổi luật lần này cần tiếp cận theo hướng hiện đại, toàn diện, tiếp thu các quy định quốc tế và công nghệ tiên tiến trong lĩnh vực năng lượng nguyên tử.

Các đại biểu dẫn chứng, Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết 55 về định hướng chiến lược phát triển năng lượng quốc gia, trong đó nêu rõ việc “khẩn trương triển khai các cam kết quốc tế trong nghiên cứu, ứng dụng năng lượng hạt nhân vì mục đích hòa bình”. Cùng với đó, Nghị quyết 57 của Bộ Chính trị cũng đặt mục tiêu đột phá về phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia. Quốc hội cũng đã có các nghị quyết số 174 và 189 nhằm tiếp tục thực hiện Dự án điện hạt nhân Ninh Thuận và xây dựng cơ chế, chính sách đặc thù cho dự án này.

Góp ý tại hội thảo, Luật sư Trương Thị Hòa cho rằng, luật cần quy định cụ thể hơn về các hoạt động trong lĩnh vực năng lượng nguyên tử, đặc biệt là bảo đảm an toàn, an ninh, hợp tác quốc tế. Việc đẩy mạnh ứng dụng năng lượng nguyên tử phục vụ phát triển kinh tế - xã hội và bảo vệ môi trường cần được đặt trong chiến lược dài hạn, trên cơ sở khai thác tối ưu mọi nguồn lực hiện có.

Luật sư Trương Thị Hoà góp ý dự án Luật tại hội thảo Luật sư Trương Thị Hoà góp ý dự án Luật tại hội thảo

Luật sư Trương Thị Hòa nhấn mạnh: “Hoạt động năng lượng nguyên tử phải khẳng định rõ mục đích hòa bình, phục vụ lợi ích quốc gia, cộng đồng. Cần ưu tiên chuyển giao, áp dụng công nghệ tiên tiến, công nghệ cao, công nghệ thân thiện với môi trường; tăng cường nội địa hóa thiết bị phục vụ quan trắc phóng xạ, đánh giá và thẩm định an toàn”.

Đáng chú ý, Luật sư Trương Thị Hòa đề xuất cần có quy định rõ ràng về tỷ lệ ngân sách nhà nước dành cho nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ trong lĩnh vực năng lượng nguyên tử, nhằm bảo đảm nguồn lực ổn định, lâu dài.

Tại hội thảo, các đại biểu cũng thống nhất quan điểm: tổ chức, cá nhân thực hiện công việc bức xạ phải chịu trách nhiệm chính trong việc bảo đảm an toàn bức xạ, an toàn và an ninh hạt nhân. Đồng thời, cần xây dựng và duy trì văn hóa an toàn, văn hóa an ninh trong lĩnh vực đặc thù.

Các đại biểu đề nghị, lợi ích mang lại từ hoạt động bức xạ phải đủ bù đắp những rủi ro có thể gây ra cho con người, xã hội và môi trường. Luật cần quy định rõ giới hạn liều chiếu xạ cho công chúng và nhân viên bức xạ, đồng thời yêu cầu tối ưu hóa các biện pháp bảo vệ để đạt được mức độ an toàn cao nhất có thể.

Ngoài ra, các ý kiến cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của việc xây dựng kế hoạch ứng phó sự cố, bảo đảm nguồn lực sẵn sàng trong mọi tình huống. Bên cạnh đó, đề nghị luật cần xác định rõ hoạt động năng lượng nguyên tử là lĩnh vực có mức độ nguy hiểm cao, từ đó áp dụng nguyên tắc bồi thường thiệt hại không phụ thuộc vào yếu tố lỗi, như quy định tại Điều 601 Bộ luật Dân sự.

Long Hồ


Ý kiến bạn đọc

refresh
 

Tổng lượt bình luận

Tin khác

Thông báo