Anh Lê Văn Cửa (bìa trái) trao đổi với đồng nghiệp tại đơn vị (Thanhuytphcm.vn) - Nhân kỷ niệm 132 năm ngày sinh của Chủ tịch Tôn Đức Thắng (20/8/1888 – 20/8/2020), Liên đoàn lao động TPHCM vừa công bố danh sách 10 cá nhân đạt “Giải thưởng Tôn Đức Thắng lần thứ 20 - năm 2020”. Đây là những kỹ sư, công nhân lao động tiêu biểu, có nhiều sáng kiến cải tiến nổi bật, làm lợi cho đơn vị, doanh nghiệp. Anh Lê Văn Cửa, Phó Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển Nông nghiệp Công nghệ cao TPHCM vinh dự được đề cử là một trong 10 cá nhân xuất sắc đạt Giải thưởng năm nay.
Nhiều công trình sáng kiến giá trị cao
Nhiều năm nghiên cứu nông nghiệp, Thạc sĩ Lê Văn Cửa cho rằng, để đầu tư nông nghiệp công nghệ cao phải có cán bộ am hiểu khoa học kỹ thuật, đồng thời phải có trang thiết đáp ứng nhu cầu sản xuất có thể giảm chi phí và phải mang lại hiệu quả cho người dân. Tức là phải mang lại hiệu quả về kinh tế và hiệu quả về xã hội. Bên cạnh đó, việc đầu tư về nông nghiệp công nghệ cao phải dễ ứng dụng, giải mã những công nghệ cao để người dân hiểu và áp dụng vào sản xuất một cách dễ dàng, thuận lợi và phải mang tính bền vững. Có như vậy mới chuyển tải cho người nông dân từ canh tác truyền thống sang canh tác hiện đại.
Tuy mới công tác gần 10 năm tại Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển Nông nghiệp Công nghệ cao TP nhưng anh Lê Văn Cửa đã có hơn 100 sáng kiến, đồng sáng kiến và đề tài nghiên cứu, công trình khoa học trong lĩnh vực nông nghiệp công nghệ cao. Trong đó có gần 50 sáng kiến và đề tài mà tổng giá trị làm lợi lên đến gần 9 tỷ đồng/năm.
Tiêu biểu như việc anh cùng đồng nghiệp trong đơn vị chuyển giao thành công 4 quy trình kỹ thuật về mô hình lan Mokara, quy trình trồng dưa lưới, cà chua bi, trồng ớt cay cho nông dân và các đơn vị có nhu cầu trên địa bàn TPHCM và các tỉnh lân cận. Nhờ vậy, bà con nông dân và các đơn vị ứng dụng tiếp tục triển khai và nhân rộng mô hình ứng dụng, trung bình mở rộng từ 3-4 lần so với diện tích ban đầu, hiệu quả đem lại cao (từ 1,1 đến 1,5 tỷ đồng/ha/năm).
Hay như sáng kiến gần đây nhất anh Lê Văn Cửa thực hiện “Xây dựng quy trình sản xuất dưa lưới trồng trên đất/giá thể kết hợp bón hữu cơ và khoáng hữu cơ trong nhà màng áp dụng tưới nhỏ giọt”. Sáng kiến này áp dụng quy trình sản xuất dưa lưới trồng trên đất/giá thể kết hợp bón hữu cơ và khoáng hữu cơ trong nhà màng áp dụng tưới nhỏ giọt tận dụng phân bón hữu cơ và khoáng hữu cơ từ nguồn rác thải, tạo ra sản phẩm an toàn. Hiệu quả đem lại khi trồng dưa lưới trên giá thể bổ sung phân hữu cơ và khoáng trồng trong nhà màng dao động 1,2 tỷ đồng/ha/năm. Sáng kiến đã được Hội đồng xét sáng kiến cấp TPHCM công nhận có phạm vi ảnh hưởng cấp TP năm 2018.
Bên cạnh đó, với sáng kiến “Xây dựng Quy trình sản xuất thử nghiệm cà chua bi nhóm sinh trưởng vô hạn trong nhà màng ứng dụng công nghệ 4.0” đã giúp nâng cao hiệu quả sản suất và chất lượng sản phẩm, đáp ứng nhu cầu sản xuất của các doanh nghiệp có quy mô lớn. Với toàn bộ những hệ thống được lắp đặt, nhà màng trồng cà chua sẽ được tối ưu hóa bằng các thành tựu công nghệ thông tin hiện đại giúp truy xuất nguồn gốc sản phẩm, tăng giá trị sản xuất canh tác nông sản. Hiệu quả mang lại là sử dụng chính xác lượng nước, dinh dưỡng đáp ứng cho nhu cầu sinh trưởng của cây hiệu quả nhất. Với sáng kiến này có thể được áp dụng rộng rãi cho doanh nghiệp, tập thể và hộ nông dân có nhu cầu trong sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao. Hiện tại đã chuyển giao cho các doanh nghiệp thực hiện và đã được Hội đồng sáng kiến của TP công nhận sáng kiến cấp TP năm 2019.
Một trong các công trình được anh Cửa tâm đắc và đã được bà con nông dân TP và các tỉnh thành áp dụng rộng rãi là sáng kiến chuyển tải nhà màng ứng dụng công nghệ Israel với chi phí cao thành một nhà màng ứng dụng công nghệ Việt Nam với chi thấp nhất mà hiệu quả mang lại cao nhất. Theo anh Cửa, nếu dùng công nghệ của Israel thì chi phí lên đến 2 triệu đồng/m2, còn với nhà màng công nghệ Việt Nam chi phí chỉ có 300.000 đồng/m2. Nhà màng này quản lý, canh tác theo một quy trình nhất định nhằm mang lại hiệu quả kinh tế cao nhất cho cây trồng.
Tích cực hướng dẫn, chuyển giao công nghệ
Ngoài vai trò quản lý, anh Lê Văn Cửa còn là Chủ tịch Công đoàn, người thầy, người anh rất quan tâm đến đồng nghiệp, giúp đỡ, hỗ trợ cho những trường hợp khó khăn từ công việc đến cuộc sống cá nhân, góp phần giữ vững công tác nghiên cứu và chuyển giao nông nghiệp công nghệ cao trên địa bàn TP và các tỉnh thành khác trên cả nước.
Anh Lê Văn Cửa (bìa phải) cùng đồng nghiệp tham quan thực tế những mô hình sáng kiến Có nhiều năm công tác chung với anh Lê Văn Cửa, chị Nguyễn Thị Kim Liên, Phó phòng Nghiên cứu công nghệ sinh học và thủy sản cho biết: Những sáng kiến của anh Cửa đã đóng góp rất lớn vào quá trình phát triển của đơn vị. Từ những sáng kiến này, bà con nông dân đến tham quan học tập và được chuyển giao trực tiếp ngay tại Trung tâm. Bên cạnh đó, những sáng kiến, đề tài của anh Cửa làm ra cũng đã được báo cáo trình bày tại rất nhiều hội thảo khoa học, góp phần nâng cao vị thế và uy tín của đơn vị.
Từ năm 2014 đến nay, anh Lê Văn Cửa đã hướng dẫn đào tạo trên 100 kỹ sư, nghiên cứu viên và công nhân trực tiếp sản xuất tại Trung tâm đều có trình độ và tay nghề cao, nhiệt tình, trách nhiệm trong công việc. Đặc biệt, anh đã tham mưu tổ chức cuộc thi “Que cấy vàng” thu hút hơn 50 kỹ thuật viên và công nhân cấy mô của các đơn vị trong khu Nông nghiệp Công nghệ cao dự thi. Qua cuộc thi đã đánh giá được trình độ, kỹ thuật, tay nghề... là cơ sở đề xuất nâng bậc lương và định mức công việc hiệu quả hơn.
Bên cạnh đó, hàng năm anh Lê Văn Cửa trực tiếp đào tạo, hướng dẫn trên 200 sinh viên thực tập tốt nghiệp cho các sinh viên từ các trường đại học, cao đẳng trên địa bàn TPHCM và các tỉnh lân cận. Ngoài ra, anh còn tham gia và thực hiện nhiều dự án, trong đó dự án vi sinh đã đăng kí và lưu hành 4 chủng vi sinh được công nhận của Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn.
Với những đóng góp của mình, anh Lê Văn Cửa đạt danh hiệu Chiến sĩ thi đua cấp cơ sở 5 năm liền, được nhận Bằng khen của UBND TP, Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ, Bằng khen của Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn và của Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam. Bên cạnh đó, anh còn được tặng Kỷ niệm chương vì sự nghiệp của Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn và Kỷ niệm chương Vì sự nghiệp công đoàn của Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam.